Những cặp vợ chồng lần đầu làm cha mẹ đều tò mò về cuộc sống khi có con. Tuy nhiên, phần lớn những hình dung này đều trái ngược với thực tế.
- Thèm ngọt sinh con gái, thèm chua sinh con trai liệu có đúng?
- Mẹ bầu uống nước dừa con trắng trẻo, xinh xắn: Sự thật thế nào, uống sao cho đúng?
Trước khi trở thành cha mẹ, các cặp đôi đều mang trong mình những háo hức và mong chờ. Họ quan sát những người xung quanh và so sánh mình với họ.
Khi bắt gặp một người mẹ la mắng con mình họ tự hứa với bản thân rằng sẽ không bao giờ giống như vậy. Hay khi thấy một người cha dành thời gian chơi với con gái họ hy vọng sẽ trở thành kiểu cha mẹ này. Nhưng đôi khi, mọi thứ không diễn ra giống như kế hoạch.
Ảnh minh họa
Tự hứa với bản thân sẽ chấp nhận những gì con muốn
Mỗi đứa trẻ lại có mong muốn, sở thích, cá tính và mục tiêu riêng biệt. Cha mẹ cho rằng mình sẽ chấp nhận và ủng hộ mọi mong muốn của con nhưng thực tế không phải vậy.
Những đứa trẻ lựa chọn thể hiện “cái tôi” qua nhiều cách khác nhau như nhuộm tóc sặc sỡ hay diện những trang phục mà phụ huynh cho là “khác người”. Vài trường hợp khác muốn sống ước mơ mà quyết định từ bỏ đại học. Hoặc nếu con trai bạn có sở thích mạo hiểm như đi xe đạp địa hình thì sao?
Tất cả các bậc phụ huynh đều có giới hạn của mình và sớm hay muộn, khi nghe con cái nói điều gì đó mà bạn cảm thấy không hài lòng, bạn chắc hẳn sẽ lớn tiếng nói những câu như "Con đừng nghĩ về nó!" hay “Đừng có mơ mộng viển vông nữa”.
Mỗi thế hệ có một lối suy nghĩ, cách sống khác nhau. Không dễ để phụ huynh chấp nhận hết những mong muốn, sở thích của con cái. Tuy nhiên cũng đừng vội vàng phản đối mà hãy trao đổi với con cái để hiểu hơn về mong muốn của trẻ.
Dự định cho con ăn những thực phẩm lành mạnh và đa dạng
Trước khi có con, cha mẹ thường tìm hiểu các công thức nấu ăn và dự định sẽ nấu nhiều món ăn cho con. Nhiều người lên thực đơn chi tiết và tin rằng mình đủ khả năng để nấu ba bữa khác nhau mỗi ngày.
Ảnh minh họa
Nhưng thực tế, khi trẻ càng lớn, bạn càng không đủ thời gian để nấu thật nhiều món cho trẻ mỗi ngày. Trẻ phải ăn lặp lại một món nhiều lần trong tuần thậm chí trong ngày. Nhiều phụ huynh khác thì lựa chọn cho trẻ em thức ăn nhanh để tiết kiệm công sức nấu nướng.
Vì vậy, thay vì tưởng tượng hay lên kế hoạch nấu thật nhiều món trong ngày nhưng không thể thực hiện được. Cha mẹ có thể nấu từ 2 đến 3 món ăn đơn giản cho trẻ mỗi bữa, chú trọng đủ các chất dinh dưỡng cần thiết hơn là số lượng món ăn.
Nghĩ rằng có thể tự nuôi con cái mà không cần giúp đỡ
Không có gì sai khi gửi con đến nhà trẻ hoặc nhờ người thân trông nom giúp. Ở bên cạnh em bé 24/7 là một thách thức rất lớn đối với bất kỳ ai. Vì vậy cha mẹ không cần phải làm mọi thứ một mình.
Hãy nhờ đến sự giúp đỡ của người trông trẻ hay ông bà. Những người đã có kinh nghiệm trong việc chăm sóc con cái trước đây sẽ giúp việc làm cha mẹ của bạn bớt vất vả hơn.
Cha mẹ nghĩ mình sẽ không mắc sai lầm nhưng thực tế thì ngược lại
Không ai trong chúng ta hoàn hảo, những người làm cha mẹ cũng vậy. Mọi người đều có lần đầu làm cha mẹ nên việc mắc sai lầm là không tránh khỏi. Ngay cả khi đã nuôi dạy 2 hay 3 đứa trẻ, phụ huynh vẫn có thể có những thiếu sót.
