Bệnh viện Nhi Trung ương vừa điều trị thành công cho trường hợp bệnh nhi 14 tuổi bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông.
- Bé gái 4 tuổi bị cưỡng hiếp khi đi cùng bà ngoại, 'rùng mình' khi phát hiện danh tính của nghi phạm
- Lời khai bất ngờ của người đàn ông đánh dã man cô gái sau va chạm giao thông
Trẻ bị tai nạn giao thông nguy kịch
Trước đó, bệnh nhân là bé trai (14 tuổi, ở Hải Phòng) bị tai nạn giao thông bất tỉnh, chấn thương nghiêm trọng và được người dân đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng trong tình trạng hôn mê, tổn thương nhiều cơ quan. Tại đây, các bác sĩ đã khẩn trương cấp cứu, đồng thời liên hệ với Bệnh viện Nhi Trung ương để hội chẩn và chuyển bệnh nhi lên tuyến trên.
BSCKII. Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ các đồng nghiệp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã trao đổi với các bác sĩ tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng nhằm hồi sức, ổn định tình trạng cháu bé cũng như vận chuyển an toàn để xử lý được các tình huống cấp cứu xảy ra trong quá trình vận chuyển.
Thời điểm trẻ vào khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ xác định trẻ đa chấn thương bao gồm chấn thương sọ não, chấn thương ngực kín, gãy xương cánh tay trái (T), vết thương bàn chân trái, gối trái.
Đặc biệt, ngoài chấn thương phổi, màng phổi đã được dẫn lưu, trẻ còn nghi ngờ có chấn thương tim dẫn đến suy tim rất nặng, kèm theo suy đa cơ quan. Ngay lập tức, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa từ các chuyên gia cấp cứu hồi sức, ngoại lồng ngực, ngoại tim mạch, chỉnh hình, chẩn đoán hình ảnh ngay tại giường bệnh.
Kết quả kiểm tra cho thấy trẻ tổn thương đụng dập; đứt gần như hoàn toàn dây chằng cột cơ van hai lá dẫn tới hở 2 lá nặng/cấp – theo dõi tụ máu và/hoặc huyết khối cơ nhú; tổn thương đụng dập nhu mô phổi 2 bên, tràn khí tràn dịch màng phổi trái; vỡ xương xoang trán, hàm, hốc mắt trái; tụ máu xoang hàm phải, gãy xương cẳng tay trái và gãy xương đốt bàn 3-4-5 bàn chân trái.
Trẻ bị chấn thương phổi rất nặng, đặc biệt là phổi trái bị dập, các bác sĩ đã cố gắng ổn định chức năng sống và dự định khi tình trạng phổi của trẻ ổn định hơn sẽ tiến hành phẫu thuật tim.
"Tuy nhiên, tình trạng tim mạch của trẻ không ổn định , chúng tôi xin ý kiến Ban Giám đốc và hội chẩn với PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, quyết định mổ cấp cứu ngay cho bệnh nhi", TS.BS Đặng Ánh Dương – Trưởng khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa cho biết.
Ca phẫu thuật căng thẳng
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ nhận thấy thành tim và cơ tim trẻ bị tổn thương nham nhở, các van tim không còn hoạt động hiệu quả. Trước tình trạng này, việc phẫu thuật để thay van tim là cần thiết nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn như chảy máu não, tổn thương phổi nặng hơn (đặc biệt phổi trái) và nguy cơ tử vong luôn cận kề.
PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, với khả năng thành công được tiên lượng chỉ từ 20-30%, các bác sĩ đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định tiến hành phẫu thuật với sự hỗ trợ của máy tim phổi nhân tạo.
"Quá trình phẫu thuật là một thách thức lớn khi van tim và cơ tâm thất trái bị dập nát, tổ chức cơ tim yếu và dễ bục. Việc thay van thông thường trở nên rất khó khăn do nguy cơ thủng thành sau của tim. Các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật khâu sáng tạo, cẩn thận xử lý để đảm bảo van tim mới hoạt động ổn định mà không làm tổn thương thêm", PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường cho hay.
Sau hơn 4 giờ căng thẳng, ca mổ thành công. Sau mổ, trẻ được chuyển sang khoa Điều trị tích cực Ngoại Tim mạch để tiếp tục hồi sức. Các bác sĩ theo dõi chặt chẽ, hồi sức tích cực cho bệnh nhi, đảm bảo hô hấp, tuần hoàn và duy trì thuốc an thần, thuốc trợ tim,… Song song với đó là hội chẩn lại với các chuyên khoa tiếp tục đưa ra kế hoạch điều trị.
Ngày 18/11, trẻ được phẫu thuật nẹp vít xương cẳng tay trái, phẫu thuật cắt bỏ tổ chức hoại tử bên bàn chân trái ngón 3-4-5, xương đốt ngón 3-4-5.
Sau hơn 2 tuần điều trị tại khoa Điều trị tích cực Ngoại Tim mạch, sức khỏe bé ổn định và được chuyển đến khoa Nội Tim mạch tiếp tục theo dõi. Hiện tại, trẻ hồi phục tốt, tỉnh táo, đã được ra viện và chuyển về y tế cơ sở.
Theo PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương yếu tố quyết định để cứu sống bệnh nhi là chẩn đoán đúng và lập tức đưa ra hướng xử lý.
Chỉ trong thời gian ngắn, bệnh nhi được thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết để đánh giá toàn diện tình trạng. Sau đó, trẻ được phẫu thuật kịp thời nơi mà các phương án dự phòng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, giúp ca phẫu thuật thành công.
Để giảm thiểu những trường hợp đáng tiếc cho trẻ khi tham gia giao thông, các bác sĩ khuyến cáo:
+ Cha mẹ cần giám sát, hướng dẫn tỉ mỉ và cận thận trẻ khi tham gia giao thông, đặc biệt ở độ tuổi vị thành niên.
+ Tăng cường giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông tại gia đình và trường học.
+ Tránh để trẻ điều khiển xe máy, xe đạp điện khi chưa đủ tuổi và không có sự giám sát của người bảo hộ.
+ Hướng dẫn trẻ không chơi đùa trên đường hoặc băng qua đường bất ngờ. Không đùa nghịch, đá bóng dưới lòng đường, không đi xe máy điện vượt quá tốc độ, lạng lách, đánh võng.