Tiến sĩ Minh cho rằng, ngôi trường tinh thần mới là ngôi trường quan trọng nhất mà con bạn sẽ bước vào. Và ngôi trường tinh thần đó được quyết định bởi cách ứng xử giữa người với người chứ không phải là những nhà ngang dãy dọc, máy móc hoành tráng.
- Dù bận rộn tới đâu, mỗi ngày mẹ 9x đều dành 5 mốc thời gian quan trọng này ở bên con
- Trường hợp nào thí sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2023?
Có con trai sắp thi vào lớp 10, trong khi phụ huynh khắp nơi nháo nhác tìm trường cho con, chị Nguyễn Thị Ngọc Minh (Tiến sĩ (TS)- Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; người sáng lập Sách ơi, mở ra) lại có một quyết định khác: Trao quyền chọn lựa cho con.
Chị nói: "Mẹ ủng hộ mọi lựa chọn của con, vì con sẽ là người chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình". Sau một hồi đắn đo, rút cục, tự con của chị đã quyết định những thông tin sẽ phải điền trên thẻ xanh, tấm thẻ dự thi sẽ quyết định số phận của con trong 3 năm tới.
"Tôi nhớ gần 10 năm trước, khi con chuẩn bị vào lớp 1, tôi cũng cảm nhận được bầu không khí lo lắng và nháo nhác đó. Chọn trường cho con là một lựa chọn rất quan trọng, có ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố như sự phát triển của con, tài chính của gia đình, thời gian của bố mẹ…, và vì vậy bao giờ cũng là một bài toán rất khó đối với các phụ huynh, nhất là trong thời buổi mà các trường học trăm hoa đua nở như hiện nay", TS Minh cho biết.
TS Minh từng tham gia đào tạo giáo viên, tư vấn, dự giờ khoảng gần 40 trường ở Hà Nội, có một đội ngũ sinh viên cũ hùng hậu đang làm giáo viên ở hầu khắp các trường ở Hà Nội; có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với những nhà sáng lập, chủ đầu tư, người điều hành các trường học. Đồng thời, chị cũng có thời gian đồng hành với những trường lớn trong vòng nhiều năm.
Từ kinh nghiệm của mình, TS đã có những chia sẻ để giúp các phụ huynh khác có những căn cứ khách quan khi lựa chọn trường học cho con. Dưới đây là một số tiêu chí TS Minh đưa ra mà phụ huynh có thể cân nhắc.
1. Tiêu chí quan trọng nhất đối với tôi là "con người"
Ai là người sáng lập trường? Ai là chủ đầu tư? Ai là người trực tiếp điều hành? Ba vị trí này có thể thuộc về một người duy nhất hoặc những người khác nhau. Dù thuộc về ai thì điều quan trọng là những nhân sự chủ chốt này buộc phải là người rất tâm huyết, chính trực, am hiểu về giáo dục.
Sự am hiểu giúp cho họ có những lựa chọn và quyết định đúng từ những việc tưởng chừng như ít liên quan đến giáo dục nhất như thiết kế nhà vệ sinh, chọn lựa kiểu dáng của bàn ghế…, cho đến những việc cốt lõi của giáo dục là chọn người quản lý, chuyên gia tư vấn, chọn lựa chương trình, các môn học…
Sự am hiểu không những đến từ việc học hành, bằng cấp, mà cần phải dựa trên kinh nghiệm quan sát, vận hành một trường học trong nhiều năm. Sự tâm huyết giúp họ luôn nỗ lực làm những gì tốt nhất cho học sinh, tạo môi trường làm việc tử tế sao cho mỗi giáo viên được đãi ngộ xứng đáng, được học hỏi liên tục, không ngừng cập nhật những tri thức mới.
Sự chính trực khiến cho họ luôn giữ đúng lời hứa, cam kết với phụ huynh, với nhân viên, với xã hội, tạo nên niềm tin và sự gắn kết, hợp tác trong cộng đồng giáo dục. Tôi luôn cho rằng trong các lĩnh vực liên quan tới con người như giáo dục, y tế, thì câu hỏi AI luôn là câu hỏi quan trọng nhất, vì một ngôi trường bao giờ cũng là sự vật chất hóa, hiện thực hóa toàn bộ ý tưởng, ước mơ, tính cách, giá trị của người xây nên ngôi trường ấy.
Và với một lĩnh vực nghề nghiệp có can hệ nhiều đến cảm xúc, nhân phẩm - những thứ rất vô hình và khó có thể đo lường này thì nhân cách, năng lực và tầm nhìn của người đứng đầu này có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ bầu không khí của trường học.
Tìm hiểu thật thấu đáo về người đứng đầu một trường học, thậm chí tiếp xúc trực tiếp với họ là cách tốt nhất để bạn cảm nhận về một trường học. Tuy nhiên, nếu không thể làm việc này, bạn có thể quan sát và cảm nhận bầu không khí bên trong một trường học và "tính cách" của một trường học thông qua từng cá nhân cấu thành nên trường học ấy.