Ảnh minh họa
Trước khi có con, bạn tự hứa sau này mình sẽ luôn đón con đúng giờ, không đánh mắng con vô lý,... Nhưng cuộc sống bận rộn khiến bạn là người đón con muộn nhất ở trường hay vì áp lực trong công việc mà “giận cá chém thớt” lên con cái.
Vậy nên không cần bắt ép mình trở thành ông bố bà mẹ hoàn hảo mà hãy chấp nhận những sai lầm của bản thân để hoàn thiện hơn trong quá trình nuôi con.
Nghĩ rằng mình sẽ không trở thành người chỉ nói về con cái
Chủ đề chính trong câu chuyện của những người mới có con hầu hết đều nói về đứa con của mình. Việc này kéo dài trong vài năm đầu sau khi các cặp đôi sinh con. Đôi lúc điều này khiến người nghe cảm thấy chán nản đặc biệt là trong cuộc trò chuyện có cả những người còn độc thân hoặc chưa sinh con.
Nhiều phụ huynh tự nhận thức được việc mình dành thời gian quá nhiều để nói về con cái mà quên đi những câu chuyện tán gẫu bạn bè khác. Họ cố gắng không nhắc đến con cái hay gia đình trong những cuộc tụ tập. Tuy nhiên, không phải lúc nào phụ huynh cũng có thể ngăn mình chia sẻ một bức ảnh xinh xắn hay câu chuyện đáng yêu của con cái. Đó đơn giản là bản năng của cha mẹ.
Tự hứa sẽ không đáp ứng sự đòi hỏi bất chợt của con
Cha mẹ luôn tự nhủ sẽ không gục ngã trước những đòi hỏi bất chợt của con mình, nhưng không phải lúc nào cha mẹ cũng mạnh mẽ như vậy.
Ảnh minh họa
Trẻ em biết cách thao túng cha mẹ: một số thường mếu máo, một số sẽ vòi vĩnh liên tục. Và kết quả là cha mẹ phải “đầu hàng” mua cho trẻ món đồ chơi mới hoặc những thứ mà con đã đòi, hoặc để con ngồi trước máy tính thêm một giờ.
Cha mẹ tin rằng có thể giúp cho con tự lập
Ban đầu, cha mẹ nào cũng nghĩ rằng mình sẽ có đủ kiên nhẫn để dạy con cái cách tự làm bài tập về nhà, tự rửa bát và dọn dẹp phòng. Nhưng sau vô số lần yêu cầu con phải rửa bát, bạn có thể đã từ bỏ và tự làm, chỉ vì đó là cách nhanh hơn và đơn giản hơn.
Bí quyết là đừng “đầu hàng”. Đôi lúc bạn phải kiên quyết với trẻ. Có thể để trẻ bắt đầu từ một phần nhỏ công việc như tự rửa bát của riêng con sau đó mới để con làm nhiều hơn.
Cha mẹ luôn nghĩ rằng mình thực sự hiểu con
Thấu hiểu con cái là một trong những điều quan trọng nhất với đối với người làm cha làm mẹ. Việc thấu hiểu con rất hữu ích trong việc dẫn dắt và nuôi con cho tới khi trưởng thành.
Ảnh minh họa
Tất cả các bậc cha mẹ đôi khi mất kiểm soát với con cái, không thể hiểu và chia sẻ với con những câu chuyện trong cuộc sống. Con cái càng không thể hiểu được hết nỗi lòng của cha mẹ. Những bất đồng giữa các thế hệ là lẽ tất yếu.
Tuy nhiên thay vì bực tức, kể xấu con cái hay bắt ép con cái kể mọi chuyện của chúng với cha mẹ, hãy dành nhiều thời gian cho con, lắng nghe ý kiến và quan sát thói quen hàng ngày của con để phát hiện nhiều hành vi thuộc bản tính tự nhiên của con. Điều này sẽ giúp các mẹ xác định liệu trẻ thuộc tuýp linh hoạt, dễ dàng thích ứng hay cần có nhiều thời gian, kiên nhẫn để chấp nhận những thay đổi.
Đừng quá ngạc nhiên nếu trẻ có những hành vi và suy nghĩ lạ so với các bạn đồng trang lứa. Đón nhận sự khác biệt này là bước căn bản để hiểu con trẻ hơn.