Đề thi tốt nghiệp THPT được máy bay, tàu cao tốc đưa ra Côn Đảo, Phú Quý với sự giám sát chặt chẽ của công an, có đến 93 thí sinh tham gia thi cử năm nay.
- Xe cứu thương gặp tai nạn khi đang chở bệnh nhân, khiến hai y tá trên xe bị thương nặng
- Vì sự lơ đễnh của tài xế, nam học sinh lớp 6 chết thảm dưới bánh xe container gần nhà
Theo thông tin ghi nhận từ VnExpress, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có một điểm thi tại trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Côn Đảo, cách đất liền khoảng 185 km. Năm nay, 93 thí sinh của huyện đảo này dự thi tốt nghiệp.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay đề thi đã được vận chuyển ra Côn Đảo bằng đường hàng không. Tương tự, bài thi cũng được chở vào đất liền để chấm. Toàn bộ đề, bài thi đều được giám sát, bảo mật nghiêm ngặt bởi lực lượng công an đi kèm từ đất liền ra đảo.
Từ ba năm trước, Bình Thuận tổ chức một điểm thi ở huyện đảo Phú Quý thay vì đưa thí sinh vào đất liền. Năm nay, việc vận chuyển đề thi và 32 cán bộ làm nhiệm vụ thi từ đất liền ra đảo đã hoàn tất từ chiều 26/6.
Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, cho biết, toàn bộ đề thi được vận chuyển ra đảo một lần bằng tàu cao tốc riêng, có lực lượng công an bảo vệ theo quy định và tàu đi kèm của Bộ đội Biên phòng.
Theo ông Thái, khi ra đến đảo, đề thi đã được giao cho lực lượng chức năng giám sát, bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định. Điểm thi duy nhất ở đảo là trường THPT Ngô Quyền có 269 thí sinh.
Tương tự như Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi kết thúc kỳ thi, bài làm của thí sinh được vận chuyển ngược về đất liền để chấm.
Tại Kiên Giang, ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết đề thi tốt nghiệp đã được chuyển ra Phú Quốc bằng tàu cao tốc với sự giám sát của công an. Thành phố đảo này có ba điểm thi, 150 cán bộ coi thi. Hàng năm, tỉnh thường đưa đề thi ra đảo bằng tàu cao tốc, năm nào thời tiết bất thường thì dùng máy bay.
Trong khi đó, với huyện đảo Kiên Hải và Giang Thành - mỗi địa bàn có khoảng 130 thí sinh nên tỉnh không thành lập điểm thi riêng. Thay vào đó, các em được đưa về thi ở TP Rạch Giá và TP Hà Tiên bằng tàu cao tốc.
Tại TP HCM, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho hay đề thi được vận chuyển ra đảo Cần Giờ bằng phà vào sáng sớm mỗi ngày.
Bài thi cũng được đưa vào đất liền ngay trong chiều cùng ngày chứ không để qua đêm tại các điểm thi. Việc vận chuyển có sự giám sát chặt chẽ của Phòng An ninh Chính trị nội bộ thuộc Công an TP HCM để đảm bảo tính bảo mật và an toàn tuyệt đối.
Theo thông tin ghi nhận từ báo Tiền Phong, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khu vực in sao đề thi là địa điểm an toàn, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy. Khu vực in sao phải cách ly 3 vòng độc lập và người không có trách nhiệm tuyệt đối không được vào trong. Cán bộ tham gia trong khu vực in sao đề thi sẽ bị thu tất cả thiết bị điện tử.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, nói rằng, địa phương đã chuẩn bị máy in đặc chủng, tốc độ cao. Tuy nhiên, Hà Nội có lượng thí sinh dự thi rất lớn, hơn 100.000 thí sinh và sử dụng hơn 11 tấn giấy để in sao, do đó máy dễ trục trặc phải bảo dưỡng trong quá trình in, trong khi Ban in sao chỉ có lực lượng cán bộ, giáo viên, không có khả năng sửa chữa máy móc khi gặp sự cố.
Ông Cương đề nghị Ban chỉ đạo thi Quốc gia bổ sung nội dung điều động ít nhất 1 kỹ thuật viên vào hỗ trợ Ban in sao đề thi, phòng trường hợp có sự cố liên quan máy móc in ấn. Về vấn đề này, đại diện Ban chỉ đạo kỳ thi đã có ý kiến, địa phương có thể chủ động điều động thêm cán bộ kỹ thuật vào khu vực in sao để hỗ trợ máy móc. Tuy nhiên, phải giám sát 24/24 giờ và đảm bảo cách ly 3 vòng độc lập theo quy định.