Những quan điểm khác biệt trong việc chăm sóc và nuôi dạy con được nữ giáo viên đúc kết dưới đây khiến nhiều bà mẹ phải suy ngẫm.
- Giới trẻ 'mặc cảm' vì Tết không thể... 'mang tiền về cho mẹ'
- Phát hiện con ăn trộm tiền, cách xử lý của hai người mẹ khác nhau làm nên 2 cuộc đời trái ngược
Dạy con là một hành trình dài và không kém phần khó khăn. Trở thành bố mẹ là lúc người lớn học được cách trưởng thành, tích luỹ thêm cho mình nhiều kinh nghiệm, kiến thức, các bài học trong cuộc sống. Bởi vậy mà nhiều người vẫn thường nói dạy con nhưng cũng chính là dạy bản thân mình.
Mỗi bố mẹ có những quan điểm, tư duy riêng và những đứa con đều có cá tính riêng. Bởi vậy, để biết thế nào là phù hợp và đúng đắn, mỗi bố mẹ cần phải theo dõi, đúc kết và tìm ra phương pháp phù hợp nhất với em bé nhà mình.
Mới đây, chị Nguyễn Huế (một giáo viên sinh năm 1993, sống tại Hà Nội) đã chia sẻ những quan điểm trong việc nuôi dạy con của bản thân khiến nhiều mẹ bỉm phải suy ngẫm. Theo bà mẹ 2 con, chị muốn hướng đến phương pháp nuôi dạy con theo phong cách tối giản với đúc kết ''Hãy làm gương cho con. Chỉ cần dạy con tình yêu thương và lòng biết ơn là đủ''.
Đơn giản đó là làm gương
Trước đây, mình đọc đủ các sách thai giáo, sách giáo dục Nhật, Mỹ, Phần Lan,... cuối cùng bây giờ mình dạy con theo thiền của Phật. Nghĩa là như thế nào?
Trước đây cứ theo sách dạy con này, kia, sáng nghe nhạc gì, tối nghe nhạc gì, đọc truyện, sách gì... nhưng giờ mình khác rồi. Mình biết cách dạy con, thai giáo cho con nhẹ nhàng hơn, đơn giản hơn và mình thấy hiệu quả hơn rất nhiều.
Bố mẹ cứ làm gương, sống tử tế, sống yêu thương là đủ. Con cái sẽ học bố mẹ, nhìn bố mẹ mà phát triển theo hướng đó. Nếu bố mẹ tốt rồi mà con chưa thì có 2 giải pháp: 1 là cần soi lại mình, chính bố mẹ lần nữa xem đã tốt thật chưa? 2 là cần kiên trì, kiên nhẫn và yêu thương vô điều kiện với con.
Tôn trọng lộ trình phát triển của con
Từ khi biết dạy con đơn giản, hiệu quả như vậy, mình thấy nhẹ nhàng lắm. Mình còn tôn trọng lộ trình phát triển của con, hành trình học tập của con ở thế giới này. Con có sao, các vấn đề đến với con, làm sao mình thay đổi được. Nhưng mình có quyền lựa chọn cách hành xử sau đấy, sau mỗi vấn đề xảy ra.
Mình cũng cùng con học bài học sau mỗi vấn đề, rút bài học và phát triển. Vậy thôi. Nên không cần phải stress, áp lực khi dạy con. Xưa bố mẹ mình không dạy mình gì cả, bảo học thì học, không học thì thôi, thấy mình chơi cũng kệ. Có lần điểm thấp thật, bị 2 điểm do mải chơi trung thu nên không học bài, hôm sau bị gọi trả lời bài và mình không thuộc.
Sau đó mình nhận được bài học, không nên vui chơi quên nhiệm vụ. Đến giờ vẫn nhớ, để lấy câu chuyện dạy học sinh, kể cho học sinh nhẹ nhàng mà thấm thía. Nên mọi chuyện xảy đến đều là bài học cho bản thân trong tương lai.
Vui vẻ đón nhận mọi thứ xảy ra
Giáo dục gia đình là quan trọng nhất và giáo dục là cả quá trình, đặc biệt là giáo dục lúc nhỏ. Nhưng không bởi vì thế mà giáo dục lúc lớn không quan trọng, không phải là con lớn rồi nên không giáo dục được nữa hay coi thường giáo dục nhà trường. Chúng ta cần hiểu là giáo dục gia đình là quan trọng nhất, kết hợp với giáo dục nhà trường là hoàn hảo.
Tuy nhiên, mọi vấn đề luôn xuất hiện mỗi ngày và chúng ta không điều khiển được những vấn đề đó; ví dụ gặp bạn xấu, con ốm, mè nheo, khóc mệt. Lúc này thì mình cần làm gì, đơn giản đó là vui vẻ đón nhận mọi thứ xảy ra, vì căn bản mình có thay đổi được mọi thứ đến đâu.
Lựa chọn xử sự theo hướng tích cực hay tiêu cực
Có hai lựa chọn cho bố mẹ khi con xảy ra vấn đề: 1 là tích cực xử lí vấn đề theo hướng phát triển và 2 là tiêu cực, than này kia, đổ lỗi, đóng vai nạn nhân, tại bạn xấu, tại môi trường... Và mỗi trường hợp xảy ra, bạn sẽ cần kiên nhẫn giải thích cho con vì sao để con hiểu, để con chịu trách nhiệm với mọi hành động của bé.
Phân tích cho con - nếu con làm như thế này thì chuyện gì xảy ra. Sau đó cho con lựa chọn, quyết định và chịu trách nhiệm. Khi dạy trẻ con bản chất của vấn đề, của thế giới là tình yêu thương và sự biết ơn - con sẽ biết cách đón nhận vấn đề, xử lí vấn đề, và hai mẹ con cứ từ bản chất đó để phân tích.
Hành trình dạy con với sự yêu thương được chị Huế đúc kết từ quá trình dạy học và nghiên cứu giáo dục.
Vì sao cần sự yêu thương
Bởi khi có sự yêu thương, con sẽ ko nói dối. Khi có sự biết ơn công lao dạy dỗ của thầy cô, con sẽ chăm chỉ học. Yêu thương và lòng biết ơn là cốt lõi của vấn đề. Và mình quan điểm dạy con thì quan trọng nhất là dạy chính mình. Chỉ cần mình phát triển, con cũng sẽ hạnh phúc và phát triển theo.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.