Lập dự án 'ảo' để phân lô bán nền ăn theo sân bay Phan Thiết

Nhà đất 28/07/2019 11:52

Nhiều mảnh đất nông nghiệp xung quanh khu vực sân bay Phan Thiết đột nhiên biến thành "dự án bất động sản", được đo vẽ, làm cơ sở hạ tầng, phối cảnh dự án và phân lô rao bán.

"Công ty em mua đất sạch của dân, sau đó làm hạ tầng đường xá rồi bán ra cho khách đầu tư. Các nền đều đã có sổ," người đàn ông tên Năm (28 tuổi), nhân viên của công ty bất động sản P.S. tại phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết nói với phóng viên Zing.vn.

Tự lập dự án, sang tay hơn 400 nền đất

Trong vai một người đi xem đất tại xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, phóng viên được giới thiệu "dự án" có tên Airport Belt (Vành đai sân bay). Khu đất này cách dự án sân bay Phan Thiết khoảng 4 km, được giới thiệu với hơn 400 nền đất có diện tích từ 1.000 m2 trở lên với giá từ hơn 500.000 đến 800.000 đồng/m2.

Theo anh Năm, trung bình mỗi tháng, công ty của anh đưa khoảng 50 khách bao gồm cả khách địa phương và nhà đầu tư từ các tỉnh thành khác đi xem đất.

Lập dự án 'ảo' để phân lô bán nền ăn theo sân bay Phan Thiết - Ảnh 1

Các "dự án" được đo vẽ, phối cảnh, làm cơ sở hạ tầng, lập bảng giá chi tiết đối với từng mảnh đất. Ảnh: Hà Bùi. 

"Có những thời điểm đông khách, cả 2 chiếc xe con nhà em cũng không đủ để đưa khách đi xem dự án, đặc biệt là tháng khoảng tháng 3, tháng 4 vừa qua," người đàn ông này dẫn chứng độ "hot" của "dự án".

Đây được gọi là "dự án bất động sản" vì đã được đo vẽ, làm cơ sở hạ tầng, phối cảnh dự án để phân lô rao bán hoặc xin tách thửa nhưng có chừa để làm đường. Thông tin về "dự án" được quảng cáo và rao bán công khai trên website của doanh nghiệp cũng như trên mạng xã hội với những ưu thế về vị trí của khu đất cũng như chương trình đặt cọc giữ chỗ cho khách hàng.

Với những lời giới thiệu về khả năng sinh lời nhanh chóng của những lô đất này, không ít người đã ngay lập tức cọc tiền và ký hợp đồng mua bán chỉ trong lần giới thiệu đầu tiên.

Lập dự án 'ảo' để phân lô bán nền ăn theo sân bay Phan Thiết - Ảnh 2

Những khu đất được công ty P.S. tách thửa rao bán đều đã được đóng cọc, phân lô, làm đường sỏi để bàn giao cho khách. Ảnh: Hà Bùi.

"Có khách ưng quá mà sợ mất lo đẹp đã rút tiền ngay trên xe cọc luôn 20 triệu ngay khi đi xem đất chị ạ, nói để thấy vị trí này đẹp thế nào" - một người cộng sự của anh Năm kể thêm. 

Mảnh đất phóng viên Zing.vn được giới thiệu thuộc "dự án" được mở bán thứ 5 của công ty P.S. với 76 nền đất có diện tích từ 1.000 - 2.000 m2. Công ty này cũng đã bán 360 lô đất thông qua 4 đợt mở bán trước đó. Các lô đất trên đã được sang tên và chuyển nhượng cho khách, tương đương khoảng 50 ha đất nông nghiệp.

"Dự án ảo" nhưng xây hạ tầng công khai 

Cái được gọi tên là "dự án bất động sản" trên thực chất chỉ là ảo bởi không có cấp thẩm thẩm quyền phê duyệt, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thế nhưng, các công ty này không hề xây dựng hạ tầng một cách lén lút mà thực hiện một cách rất công khai. 

Theo ghi nhận của PV, nhiều khu đất mà công ty này gọi là các "dự án" đều đã được làm đường sỏi rộng từ 6-10m, đóng cọc phân lô, nhiều xe tải chở vật liệu ra vào hoạt động liên tục để san lấp mặt bằng, thay đổi hiện trạng đất vườn nông nghiệp, làm đường giao thông trái phép.

