Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Những ngày cuối năm nhiều bạn trẻ đang phải gánh chịu những áp lực khi Tết này không thể...“mang tiền về cho mẹ".
- Bà mẹ tổ chức sinh nhật cho con, đứa trẻ đang háo hức, thấy bánh sinh nhật liền khóc thét: Đến mức này thì quá ĐÁNG TRÁCH rồi
- Tại sao con đòi ôm sau khi bị mắng? Hiểu rõ rồi, cha mẹ sẽ không ngừng hối hận
Trăn trở nỗi niềm không thể "mang tiền về cho bố mẹ"
Chỉ còn 10 ngày nữa người dân cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày. Với nhiều người, Tết Nguyên đán là cơ hội để được đoàn tụ với gia đình và người thân. Tuy nhiên, trải qua năm dịch tàn phá con đường về quê ăn Tết của nhiều bạn trẻ năm nay được dự báo sẽ không vui vẻ như những năm trước.
Bạn P.T.H - Nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết, bạn tốt nghiệp đại học được 2 năm nhưng vào đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát nên công việc gặp nhiều bấp bênh.
“Giữa năm 2020, mình tốt nghiệp và xin đi làm tại một công ty. Mới làm được 2 tháng thì do ảnh hưởng của dịch nên công ty cắt giảm nhân sự và tất nhiên, những nhân viên mới như mình phải nghỉ việc. Vậy là thất nghiệp suốt mấy tháng trời.
Khi tìm được công việc mới thì lại trái ngành và mức lương cũng không cao nhưng vẫn phải chấp nhận làm việc vì không còn cách nào khác. Thời buổi dịch bệnh, có việc làm là tốt lắm rồi”, H. tâm sự.
Khi được hỏi về dự định về quê ăn Tết, H. không giấu nổi cảm xúc và bật khóc: “Những ngày gần đây, ai cũng nhắc đến câu hát “Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ”, mình cảm thấy mặc cảm và tự trách bản thân khi không làm được gì cho gia đình.
Từ lúc đi làm, mình chưa biếu bố mẹ được đồng nào, thậm chí mua tặng bố mẹ món quà nhỏ cũng chưa thực hiện xong mà chỉ khiến bố mẹ lo lắng thêm. Nhiều lúc nhìn bạn bè cùng trang lứa thành đạt, mình chỉ biết khóc và tự trách bản thân kém cỏi”.
Chung tâm trạng, chị N - Giáo viên mầm non tư thục tại Hà Nội cho biết, do dịch Covid-19 kéo dài, cô giáo mầm non như chị “nghỉ Tết từ năm ngoái đến năm nay”, chị đã phải làm đủ thứ nghề để bươn trải.
“Cả năm đi làm được 3 tháng, tôi đã phải bán hàng online, nhận việc về nhà làm, đi ship hàng,... miễn sao có tiền để trang trải được cuộc sống”, chị N. nói.
Chị N. cho biết, chị rất mong đến Tết để được đoàn viên với gia đình, ăn những món mẹ nấu, cả gia đình quây quần bên nhau nhưng chị lại sợ những câu hỏi: Tết này biếu bố mẹ được bao nhiêu, công việc thế nào, lương ra làm sao...
“Năm nay, dịch Covid khiến công việc của tôi bấp bênh, cũng chẳng có kinh tế để mang về biếu bố mẹ rồi những câu hỏi của hàng xóm, người thân xung quanh liên quan đến công việc, kinh tế, khiến tôi thật sự rất áp lực”, chị N. tâm sự.
Do tình trạng dịch kéo dài trong suốt năm qua nên công việc và cuộc sống của nhiều người bị ngưng trệ, nhiều bạn trẻ cũng vì thế không thể "mang tiền về cho mẹ”, thậm chí còn thấy mặc cảm khi đem mình so sánh với người khác.
