Thận là một cơ quan quan trọng của cơ thể con người. Thận sẽ tổn thương khi hoạt động bình thường bị ảnh hưởng, dẫn đến suy thận và có thể tử vong.
- 6 nhóm người muỗi rất thích đốt, nếu nằm trong danh sách cẩn thận nguy cơ sốt xuất huyết
- Dấu hiệu cảnh báo thận đang gặp vấn đề cần đến bệnh viện kiểm tra ngay
Thận đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của cơ thể bạn. Chúng giúp loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể bạn. Chúng cũng loại bỏ axit để duy trì sự cân bằng lành mạnh của nước, muối và khoáng chất.
4 thói quen hàng ngày gây hại thận
Không uống đủ nước: Nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thận lọc máu và loại bỏ các chất thải qua nước tiểu. Khi bạn không uống đủ nước, lượng nước tiểu giảm, trở nên cô đặc hơn, khiến thận phải làm việc vất vả hơn. Cung cấp đủ nước giúp thận loại bỏ natri và chất độc ra khỏi cơ thể, hạn chế sỏi thận. Đối với hầu hết mọi người, uống 1,5-2 lít nước mỗi ngày là điều cần thiết và tốt cho sức khỏe.
Ngồi nhiều, ít vận động: Ngồi trong thời gian dài có liên quan đến sự phát triển của bệnh thận. Mặc dù các nhà nghiên cứu chưa biết rõ nguyên nhân nhưng ngồi nhiều, ít vận động thể chất ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thận. Lý do, hoạt động thể chất nhiều sẽ giúp máu lưu thông tốt, cải thiện huyết áp và chuyển hóa glucose, cả hai yếu tố quan trọng đối với sức khỏe của thận.
Sử dụng quá nhiều muối: Thực phẩm và chế độ ăn nhiều muối (natri) có thể làm tăng huyết áp, gây hại cho thận. Hãy thử tạo hương vị cho thức ăn của bạn bằng các loại thảo mộc và gia vị thay vì nêm quá nhiều muối. Theo thời gian, thói quen này sẽ giúp bạn tránh thêm muối vào thức ăn.
Thức khuya: Thời điểm thải độc thận chủ yếu là khi bạn nghỉ ngơi vào ban đêm, thức khuya lâu ngày sẽ cản trở quá trình giải độc và trao đổi chất của thận. Điều này không có lợi cho việc bài tiết chất thải và độc tố, cuối cùng sẽ gây ra rối loạn miễn dịch và suy nhược, chức năng thận bất thường.
Triệu chứng cần đi khám bệnh thận sớm
Suy thận ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện vì triệu chứng suy thận giai đoạn nhẹ thường kín đáo, không rõ ràng. Ở giai đoạn này bệnh nhân vẫn lao động sinh hoạt bình thường cho nên thường bỏ qua những triệu chứng của bệnh.
Tuy nhiên, một số triệu chứng cần nghĩ tới bệnh thận khi cảm thấy cơ thể thường xuyên mệt mỏi, da xanh, người phù nhẹ. Khi xuất hiện các triệu chứng này cần đi khám sớm để tránh nguy cơ thận bị suy dẫn đến không hồi phục.
Suy thận ở giai đoạn nặng triệu chứng sẽ rõ ràng hơn người bệnh sẽ cảm thấy chán ăn, mệt mỏi nhiều và buồn nôn. Để xác định có bị bệnh thận hay không bệnh nhân cần phải làm các xét nghiệm về máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm đánh giá hình thái của thận.
Lưu ý để bồi bổ thận
Chế độ ăn uống nuôi dưỡng thận: Theo y học cổ truyền, hầu hết các loại thực phẩm bổ thận đều có màu sẫm, chẳng hạn như thực phẩm màu đen: gạo lứt, đậu đen, hạt mè đen... đều rất tốt cho thận. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý ăn ít đồ ăn nhiều dầu mỡ, mặn, ngọt trong cuộc sống hàng ngày.
Tập thể dục nuôi dưỡng thận: Tập thể dục phù hợp cũng có thể cải thiện các vấn đề về thận. Đối với người cao tuổi có thể chọn những bài tập ít cường độ như: đi bộ, chạy bộ nhẹ, thái cực quyền, yoga... mỗi ngày và thực hiện theo khả năng của mình.
Nếu vấn đề về thận không thể giảm bớt thông qua việc điều chỉnh lối sống, bạn cần phải thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.