Cách làm cơm rượu ngon khá đơn giản, ai cũng có thể làm được. Chỉ cần thực hiện theo hướng dẫn sau đây, bạn sẽ có được loại thức uống đượm vị, ngọt, ăn cũng chẳng say cho ngày Tết Đoan Ngọ an toàn, sum vầy và ấm áp.
- Với tỉ lệ 1:1, cơm rượu tôi làm năm nào cũng ngon xuất sắc, cả nhà ăn sạch veo không còn một viên
- Chuẩn bị sẵn sàng đón Tết Đoan Ngọ cùng cơm rượu nếp cẩm làm cực đơn giản
Bên cạnh những hoa quả, bánh trái có nguồn gốc tự nhiên, thì cơm rượu nếp là một trong những đồ cúng không thể thiếu của ngày Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Sâu Bọ. Đây là một trong những ngày lễ Tết truyền thống ở Việt Nam, được tổ chức vào ngày mùng 5/5 âm lịch.
Tùy vào tình hình thực tế của từng địa phương mà mâm cúng Tết Đoan Ngọ có thể khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung mâm lễ thường bao gồm: Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, nếp cẩm, xôi, chè, bánh tro, các loại hoa quả như mận, vải, dưa hấu, xoài...
Nổi bật nhất trong đó là rượu nếp hay nếp cẩm - loại thức uống sum vầy, mang đến không khí ấm cúng, gắn kết với đời sống của người dân. Chính vì vậy, cách làm cơm rượu ngon luôn được các bà, mẹ gìn giữ, giữ mãi được hương vị đặc trưng truyền thống của vùng quê Việt Nam.
Cách làm cơm rượu ngon của người miền Nam
Cách làm cơm rượu của người miền Nam khác người miền Bắc đôi chút. Chính vì vậy, hương vị, nồng độ cồn hoàn toàn khác nhau. Cơm rượu kiểu miền Nam sẽ mềm hơn, kết hợp ăn với xôi vò ngon tuyệt. Chính vì vậy, bạn cần phải lưu ý kĩ trong việc chọn nguyên liệu và các bước thực hiện.
Theo đó, để làm cơm rượu miền Nam, bạn cần chuẩn bị:
- Nếp ngỗng loại ngon: 500g.
- Lá chuối
- 6 viên men ngọt nhỏ
- 1 chén nước muối
Cách làm:
Bước 1: Lá chuối rửa sạch, loại bỏ hết các bụi và chất bẩn. Sau đó để ráo, lau khô.
Bước 2: Gạo nếp vo kỹ, để ráo. Tiếp theo nấu sôi 1 lít nước rồi cho nếp và nước sôi vào cơm điện để nấu chín thành cơm nếp. Với cách nấu cơm rượu bằng nồi cơm điện mẹ sẽ không sợ cơm bị cháy do quá lửa như nấu bếp củi.
Bước 3: Sau khi cơm đã chín thì bạn hãy xới cơm ra khay rồi dàn thành lớp mỏng cho nguội. Tiếp theo giã nhuyễn men. Dùng lá chuối lót đáy và tạo thành thố đựng.
Bước 4: Khi cơm nếp đã nguội hẳn thì bạn hãy rây men đều lên mặt cơm và trộn thật đều. Cơm phải nguội hẳn thì mới được rây men. Nếu cơm còn nóng thì men sẽ “chết” và sẽ không thể thành cơm rượu. Do đó, ở bước này bạn không nên nóng vội.
Bước 5: Khi công đoạn rây và trộn men với cơm đã hoàn tất thì bạn hãy chuẩn bị một chén nước pha với một muỗng cà phê muối để thoa lên tay cho khỏi dính. Sau đó, vo cơm nếp trộn men thành từng viên nhỏ cho thật chặt tay. Sau cùng quấn lá chuối quanh viên cơm nếp và xếp vào thố thành từng lớp.
Bước 6: Đậy kín nắp thố và cho thố vào 2 lớp nilon buộc kín lại. Ủ trong 3-5 ngày thì được. Tùy vào chất lượng men mà thời gian ủ có thể nhanh hoặc lâu hơn. Nhưng khoảng 3 ngày thì đã có thể mở thố ra để xem thử. Nếu mùi men rượu tỏa ra mùi thơm, viên cơm rượu mềm hơn, nước rượu tiết ra ở lớp dưới thố thì có nghĩa là đã vừa ăn. Nếu chưa được thì chúng ta lại đậy lại để thêm 1-2 ngày nữa.
Khi cơm đã lên men, nếm vừa ăn thì bạn hãy lấy lá chuối bỏ đi. Sau đó xếp các viên cơm rượu và nước rượu vào một thố khác. Cho vào tủ lạnh để cơm rượu giữ vị ngọt nồng vừa phải và trữ được lâu hơn.
Cách làm cơm rượu nếp than của miền Bắc
Cơm rượu nếp ở miền Bắc thì sần sật và có nồng độ cồn hơi cao. Hơn nữa, người miền Bắc thường sử dụng nếp cẩm hoặc gạo lứt nếp hơn là nếp ngỗng. Những loại gạo này có tính ấm, vị ngọt, bổ trung ích khí, dùng chữa tiêu khát, suy nhược cơ thể, ra mồ hôi trộm, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, tá tràng... Đặc biệt còn rất tốt cho máu huyết và tim mạch.