Tôi có dịp đến rất nhiều trường, và có thể cảm nhận ngay lập tức tính cách của từng trường học. Một số trường sẽ có tính cách cởi mở, và mỗi nhân viên trong trường đều rất vui vẻ, thân thiện, dễ gần. Một số trường có tính cách khép kín, thận trọng và dè dặt, nơi tôi thường đọc thấy sự e ngại trong mắt của mỗi giáo viên. Một số trường lại có tính cách bay bổng, hào sảng, sáng tạo, nơi tôi thường cảm thấy một bầu không khí phóng khoáng, liên tục đổi mới trong từng tiết học, từng hoạt động.
Và khi tiếp xúc với những lãnh đạo cao nhất, người có quyền quyết định số phận của trường, thì tôi thường nhận thấy tính cách của trường học rất nhất quán với tính cách của người đứng đầu. Vậy nên, bạn hãy nhìn vào ánh mắt, cách cư xử của từng con người, từ bác bảo vệ, cô lao công, nhân viên hành chính đến giáo viên trong trường.
Một trường học tốt theo tôi là một trường học mà mỗi nhân viên đều toát lên một vẻ ân cần, chu đáo, chân thành, cởi mở và tự tin. Bạn hãy sắm vai một người khách lạ đến trường và thử xem bạn được tiếp đón ra sao. Bạn thử ăn mặc thật giản dị và khiêm nhường, xem họ đối xử với bạn ra sao. Bạn thử đứng từ xa quan sát xem cách họ làm việc, giao tiếp với học sinh và đồng nghiệp ra sao. Bạn quan sát xem họ có chú tâm vào công việc của mình không hay chỉ làm việc cho xong, họ thực sự lắng nghe bạn hay chỉ nói như một cái máy…
Tất cả những thông tin này rất quan trọng, vì ngôi trường tinh thần mới là ngôi trường quan trọng nhất mà con bạn sẽ bước vào. Và ngôi trường tinh thần đó được quyết định bởi cách ứng xử giữa người với người chứ không phải là những nhà ngang dãy dọc, máy móc hoành tráng.
2. Tiêu chí quan trọng thứ hai đối với tôi là định hướng phát triển của nhà trường
Hiện nay ở Hà Nội, mỗi trường học có một định hướng phát triển rất khác nhau. Một số trường hướng tới mục tiêu đào tạo học sinh để có thể thi đỗ vào các trường chuyên như Archimedes, Ngôi sao,… Một số trường hướng tới mục tiêu là học sinh có thể hòa nhập được với các môi trường học tập quốc tế như Wellspring, Olympia, Dewey,… Một số trường lại có định hướng giáo dục khai phóng, nhấn mạnh đến năng lực sáng tạo và thích ứng như Edison…
Tất nhiên, cũng có nhiều trường mà định hướng không rõ nét, hoặc không có định hướng gì, hoặc định hướng mỗi lúc một khác. Những trường này thường gây khó cho phụ huynh và gây khó cho chính họ, bởi họ khó có thể xây nên một danh tiếng bền vững và cũng khó có thể định vị được bản thân trong mắt cộng đồng. Và ta có thể quan sát thấy sự thiếu nhất quán trong hành trình phát triển của trường, bộc lộ ở việc thay đổi nhân sự liên tục, đặc biệt là nhân sự lãnh đạo, kéo theo đó là sự thay đổi liên tục chương trình học, giáo trình, sách giáo khoa, các chính sách, cũng như sự thiếu nhất quán giữa lời hứa trên các phương tiện truyền thông và việc làm trên thực tế…
Và tất nhiên là các trường tuy có định hướng riêng, song vẫn luôn cố gắng để cân bằng, bù đắp, hoàn thiện để gia tăng cơ hội học tập cho học sinh, song ta nên nhớ là thời gian của học sinh trong trường rất hữu hạn, ưu tiên hoạt động này thì tất yếu sẽ phải tiết giảm hoạt động kia.
Do vậy, tùy theo mục tiêu của mỗi gia đình và đặc điểm của đứa trẻ, bạn sẽ lựa chọn một ngôi trường để phát huy được điểm mạnh và phù hợp với cá tính riêng của con. Nếu con bạn thích sáng tạo, có đam mê về kĩ thuật, mà lại vào một trường học mà phần lớn thời gian học tập là dành cho luyện thi, thì chắc chắn thiên hướng riêng của con sẽ không có cơ hội phát triển, và con có thể bị tụt lại trong cuộc đua thành tích.
