Như Dân Việt đã đưa tin, hàng loạt dự án như chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chung cư Westa (Hà Đông, Hà Nội)... người dân về vài ba năm, nhưng đến nay chủ đầu tư chây ì, chưa làm sổ đỏ. Theo quy định hiện nay, chủ đầu tư có thể bị xử phạt hành chính lên đến 1 tỉ đồng nếu chây ỳ bàn giao sổ hồng cho cư dân. Tại sao đến nay những chủ đầu tư này chưa bị phạt?
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội chiều ngày 4/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay, toàn quốc có khoảng 4.422 chung cư, thời gian qua công tác quản lý vận hành chung cư có đủ quy định pháp luật cơ bản và thực hiện tốt. Một số ban quản trị chung cư, một số chung cư thực hiện tốt nhưng còn có một số tranh chấp, số tranh chấp theo thông tin của chúng tôi là còn 458 nhà chung cư, chiếm khoảng 10% tổng số chung cư.
Một trong 8 tranh chấp Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu ra là do chủ đầu tư chậm chễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng).
Về vấn đề này, Dân Việt đã nhiều lần thông tin về các trường hợp chủ đầu tư vi phạm, không bàn giao sổ đỏ, gây ra tranh chấp… ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Đơn cử như, tại chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (Hai Bà Trưng, Hà Nội), dù đã hơn 3 năm dọn về sinh sống nhưng hàng trăm hộ dân tại đây hiện vẫn chưa được chủ đầu tư là công ty TNHH Hòa Bình bàn giao “sổ hồng”.
Mới đây, nhiều cư dân sống tại chung cư Westa (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty cổ phần COMA 18 làm chủ đầu tư phản ánh, dù được nhận bàn giao nhà từ năm 2014 và thanh toán đầy đủ tiền mua căn hộ, nhưng đến nay, gần 300 hộ dân tòa nhà Westa Hà Đông vẫn chưa được làm sổ hồng.
Trong khi đó, COMA 18 thì thừa nhận toà bộ dự án chung cư Westa đang bị thế chấp trong ngân hàng. Và do công ty làm ăn thua lỗ, hiện chưa thể thực hiện trách nhiệm cấp sổ hồng cho dân.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hiền, Công ty Luật TNHH ATIM cho biết, theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Luật kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư nhà chung cư có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp sổ hồng cho người mua căn hộ trong vòng 50 ngày kể từ ngày bàn giao căn hộ, trừ trường hợp chủ đầu tư và người mua căn hộ có thoả thuận khác.
Trên thực tế, người mua căn hộ thường phải đợi rất lâu để có được mảnh giấy chứng nhận đó bởi một số nguyên nhân từ chủ đầu tư: chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; Thế chấp tài sản tại ngân hàng trước khi xin cấp Giấy chứng nhận cho người mua căn hộ và chưa giải chấp; Chậm hoàn công hoặc không thể hoàn công do xây dựng không đúng bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt; Xây dựng lấn chiếm mốc bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật; Đất xây dựng chung cư được chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; Chưa hoàn thành thủ tục pháp lý nhưng đã cho xây dựng và bán nhà ở; Chậm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận.
Bên cạnh những chủ đầu tư làm không đúng thủ tục pháp lý còn có những dự án chậm bàn giao sổ vì lý do khách quan. Trong đó có việc vướng một diện tích nhỏ đất thuộc sở hữu của Nhà nước nhưng quá trình định giá và bàn giao đất tốn nhiều thời gian dù doanh nghiệp sẵn sàng nộp tiền sử dụng đất.
Theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP, trường hợp chủ đầu tư được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp sổ hồng thì sẽ bị xử phạt hành chính.
Nếu trong vòng 3-6 tháng, chủ đầu tư chậm làm Thủ tục cho dưới 30 hộ sẽ bị phạt từ 10-30 triệu đồng; từ 30 đến dưới 100 hộ thì bị phạt từ 30 – 50 triệu đồng, trường hợp từ 100 hộ trở lên thì bị phạt 50 – 100 triệu đồng.
Chậm làm thủ tục từ trên 6-9 tháng cho dưới 30 hộ sẽ bị phạt từ 30 – 50 triệu đồng; từ 30 đến dưới 100 hộ phạt từ 50 -100 triệu đồng; từ 100 hộ trở lên sẽ bị phạt từ 100 – 300 triệu đồng.
Trường hợp chậm làm thủ tục từ trên 9 - 12 tháng cho dưới 30 hộ sẽ bị phạt từ 50 – 100 triệu đồng; cho 30 – 100 hộ bị phạt 100 – 300 triệu đồng; từ 100 hộ gia đình trở lên sẽ bị phạt từ 300 – 500 triệu đồng.
Với trường hợp chủ đầu tư chậm làm thủ tục trên 12 tháng cho dưới 30 hô sẽ bị phạt từ 100 – 300 triệu; cho 30 đến dưới 100 hộ bị phạt từ 300 – 500 triệu đồng; từ 100 hộ trở lên mức phạt cao nhất từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng.
“Do vậy, nếu gặp trường hợp chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, người mua nhà có thể yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện thủ tục hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm nói trên”, Luật sư Nguyễn Thanh Hiền khuyến cáo người dân.