Đại gia Đức An cho biết đến hiện tại anh vẫn có mối quan hệ tốt với bố mẹ của vợ cũ. Thậm chí, bố mẹ của Ngọc Thúy còn muốn chăm con của Đức An và Phan Như Thảo.
Nếu như tự truyện phần 1, phần 2, chồng Phan Như Thảo chia sẻ về quãng thời gian khó khăn lập nghiệp, những khoảnh khắc được ở bên bố mẹ ruột thì phần 3, đại gia Đức An nhắc nhiều đến bố mẹ của vợ cũ (bố mẹ Ngọc Thúy).
Mở đầu, chồng Phan Như Thảo chia sẻ về việc vất vả chăm con: "Sài Gòn hôm nay mưa gió. Những cơn gió luồn qua mái tóc Bồ Câu bồng bềnh trông thật đáng yêu. Giữa khí trời se lạnh của buổi sớm mai, hai cha con anh ôm nhau đi mua 2 ổ bánh mì và ly cà phê gần nhà. Cầm ly cà phê trên tay, nghe Bồ Câu đang bi bô tập nói, lòng anh bỗng thấy ấm áp vô cùng.
Mấy hôm nay Bồ Câu cảm cúm, khó ưa và khó chịu, khiến anh thắc mắc hồi nhỏ anh như thế nào. Chỉ có một đứa con mà anh và Thảo đã cảm thấy khá vất vả. Thảo thì làm cả ngày, xong việc lại lao vào trông con, cho con ăn, chơi, và dạy con học. Tối đến, Thảo thường nằm thủ thỉ với Bồ Câu là con phải ngoan, phải yêu thương Daddy và Mẹ. Thời gian của anh bây giờ hầu hết là dành vào việc giúp Thảo trông nom cho Bồ Câu, làm đồ ăn tối mỗi khi ăn ở nhà, và tắm cho Bồ Câu một ngày hai lần. Đúng là có chăm con mới hiểu được lòng cha mẹ".
Tiếp đến, đại gia Đức An kể về quãng thời gian thân thiết với bố mẹ của vợ cũ. Thậm chí chồng Phan Như Thảo còn giúp bố mẹ vợ cũ có cuộc sống kinh tế ổn định hơn: "Anh nhớ ngày xưa thời gian Heo sữa, Boba còn ở với ông bà ngoại, ông ngoại cũng từng tắm cho cháu hàng ngày. Bà ngoại thì vừa nấu ăn, vừa cho cháu ăn. Nhìn thoáng qua anh không thấy đó là công việc nặng nhọc nhưng giờ thì anh đã hiểu. Ông bà khi ấy cũng không còn trẻ nữa và chăm sóc trẻ con rất mệt. Anh nghĩ có khi còn mệt hơn đi làm bên ngoài. Anh tiếc rằng thời gian đó anh đã không chăm sóc con kỹ như ngày hôm nay. Anh bận lo nhiều việc và gia đình thì lục đục. Từ năm 2012 anh mới có cơ hội được gần gũi với ông bà ngoại của Heo Sữa và Boba.
Ông sinh quán ở Hải Dương trong khi bà sinh tại Sài Gòn. Gia đình ông bà có 3 người con, hai trai một gái. Trong suốt thời gian qua, ông bà và cậu luôn lo lắng cho hai cháu. Họ luôn bảo anh: "Con làm mọi cách đưa hai con về nuôi kẻo để bên đó không ổn. Bố mẹ đã từng sống ở bên đó bố mẹ hiểu". Cậu Trung (em trai Ngọc Thúy) tuy là con trai út trong nhà nhưng phải luôn cố gắng làm việc để lo cho bố mẹ mình. Công việc làm ăn ở Việt Nam tất nhiên là không dễ dàng nên đôi lúc cậu ấy cũng thường tâm sự với anh. Có lần nghe Trung bảo: “Em cũng rầu lắm. Mình làm ăn đàng hoàng nhưng toàn bị những công ty họ lừa gạt không trả tiền". "Thuyền to sóng lớn" là câu bạn anh thường hay nói và anh cũng nhắc lại cho cậu các cháu nghe.