3. Tiêu chí quan trọng thứ ba là chất lượng chuyên môn của một trường học
Chất lượng chuyên môn của trường học được cụ thể hóa ở các yếu tố: chất lượng của giáo viên, chất lượng của chương trình, chất lượng đầu vào và đầu ra… Những yếu tố này được quyết định bằng hàng loạt những yếu tố vô hình chìm ở phía sau mà phụ huynh khó có thể nhận biết như cách vận hành và quản lý, cách thiết kế không gian, sử dụng thời gian, cách đối nhân xử thế của lãnh đạo…
Trong tất cả những yếu tố này thì chất lượng giáo viên là yếu tố quan trọng nhất. Vì một chương trình tốt rơi vào tay một giáo viên tồi, sẽ trở thành một thứ hàng nhái méo mó và kém chất lượng. Những giáo viên tốt đương nhiên sẽ khích lệ và phát huy điểm mạnh, kích hoạt được hứng thú học tập của học sinh. Chất lượng của giáo viên thường được quyết định ở chỗ trường có thực sự trọng dụng những người giỏi, có ưu tiên cho việc đào tạo và hỗ trợ giáo viên hay không, có tạo nên một môi trường mà giáo viên liên tục được thử thách, sáng tạo hay không.
Ở hai trường mà tôi có cơ hội được hợp tác gần 10 năm, thì nhà trường dành rất nhiều tự do cho sự sáng tạo và phát triển của giáo viên. Ngoài việc hàng năm có cuộc thi và giải thưởng Giáo viên sáng tạo với một ngân sách rất lớn, các giáo viên và đặc biệt là tổ trưởng, hiệu trưởng được trao quyền quyết định trong việc mời ai đến đào tạo, nội dung đào tạo, thời gian đào tạo, và tôi thường nhận được đề xuất mời đào tạo từ tổ trưởng chuyên môn chứ không phải từ bộ phận nhân sự. Việc mời chuyên gia đến đào tạo cũng như tự học hỏi lẫn nhau là một yêu cầu thường xuyên và bắt buộc trong nhà trường.
Cơ chế này đã tạo nên một cộng đồng học tập bền vững mà trong đó mỗi giáo viên đều có nhu cầu được học, không ngại thử nghiệm những ý tưởng mới, và bởi vậy có động lực cao trong nghề nghiệp. Tôi rất mong mô hình vận hành chuyên môn này có thể được áp dụng ở nhiều trường học khác- nơi giáo viên thực sự được trao quyền và không ngừng được ghi nhận và khích lệ. Khi giáo viên được tự do trong chuyên môn, không ngừng học hỏi và sáng tạo, thì họ cũng sẽ truyền được tinh thần ham học đó cho học sinh của mình.
Các tiêu chí như cơ sở vật chất, mức học phí… cũng là những tiêu chí quan trọng, song đây là những thứ mà ai cũng có thể dễ dàng quan sát được.
Tôi có 3 cậu con trai và đã không ít lần phải chọn trường, chuyển cấp, và hiểu rõ những tác động của trường học tới sự lớn lên của con, vì thế, sự cân nhắc thận trọng của phụ huynh là điều hết sức cần thiết.
Cái khó của phụ huynh ngày nay là bị lạc trong mê cung của những thông tin, khi bất cứ trường nào cũng sẽ dùng truyền thông như một cách để tạo nên thương hiệu của trường học, khi những group phụ huynh cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin song lại quá sa vào những tiểu tiết và đôi khi có những đánh giá chủ quan, khiến cho bạn thấy cây mà không thấy rừng. Trong ma trận thông tin này, thì không cách nào tốt hơn là việc bạn đến và cảm nhận trực tiếp cái mà tôi thường gọi là "ngôi trường tinh thần" nằm bên trong khuôn khổ của một ngôi trường vật chất.
Nhà thơ đời Đường Lưu Vũ Tích viết: "Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh. Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh" (Núi không nhất thiết phải cao, có tiên đến tất sẽ nổi tiếng. Nước không nhất thiết phải sâu, có rồng tới tất sẽ linh thiêng). Một người có đức hạnh cao thượng thì dù ở nơi đâu cũng sẽ có người biết tới. Liên hệ với giáo dục thì sẽ thấy, một trường học có những con người hiểu biết, chính trực, có trách nhiệm và giàu lòng yêu thương thì tất yếu sẽ là một trường học tử tế, dù nó nằm ở nơi xa xôi hẻo lánh hay không được trang bị đủ đầy về cơ sở vật chất.
Linh hồn của mỗi ngôi trường luôn là bầu không khí của sự nhân ái, tôn trọng, niềm đam mê học hỏi và sáng tạo toát lên từ mỗi cá nhân- những mảnh ghép nhỏ nhất trong trường học ấy. Bầu không khí tinh thần đó thì bạn sẽ không thể nhìn thấy trên website hay trong các group đâu, mà bạn sẽ phải tự cảm nhận bằng cách đến trường, quan sát và tiếp xúc trực tiếp với những con người rất cụ thể, và cũng cần một chút nhạy cảm nhất định để có thể nhận ra.