Tết được đoàn tụ cùng gia đình đã là điều may mắn
Đứng trước những tâm sự này, chia sẻ tại tọa đàm "Tết gắn kết mang yêu thương về bên gia đình", TS. Trần Thu Hương - Giảng viên khoa Tâm lý học, trường ĐH KHXH&NV bày tỏ, nỗi niềm mà nhiều bạn trẻ hiện nay đang mang cũng là sự trăn trở chung của rất nhiều người. Đại dịch ập đến làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, đồng thời gây ra tác động tiêu cực tới nhiều đối tượng khác nhau.
Theo TS. Thu Hương, nghiên cứu chỉ ra, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất trong thời điểm dịch bệnh chính là trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt trẻ vị thành niên và người trưởng thành, những bạn ở độ tuổi từ 18 đến 25.
Tại nhiều địa phương, dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Trong khi đó, chỉ còn thời gian ngắn nữa, năm mới sẽ đến. Với tất cả người dân Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng và có ý nghĩa nhất trong năm.
Điển hình của Tết là ngày đoàn viên, do đó, trong những ngày Tết đến, xuân về, mọi người thường tạm gác lại công việc, trở về gia đình, ngồi quây quần trong mâm cơm cùng gia đình.
Trong mâm cơm của ngày đoàn viên, mọi người sẽ cùng hỏi han nhau về một năm đã đi qua, để cùng nhau thấy những thuận lợi cũng như khó khăn đã xảy đến.
"Tôi tin chắc rằng, mâm cơm đoàn viên ngày Tết sẽ xoay quanh những câu hỏi ân cần, ấm áp, rất ít trường hợp mọi người phân biệt sang hèn, cao thấp hay giàu có", TS. Thu Hương cho biết.
Do đó, theo nữ Giảng viên trường ĐH KHXH&NV, những ngày giáp Tết, các bạn trẻ không nên quá băn khoăn, lo lắng "mang gì về cho bố mẹ" và nảy sinh cảm xúc tiêu cực khi những thứ mang về cho gia đình không như ý muốn.
Đại dịch đang diễn ra, mỗi ngày cả nước có hàng chục nghìn ca mắc mới nhưng chúng ta vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khi không thể trở về nhà, cùng bố mẹ đón mừng năm mới.
PGS.TS Trần Thu Hương cho rằng, Tết là dịp để đoàn viên, gắn kết nhưng với một số người, điều tưởng chừng rất đỗi bình thường này lại trở thành ước mơ không thể với tới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện tại. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có những người, ngay cả khi đại dịch chưa ập đến thì họ cũng không có nhiều cơ hội để trở về dịp Tết, đặc biệt với các bạn du học, lập nghiệp ở nước ngoài.
Bằng trải nghiệm cá nhân, PGS.TS Trần Thu Hương bày tỏ nỗi buồn với những người trẻ không thể trở về với gia đình trong dịp lễ quan trọng này. Tuy nhiên, chúng ta cần chấp nhận thực tế và tìm cách khắc phục.
"Xa gia đình trong dịp Tết Nguyên đán là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, nếu trái tim chúng ta luôn hướng về gia đình, đặt hình ảnh những người yêu thương ở trong tâm tưởng, thì ngay cả khi xa cách về địa lý, khoảng cách giữa gia đình và chúng ta vẫn vô cùng gần gũi.
Khoảng cách địa lý xa gần không quan trọng, điều quan trọng là tình cảm mà mọi người dành cho nhau. Điều cốt lõi giúp ta vượt qua khoảng cách địa lý chính là tình yêu, tình thương mà chúng ta đặt lên người khác cũng như chính mình phải lớn", TS Trần Thu Hương nhấn mạnh.
Trải qua một năm đầy biến động, đối với các bậc phụ huynh, không phải tiền bạc hay thứ gì đó cao sang, sự trở về của những đứa con, được nhìn thấy các con mạnh khỏe, bình an đó mới chính là món quà lớn nhất trong dịp Tết đoàn viên.