Các con đường sỏi được xây dựng mới và kết nối với các tuyến đường giao thông hiện hữu, thậm chí có dự án còn làm đường nhựa ngay trên trục đường ĐT 715 hướng ra sân bay.

Lập dự án 'ảo' để phân lô bán nền ăn theo sân bay Phan Thiết - Ảnh 3

Một khu đất nông nghiệp diện tích lớn được được phân lô, làm đường nhựa để phục vụ mục đích thương mại trên trục đường ĐT 715. Ảnh: Quỳnh Danh. 

Anh Chiến (42 tuổi, TP Phan Thiết), một người khách địa phương đi xem đất, đánh giá: "Quỹ đất Bình Thuận còn nhiều, giá lại rẻ hơn các nơi khác, chưa kể đến các dự án sắp tới như đường cao tốc, sân bay sẽ nâng giá trị đất ở đây lên rất nhiều". Anh Chiến cho biết đã giao dịch 5 lô đất được bán trong các "dự án" của công ty này. 

Thị trường đất nông nghiệp ở xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết khu vực quanh sân bay đã và đang diễn ra rất sôi động trong 3 năm trở lại đây, các khu đất được rao bán 800-900 triệu đồng/nền, tương đương khoảng 900.000 đồng/m2.

Đối với một thị trường bất động sản từng tưởng chừng như bất động ở Bình Thuận, kể từ khi có thông tin về các dự án phát triển hạ tầng, giá đất tại đây đã có sự biến đổi lớn, ngay từ trong bảng giá đất của tỉnh công bố cũng đã tăng gần gấp đôi.

Đây không phải lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xuất hiện các dự án ảo. Ngày 15/6, website của Tập đoàn Địa ốc Alibaba đăng tải thông tin về dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City với quảng cáo mức giá "190 triệu đồng/nền, sau 1 năm thu về 38% lợi nhuận", nằm trong địa phận xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, cách Quốc lộ 55 chỉ 800 m, có diện tích 35 ha với 1.804 nền, pháp lý sổ đỏ, thổ cư từng nền.

Nhiều sai phạm trong công tác quản lý đất đai

Điều đặc biệt, toàn bộ những "dự án ảo" này đều đã được cấp sổ đỏ. Đối với các lô đất của công ty P.S. đang rao bán, đơn vị này khẳng định đều đã có sổ đỏ đối với từng nền.

Tuy nhiên, khi được PV Zing.vn hỏi về các "dự án" này, ông Cao Sơn Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, khẳng định: "Hiện nay trong khu vực xung quanh sân bay Phan Thiết chưa có dự án nào đủ điều kiện phân lô, mở bán, cũng chưa có dự án nào được phê duyệt nên không thể có chuyện đã có sổ đỏ".

Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết tất cả "dự án" đang được rao bán là những khu đất tự phát nhưng lại được dựng lên dưới tên một dự án không có thật.

Trước đó, trong Kết luận thanh tra về công tác quản lý Nhà nước về quản lý đất đai, quy hoạch đô thị tại địa bàn TP Phan Thiết được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai ký tại Văn bản số 1696/KL-UBND ngày 16/5 vừa qua đã chỉ rõ, công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn các xã Tiến Lợi, Phong Nẫm và Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết) từ năm 2016 đến năm 2018 có nhiều sai phạm.

Lập dự án 'ảo' để phân lô bán nền ăn theo sân bay Phan Thiết - Ảnh 4

Các công ty hiên ngang san lâp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng trên các nền đất nông nghiệp để phân lô rao bán. Ảnh: Hà Bùi.

Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến tháng 9-2018, UBND TP Phan Thiết đã có quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, cây lâu năm sang đất ở nông thôn đối với 139 thửa đất với tổng diện tích 176.815,8 m2 trên địa bàn các xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp và xã Phong Nẫm không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt, làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.

Đồng thời có biểu hiện cố ý, tùy tiện làm trái các quy định của Nhà nước trong việc xác định khu vực, vị trí thửa đất, mục đích sử dụng đất trước khi chuyển mục đích không đúng thực tế, không đúng quy định, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Những hạn chế, sai phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Phan Thiết, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Phan Thiết, Chi cục Thuế thành phố Phan Thiết, UBND các xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Khiếu nại liên quan tới đất đai vẫn cao

Từ năm 2015 đến năm 2018 trong số 21.274 đơn thư mà Bộ nhận được thì có 8.330 đơn thư đủ điều kiện xử lý.

TIN MỚI NHẤT