Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết theo lộ trình sẽ dời ba khách sạn là Hải Âu, Hoàng Yến và Bình Dương để dành toàn bộ dải bờ biển vịnh Quy Nhơn cho cộng đồng. Cả 3 khách sạn này, đều được xây từ nhiều năm trước, có tiếng tại phố biển Quy Nhơn và nằm ở vị trí đắc địa sát biển.
- Dự án Eco Green Tower vỡ tiến độ, khách hàng đòi tiền ngân hàng bảo lãnh
- Bộ trưởng Xây dựng phát biểu về phí bảo trì gây tranh cãi
Dời khách sạn làm công viên
Ông Lê Văn Tùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định xác nhận, cơ quan này vào cuộc khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để trình UBND tỉnh về việc áp giá đền bù, cấp bù đất cho khách sạn Bình Dương chuẩn bị di dời.
Theo lộ trình được lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc di dời đầu tiên là khách sạn Bình Dương và tỉnh Bình Định cùng Bộ Quốc phòng đã thống nhất phương án di dời khách sạn. Tiếp theo, sẽ di dời 2 khách sạn lớn khác là Hoàng Yến và Hải Âu. Việc này sẽ căn cứ vào thời hạn cho thuê đất và sự thống nhất phương án giải tỏa của các bên để lấy lại mặt bằng xây dựng công viên, không gian cộng đồng ven biển.
Liên quan đến việc đền bù giải tỏa khách sạn Bình Dương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho hay, sau khi có chủ trương di dời khách sạn tỉnh đã giao cho Sở làm việc với Binh đoàn 15, và Sở cũng đã mời đơn vị này làm việc để triển khai thực hiện chủ trương của tỉnh.
“UBND tỉnh Bình Định giao Trung tâm phát triển quỹ đất tính giá trị còn lại của khách sạn Bình Dương. Việc này đã thuê đơn vị tư vấn độc lập làm xong và được gửi qua Sở Tài chính để thẩm định giá trị đó.
Khi dời khách sạn Bình Dương đi, Binh đoàn 15 họ cũng đề nghị tỉnh xem xét bố trí cho họ một khu đất khác gần biển Quy Nhơn để họ tiếp tục xây dựng công trình. Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan giới thiệu một số khu đất, trong đó có khu đất số 20 Nguyễn Văn Trỗi”, ông Tùng nói.
Sẽ thực hiện dần theo lộ trình
Tại cuộc tiếp xúc ngày 3/6 với cử tri của phường Lê Lợi (TP.Quy Nhơn), ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cam kết, không gian biển là của cộng đồng, biển Quy Nhơn sẽ không có rào chắn, không cấp cho ai khác sau đó.
Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là niềm tự hào của người dân và họ được tự do xuống biển, chính quyền không giao cho bất cứ nhà đầu tư nào cả. Thậm chí, tỉnh này còn chủ động bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng làm công viên, phố đi bộ phục vụ cộng đồng.
Chủ tịch tỉnh Bình Định nhấn mạnh, tới đây sẽ giải tỏa khách sạn Bình Dương trả lại không gian công cộng cho người dân và ông đã hứa với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rằng, dời khách sạn chỉ làm công viên, còn nếu làm cái gì khác thì ông nhận kỷ luật.
“Không riêng gì khách sạn Bình Dương, sắp tới khi đến một lúc nào đó thì khách sạn Hoàng Yến, Hải Âu cũng sẽ giải tỏa theo lộ trình. Đây là những tồn tại trước kia mà lúc này chúng tôi sẽ sửa dần, trả lại không gian công cộng ven biển cho người dân. Dọc tuyến đường ven biển, chỉ quy hoạch nhà cao tầng tạo điểm nhấn thành phố, chứ không chạy theo kiểu xây dựng tràn lan phát triển nóng, phá vỡ cảnh quan đô thị”, Chủ tịch tỉnh Bình Định lưu ý.
Từ chối xây biệt thự trên khu lấn biển
Ở bãi biển Quy Nhơn, khu lấn biển Mũi Tấn bỏ hoang nhiều năm cũng đã khiến người dân phản ứng dữ dội vì lãng phí không gian ven biển, làm xấu đi vẻ đẹp ‘vầng trăng khuyết’ độc đáo, lòng dân bức xúc không yên.
Tồn tại này khởi điểm từ năm 2013, khi lãnh đạo tỉnh Bình Định đồng ý cho một doanh nghiệp thực hiện việc san lấp lấn biển tại khu vực Mũi Tấn biển Quy Nhơn với diện tích hơn 12ha để làm cáp treo phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, khu lấn biển Mũi Tấn bỏ hoang nhiều năm do giữa lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư không thống nhất được việc sử dụng khu đất và chưa tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trong đó có lý do, chủ đầu tư muốn xây dựng biệt thự tại khu lấn biển nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Định kiên quyết không đồng ý và yêu cầu chủ đầu tư chỉ làm dịch vụ tại đây.
Phải mất đến 6 năm ‘thuyết phục’ thì đến nay, nhà đầu tư mới đồng ý thực hiện triển khai theo đề nghị của tỉnh Bình Định.
“Thực tế bối cảnh vào lúc đó là như vậy. Tỉnh khát khao phát triển du lịch, tuy nhiên chúng tôi và nhà đầu tư lại không cùng tiếng nói chung, đến nay họ mới chấp thuận”, ông Dũng nói.
Theo Chủ tịch tỉnh Bình Định, nhà đầu tư đang làm theo ý tưởng của tỉnh, sẽ cắt xén bớt phần đất mang lên bờ để trả lại độ cong tự nhiên cho bãi biển, còn lại phần lớn diện tích khu lấn biển Mũi Tấn sẽ xây dựng công viên cho người dân, phần nhỏ đoạn giáp Hải đoàn 48 nhà đầu tư sẽ làm khách sạn, khu thương mại.