Ông bà ngoại về hưu đã lâu. Ban đầu hay than buồn vì tối ngày chỉ lủi thủi trong nhà hoặc đi bộ tập thể thao. Anh khuyên bố mẹ rảnh rỗi thì nên đi vào bất động sản nhưng ông bà nói thật lòng với anh rằng nhà không có tiền để đầu tư, mỗi tháng tiền hưu cũng chỉ đủ sống thoải mái. Còn Trung đôi khi lời lỗ trong công việc cũng ráng đem về đưa bố mẹ tí tiền, có tháng lời nhiều thì tặng bố mẹ cái tủ lạnh vài chục triệu. Anh đã đề nghị ông bà bán căn nhà đang ở vì có người hỏi mua với giá cũng cao. Sau đó lấy tiền đi kiếm căn nhà khác, mua về sửa chữa, rồi bán lại kiếm lời. Vì thế những năm qua ông bà cũng khá vất vả vì phải chuyển nhà hàng năm. Vào nhà mới gia đình tự làm thợ hồ, thợ sơn, và mọi thứ đều lấy công làm lời để tiết kiệm tiền. Kết quả là ông bà cũng kiếm được lợi nhuận khá tốt nhờ vào chính năng lực của mình. Ông bà rất vui và anh cũng mừng khi thấy cuộc sống của ông bà ổn định trong khi cậu Trung thì công việc cũng tốt trong những năm qua. Hiện tại, cuộc sống ông bà cũng tạm ổn vì họ không đòi hỏi gì nhiều. Ông bà ngoại thường nói với anh: "Nếu An và Thảo không ngại thì cứ đem Bồ Câu qua bố mẹ trông nom cho". Mỗi lần nhìn thấy Bồ Câu, ông bà cứ nhắc đến chị Heo Sữa luôn.
Mỗi lần rảnh rỗi, anh hay đưa Thảo và Bồ Câu qua thăm ông bà vì ông bà rất quý Thảo và Bồ Câu. Ông bà hay hỏi anh và Thảo thích ăn món gì để ông bà nấu. Anh thì rất thích món xôi của ông bà trong khi Thảo lại "nhiệt tình" hơn cả anh nên yêu cầu món lòng, cá chiên, và canh. Những lúc quay quần bên nhau, anh thường nhớ ngày xưa bố mẹ anh cũng hay hỏi anh thích ăn gì, rồi anh lại thấy nhớ thương bố mẹ anh da diết. Anh nhớ nhất là những buổi cơm gia đình, uống vài lon bia, vài ly rượu rồi cùng nhau ngồi nói đủ thứ chuyện. Mỗi khi gặp nhau, ông bà ngoại hay kể chuyện sửa nhà, khoe là có người đến trả giá mua, còn anh thì toàn kể chuyện Bồ Câu. Trong khi đó Thảo thì ngồi ăn thoải mái và miệng không ngừng khen ngon, còn cậu Trung thì chỉ toàn nói về công việc làm ăn của mình. Niềm hạnh phúc đôi khi rất nhỏ mà không phải ai cũng có được, đó là gia đình sum họp, ăn uống chuyện trò, vui vẻ sẻ chia.
Nhiều lúc anh cũng không hiểu nguyên do nào anh và ông bà ngoại lại kết nối và có thể nói là quý mến nhau vô điều kiện như vậy. Âu cũng là cái duyên vì tình cảm vô điều kiện rất khó tìm. Đôi khi anh nhìn Bồ Câu và nghĩ, bây giờ con còn nhỏ, chỉ biết yêu mình vô điều kiện, nhưng liệu khi con lớn lên rồi, chúng có còn yêu cha mẹ vô điều kiện nữa hay không? Có lẽ anh đặt câu hỏi đó hơi quá đáng nhưng đôi lúc chúng ta cũng phải nghĩ lại, khi đã trưởng thành, chúng ta có còn yêu cha mẹ như hồi còn bé hay không? Những lúc cha mẹ khuyên răn, mình có nghe không hay lại cứng đầu cãi bướng, rồi từ đó có thành kiến và bực bội cha mẹ mình? Anh nhớ câu tục ngữ: "Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng. Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày."
Sau lần ly dị đầu, anh cũng mang trong người nhiều sự buồn bã, và dĩ nhiên là ban đầu anh trách gia đình bên vợ cũ lắm. Không hiểu sao thời gian sau đó anh lại trở thành một người rất khác, anh không còn giận họ nữa mà ngược lại vẫn tiếp đón, kính trọng, gặp gỡ thăm hỏi và chăm sóc dù anh không nghĩ mình là người đại lượng hay thần thánh gì cả. Anh chỉ biết làm theo cảm tính của một người con đối với cha mẹ. Anh nhớ bố anh thường dạy: "Khi mở miệng có gì hay và tốt thì hãy nói" và đó là câu bố anh vẫn thường nhắc nhở kể từ khi anh chỉ mới mười mấy tuổi cho tận đến lúc bố anh qua đời. Sở dĩ ban đầu anh hận gia đình bên vợ cũ vì anh cứ nghĩ trong đầu, cha mẹ nào lại để cho con mình làm những việc sai trái đến như vậy? Sau này anh mới hiểu, không có cha mẹ nào lại muốn con mình lầm đường lạc lối, chỉ có những đứa con không biết nghe lời khuyên của cha mẹ mà thôi.