Chính vì vậy, cơm rượu nếp cẩm được xem là một bài thuốc chữa bệnh rất hiệu quả, tốt cho sức khỏe của con người. Để làm loại rượu này bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- Gạo nếp cẩm: 1 kg
- Men ngọt: 2 viên
- Đường, lá sen
Lưu ý: Chất lượng của cơm rượu sẽ phụ thuộc nhiều vào chất lượng của gạo. Vì vậy, bạn hãy chọn các hạt nếp to tròn đều nhau. Không nên chọn các hạt bể hoặc vỡ hạt, vì khi nấu sẽ dễ bị nhão. Đặc biệt hãy ưu tiên chọn những loại nếp còn chưa loại hết lớp vỏ trấu bên ngoài. Bởi đây là lớp đem lại rất nhiều vitamin B cần thiết cho phục hồi làn da và sức khỏe của con người.
Không chỉ có gạo, bạn cũng cần để ý đến việc lựa chọn men. Hãy chọn các viên men còn sáng màu và có hương thơm nhẹ. Bởi đây là những loại men còn mới, chưa bị mốc ẩm, chất lượng lên men sẽ tốt hơn. Khoảng 1kg nếp sẽ dùng 1 viên men 50g.
Cách làm:
Bước 1: Nếp cẩm vo sạch, ngâm qua đêm, sau đó cho vào nồi đồ chín. Khi nào nếp chín thì hãy cho ra mâm, dàn mỏng và chờ cho nguội.
Bước 2: Men giã nhuyễn, lọc hết vỏ trấu còn dính.
Bước 3: Khi cơm nếp đã nguội thì hãy trộn đều men. Sau đó chuẩn bị một cái nồi hấp thật to, lót một lớp lá sen rồi cho nếp cẩm đã chín vào. Cứ một lớp nếp cẩm sẽ xếp xen kẽ một lớp lá sen.
Bước 4: Gói kín lá sen lại, đặt vào nơi kín gió, ủ khoảng 2 - 3 ngày. Khi muốn cơm rượu chua và có độ cay nồng hơn thì có thể ủ thêm 1-2 ngày nữa. Tuy nhiên không nên ủ quá 5 ngày vì nồng độ của rượu sẽ rất cao, khi bạn ăn vào dễ bị say.
Khi cơm đã lên men, mềm ra sẽ có phần nước chảy lọt xuống đáy nồi, bạn hãy pha với chút nước đường và ăn kèm với cơm rượu sẽ rất ngon.
Bất ngờ với tác dụng của cơm rượu mang lại
Cơm rượu là món ăn truyền thống của ngày tết Đoan Ngọ. Bởi dân gian quan niệm, khi ăn rượu cái vào lúc sáng sớm sẽ giúp tiêu diệt sạch sâu bọ, giun sán và ký sinh trùng trong cơ thể nhờ vào đặc tính cay, nóng, chua của nó.
Hơn nữa, không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà ngày này món ăn này còn được sử dụng rộng rãi vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Do món ăn này có nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Không chỉ giúp ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, xương khớp mà còn góp phần làm giảm cân, làm đẹp da.
Thông thường, cơm rượu sẽ được sử dụng làm món khai vị để mang lại cảm giác ăn uống ngon miệng. Cung cấp chất xơ và axit giúp thúc đẩy tiêu hóa, ngăn ngừa hiện tượng khó tiêu, giúp đường ruột vận động trơn tru. Do đó, khi có biểu hiện chán ăn hoặc tiêu hóa kém thì mỗi ngày bạn nên ăn một ít cơm rượu. Vừa là để hỗ trợ hệ tiêu hóa cũng như bổ sung lượng sắt, thúc đẩy cơ thể sản xuất tế bào hồng cầu, ngăn ngừa chứng thiếu máu do thiếu sắt.
Bên cạnh đó, cơm rượu còn bổ sung các hoạt chất lovastatine và egosterol. Những dưỡng chất này giúp nâng cao sức khỏe tim mạch, giảm thiểu nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Vì vậy, rất có lợi trong việc ổn định huyết áp ở những bệnh nhân mắc chứng cao huyết áp.
Để tận dụng hết được những dưỡng chất từ cơm rượu thì bạn nên ăn trực tiếp. Hoặc làm mát bằng cách cho vào tủ lạnh vài tiếng để tăng thêm cảm giác sảng khoái khi ăn. Nếu bạn thích ăn ngọt thì có thể trộn thêm chút đường, điều này vừa giúp làm giảm bớt đi vị cay của cơm rượu và dễ ăn hơn.
Tuy nhiên, tránh ăn lúc bụng đang trống rỗng vì vị chua và cay trong cơm rượu có thể làm tăng tiết axit, khiến cho niêm mạc dạ dày bị kích ứng, khó chịu. Do đó, để đảm bảo an toàn, bạn nên ăn lót dạ rồi hãy dùng cơm rượu.
Hy vọng qua những thông tin trên đây đã giúp các bạn nắm bắp được công dụng cũng như cách làm cơm rượu ngon. Trước Tết Đoan Ngọ vài ngày thì bạn hãy làm món này, để mâm cúng được đầy đủ lễ vật và ngày lễ thêm tròn vị.