Đó là thông tin từ Báo cáo số 740/BC-TTCP ngày 16.5.2019, của Thanh tra Chính phủ, về báo cáo kết luận tình hình giải quyết khiếu nại - tố cáo và kết quả kiểm tra, rà soát một số vụ việc khiếu nại - tố cáo của công dân tỉnh Bình Phước.
- Những mẫu nhà cấp 4 có gác lửng đẹp siêu lòng, chi phí thấp
- Thị trường bất động sản sốt cục bộ do tâm lý thích đất nền?
Theo Thanh tra Chính phủ, cách đây 7 năm, tại Báo cáo kết luận số 13/KL-TTCP ngày 23.6.2012 của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị tỉnh Bình Phước: “Thu hồi ngay diện tích đất đã giao không đúng và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có vi phạm. Trong đó, tập trung xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm đối với cán bộ, đảng viên là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đã giao đất của doanh nghiệp nhà nước cho người thân trong gia đình, mua bán đất dự án trái phép”.
Căn cứ báo cáo của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì tổng diện tích đất cần thu hồi, do giao sai đối tượng là 587,34 ha (bao gồm 5 tổ chức và 27 cá nhân).
Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Bình Phước mới thực hiện thu hồi, chi trả tiền và nhận bàn giao vườn cây của 1 tổ chức và 9 cá nhân, với diện tích... 93,76 ha. Diện tích đất giao sai đối tượng, chưa được thu hồi vẫn còn... 493,58 ha.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh đã tập trung xử lý các tổ chức, cá nhân có sai phạm, kết quả như sau: Có 17 trường hợp bị xem xét xử lý kỷ luật. Trong đó, có 6 trường hợp bị “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” và 11 trường hợp bị kỷ luật về mặt chính quyền.
Giải thích việc thu hồi đất chỉ đạt 93,76 ha /587,34 ha giao sai đối tượng, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng: "Vì nếu thu hồi toàn bộ diện tích đất giao sai đối tượng, thì các hộ không còn đất để sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân”.
Từ đó, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị Thanh tra Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ: Đối với diện tích 493,58 ha đất chưa thu hồi, chỉ thu hồi 2/3 diện tích, giao lại 1/3 diện tích cho các hộ tiếp tục canh tác. Số tiền hỗ trợ cho các hộ khi thu hồi đất sẽ được UBND tỉnh tính toán hợp lý...
[Nhiều diện tích rừng nghèo kiệt cũng được chuyển thành vườn cao su, cây gỗ lâu năm thì tận thu... Ảnh: H.H]Nhiều diện tích rừng nghèo kiệt cũng được chuyển thành vườn cao su, cây gỗ lâu năm thì tận thu... Ảnh: H.H
Song, việc chính quyền tỉnh kiến nghị tiếp tục giao diện tích đất cho các đối tượng từng được giao đất sai phạm năm xưa không được một số người đồng tình.
Trong đó, ông Trần Đức Lý (45 tuổi, trú xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) - người đã có đơn khiếu nại gửi Thanh tra Chính phủ - cho rằng:
“Phải biết rằng, trong diện tích đất trên, có đất do lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lợi dụng chức vụ, quyền hạn lấy giao cho người thân trong gia đình của mình - như Thanh tra Chính phủ đã kết luận. Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thu hồi toàn bộ diện tích đất giao sai đối tượng... Vậy mà sau 7 năm, chính quyền thu hồi không bao nhiêu, bây giờ còn kiến nghị tiếp tục giao cho các đối tượng trên, thì khác nào lấy cái sai này chồng lên cái sai trước”.