Đại gia Đức An cũng cho biết, ban đầu hai con của anh với Ngọc Thúy ở Việt Nam nhưng đột nhiên một ngày chồng Phan Như Thảo bàng hoàng nghe tin con đã sang Mỹ cùng mẹ: "Khi gia đình lục đục, con cái là người bị bị ảnh hưởng lớn nhất. Thời gian năm 2009-2010, hai con gái của anh Heo Sữa và Boba nhờ sự chăm sóc của ông bà và cậu. Nhà đông đủ mọi người, tuy không có anh bên cạnh nhưng các con cũng được an yên, vui vẻ. Khi ấy vài ngày anh lại qua thăm con hoặc hẹn con ra quán cafe cho con ăn kem, nghịch chậu đá. Một ngày, anh giật mình khi nhận được tin hai con đang ở Mỹ. Anh nghe tin như là một cú sốc lớn và anh lặng người không biết phải nghĩ gì. Lúc đó trong đầu anh bối rối đủ mọi ý nghĩ, anh không hiểu có chuyện gì xảy ra mà phải mang hai con anh đi gấp rút như vậy và đi với những ai, lý do gì mà không thông báo hoặc hỏi ý kiến anh. Cú sốc đó đã khiến anh giận ông bà ngoại. Anh trách ông bà sao không đi theo hoặc ngăn cản mà lại để hai con anh bị mang đi. Lúc ấy anh đã không liên lạc để hỏi vì anh biết có hỏi cũng sẽ không có câu trả lời. Anh cứ nghĩ thôi thì xem như mình đã bị lừa gạt nhưng anh rất lo cho sức khoẻ của hai con. Lúc ấy hai con anh còn rất nhỏ, nhất là Boba chỉ đang chập chững tập đi. Anh nhớ đã liên lạc với gia đình anh chị em bên Mỹ và thông báo rằng hai cháu đang ở Mỹ mà không có anh bên cạnh. Anh nhờ họ để ý nếu hai cháu có liên lạc thì báo cho anh ngay và lo cho hai cháu hộ anh.
Thời gian đó anh chưa quen biết nhiều và cũng không biết rõ đường đi nước bước dù anh đã quyết ở lại lập nghiệp tại Việt Nam. Phía gia đình bên Mỹ, anh cũng không muốn cho họ lo âu nên không thường xuyên tâm sự. Khi ấy, anh không có nhiều cố vấn giúp đỡ bên cạnh nên mọi việc chỉ là tự mình anh quyết định. Anh đã có nghĩ tới việc quay trở lại Mỹ để tranh dành quyền nuôi con nhưng anh lại không tự tin vào khả năng chăm sóc trẻ em của mình. Anh đã nghĩ rằng con thì nên ở bên cạnh mẹ, nhất là khi con anh là con gái. Anh tin vào một tình mẫu tử thiêng liêng vì anh nhìn thấy mẹ anh và các chị của mình luôn quấn quýt bên nhau. Anh cũng từng nhìn thấy những bà mẹ ở Việt Nam dù chết hoặc phải la lết ngoài đường xin ăn nhưng vẫn không bỏ đứa con mình rứt ruột đẻ ra vì với họ, việc nuôi con không phải là một công việc ăn lương mà xuất phát từ tình yêu con vô điều kiện. Anh cũng nghĩ rằng với những gì anh đã sắp đặt thì các con anh sẽ được một cuộc sống tương đối tốt bên cạnh mẹ của chúng.
Mãi tới sau này, khi có Bồ Câu, được gần gũi và chăm sóc con từng ngày, anh mới nhận ra không phải chỉ có phụ nữ mới có bản năng nuôi con. Lúc biết mình đã lầm thì quá muộn màng.
Anh không phải là nhà văn, anh cũng không viết truyện giỏi, anh chỉ viết ra tất cả những gì anh suy nghĩ từ đáy lòng của anh. Hình như khi ở cạnh gia đình, lòng anh thanh thản nhẹ nhàng, anh mới có thể để những dòng suy nghĩ của mình tuôn ra dễ dàng hơn. Nhìn Bồ Câu vui đùa, nghịch đá, anh lại nhớ Heo Sữa và Boba, những đứa con đáng yêu nhất và là niềm tự hào nhất của đời anh".