Sự thay đổi của thời tiết, nhất là khi trời lạnh đột ngột sẽ tác động rất lớn đến sức khỏe của mỗi người, làm suy giảm hệ miễn dịch.
- Người đàn ông bị tiêu chảy đến mức tử vong do ăn đồ thừa trong tủ lạnh, bác sĩ nhắc nhở: 5 món ăn để qua đêm càng để lâu càng nguy hiểm
- Khi bị táo bón mà xuất hiện một trong những dấu hiệu sau, chuyên gia cảnh báo bạn nên đi khám càng sớm càng tốt
Thời tiết lạnh dễ bị đột quỵ
Thời tiết lạnh khiến tình trạng bệnh cao huyết áp chuyển biến xấu hơn, nhiều khả năng dẫn tới suy tim hoặc đột quỵ.
Vào mùa lạnh, cơ thể tăng tiết các catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên. Mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra những khu vực ít chịu ảnh hưởng hơn, gây giãn mạch thụ động ở những nơi đó (như mạch não, mạch phổi) do đó, dễ gây các biến chứng đứt mạch não hoặc phù phổi cấp.
Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
Đặc biệt ở người già, khả năng miễn dịch và tính chịu đựng cơ thể kém, mạch máu giảm tính đàn hồi, trở nên cứng hơn, máu tăng độ quánh do tăng cholesterol, giảm enzyme tiêu hủy sợi huyết, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị kết vón, lưu lượng máu qua não giảm đến 1/5 so với thông thường, dự trữ chức năng không còn nhiều nên rất khó thích nghi với những thay đổi bất thường của thời tiết.
Hạ thân nhiệt do lạnh
Hạ thân nhiệt là khi cơ thể còn 35 độ C. Người già, trẻ em và người gầy là những người rất dễ có nguy cơ. Một số tình trạng khác khiến người ta dễ bị hạ thân nhiệt là suy dinh dưỡng, bệnh tim mạch và thiểu năng tuyến giáp.
Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm: run lẩy bẩy, nói lắp bắp, nhịp thở chậm bất thường. Da lạnh, xám, mất phối hợp động tác, mệt mỏi, bơ phờ hoặc thờ ơ,... Các triệu chứng thường diễn biến chậm. Người bị hạ thân nhiệt thường bị mất dần ý thức và năng lực thể chất, do đó có thể không ý thức được sự cần thiết phải điều trị cấp cứu. Nguy hiểm của hạ thân nhiệt là nạn nhân không biết, chỉ tới khi mệt mỏi, đầu óc lơ mơ, rùng mình thành đợt, da tái xanh, đồng tử giãn và mất tỉnh táo là đã mất ý thức.
Do đó khi trời lạnh thấy ai đó run lẩy bẩy, nói lắp bắp, da lạnh, xám,... nên giúp họ quấn chăn và đốt lửa sưởi cho tới khi cơ thể ấm lại.
Viêm phổi
Dấu hiệu của viêm phổi ban đầu là ho khan, ho có đờm, cảm giác tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, sốt... Do đây là những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm lạnh, ho, cảm cúm... nên nhiều bạn chủ quan không điều trị nhanh chóng và đúng cách khiến cơ thể rơi vào tình trạng nguy hiểm. Bởi tuy viêm phổi là căn bệnh khá phổ biến trong mùa đông nhưng mức độ nguy hiểm khá cao vì bệnh diễn biến nhanh, nếu nặng có thể gây tử vong không kịp trở tay.
Liệt mặt, méo miệng
Liệt mặt, méo miệng là căn bệnh xảy ra khi cơ thể bị tác động quá lâu từ nhiệt lạnh giảm mạnh của môi trường. Bệnh xảy ra khi dây thần kinh số 7 chạy dài từ cổ lên dọc 2 tai bị nhiệt lạnh tác động mạnh khiến một bên mặt của người bệnh bị liệt và méo miệng.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh là một bên cơ mặt có cảm giác khác thường, hơi căng cứng, bị đơ và khó điều khiển. Và nếu không được làm ấm kịp thời thì mặt sẽ bị liệt nặng hơn gây méo miệng, một bên mắt không nhắm được, khó khăn trong cười nói, ăn uống...
Liệt mặt, méo miệng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không kịp thời phát hiện và chữa trị thì bệnh có thể để lại di chứng lâu dài gây mất thẩm mỹ mặt cũng như ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Dị ứng
Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ sẽ làm nhiều người bị dị ứng, đặc biệt người có tiền sử dị ứng (như hen phế quản…). Sự sụt giảm nhiệt độ mùa lạnh và chênh lệch giữa ngày và đêm, giảm độ ẩm không khí còn gây các chứng khác như khô nẻ, mẩn đỏ, ngứa ngáy…
Để giảm thiểu sự trầm trọng của dị ứng, cần loại bỏ món hay gây dị ứng, giảm đồ ngọt, rượu bia. Đề phòng bị dị ứng da, hãy bôi kem dưỡng ẩm và vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Khi chưa tìm rõ nguyên nhân bị dị ứng thì dùng thuốc gì cũng cần có tư vấn của bác sĩ.