Bông cải, hay còn gọi là súp lơ là một loại rau ăn hoa thuộc họ cải. Có hai loại phổ biến là bông cải trắng và bông cải xanh, 2 'người anh em' này thường xuyên được đặt lên bàn cân so sánh với nhau.
- Top 7 loại cá đứng đầu bảng dinh dưỡng giúp trẻ mắt sáng, dáng cao, chỉ số IQ tăng vượt bậc
- Loại 'trái cây hạnh phúc', dồi dào dinh dưỡng, giá thành cực rẻ nhưng lại bị người Việt 'ngó lơ'
Bông cải là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, là vitamin liên quan đến sự hình thành xương, chức năng miễn dịch và chữa lành vết thương. Bông cải còn chứa vi chất dinh dưỡng khác, bao gồm vitamin B-9, kali, đồng và mangan, theo Healthline.
Ngoài ra, cả hai loại đều giàu chất xơ, một chất dinh dưỡng quan trọng giúp hỗ trợ đều đặn, kiểm soát lượng đường trong máu và sức khỏe tim.
Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt trong hàm lượng vi chất. Theo thông tin dinh dưỡng từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, so sánh cùng một khẩu phần bông cải, thì bông cải xanh chứa đến 90% hàm lượng vitamin C cần dùng trong ngày, trong khi bông cải trắng chỉ chứa 57%.
Tương tự với vitamin K khi bông cải xanh cung cấp 77% hàm lượng cần dùng trong ngày trong khi bông cải trắng chỉ cung cấp 14% hàm lượng cần thiết.
Ngược lại, bông cải trắng lại cung cấp nhiều vitamin B-5 và B-6 khi một khẩu phần cung cấp 14% lượng vitamin B-5 và 12% lượng vitamin B-6 cần dùng trong ngày, trong khi bông cải xanh chỉ cung cấp chưa tới 10% các khoáng chất này.
Những lợi ích cho sức khỏe của bông cải
Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa chế độ ăn uống với nguy cơ mắc bệnh ung thư. Các loại rau họ cải như bông cải, bông cải xanh, cải bắp có chứa chất chống oxy hóa là indole-3-carbinol hay còn gọi là I3C. Đây là một chất chống oxy hóa được chứng minh là giảm nguy cơ ung thư vú và các bệnh ung thư liên quan đến cơ quan sinh sản của cả nam và nữ.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn chứng minh rằng những loại rau họ cải như bông cải rất hữu ích trong việc ngăn ngừa ung thư đại tràng, gan, phổi và dạ dày.
Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy rằng việc ăn thường xuyên các loại rau họ cải như bông cải xanh và trắng có liên quan đến việc giảm rủi ro mắc một số bệnh ung thư, cụ thể một nghiên cứu được thực hiện tại New York (Mỹ) trên 1.950 phụ nữ cho thấy, ăn nhiều các loại rau họ cải như bông cải giúp giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng đáng kể
Bông cải và các loại rau họ cải có hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển của chất gây ung thư, hoạt động như một chất chống đột biến ngăn chặn các tế bào khối u tái tạo. Chúng rất giàu glucosinolates, một nhóm lớn gồm các hợp chất có chứa lưu huỳnh, có lợi cho sức khỏe. Trong cơ thể, glucosinolates có tác dụng sửa chữa DNA và giúp ngăn ngừa ung thư bằng cách làm chậm sự tăng trưởng của các tế bào gây ung thư.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim và rối loạn não
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng viêm nhiễm nặng có liên quan mật thiết với sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, đái tháo đường và rối loạn thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson.
Bông cải giàu vitamin K, vitamin C, nhiều chất chống oxy hóa cùng axit béo omega-3 giúp động mạch, mạch máu không bị tích tụ mảng bám. Điều này làm giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và kiểm soát nồng độ cholesterol trong cơ thể.
Khi hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức sẽ tạo ra các phản ứng có thể làm mất cân bằng oxy hóa dẫn đến nguy cơ gây tổn thương các tế bào não. bông cải giúp ngăn chặn tình trạng này.
Cải thiện tiêu hóa và giải độc
Một số hợp chất được tìm thấy trong bông cải như sulforaphane, glucobrassicin, glucoraphanin và gluconasturtiian có vai trò hỗ trợ chức năng gan. Do đó, bông cải rất hữu ích trong việc giúp cơ thể giải độc.
Bông cải và các loại rau họ cải giàu hợp chất được gọi là glucosinolate gồm có lưu huỳnh và ni tơ. Đây là một loại hợp chất hữu cơ có thể hỗ trợ quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, thải bỏ độc tố và chất thải. Glucosinolate có vai trò kích thích gan sản xuất các enzyme giải độc, ngăn chặn các tổn thương từ các gốc tự do. Đồng thời chúng cũng có thể giúp bảo vệ lớp niêm mạc dễ bị tổn thương của dạ dày, giảm nguy cơ phát triển hội chứng rò rỉ ruột hoặc các rối loạn tiêu hóa khác.
Ngoài ra, sulforaphane có trong loại rau này giúp kìm hãm sự phát triển quá mức của các vi khuẩn trong hệ vi sinh đường ruột, ngăn vi khuẩn xấu xâm nhập hệ tiêu hóa và cho phép lợi khuẩn phát triển mạnh.
Chống oxy hóa
Bông cải xanh và trắng đều giàu chất chống ô xy hóa, là những hợp chất có lợi giúp giảm tổn thương tế bào, giảm viêm và bảo vệ chống lại bệnh mạn tính.
Cả hai loại bông cải đều chứa sulforaphane và indole-3-carbinol là hai chất chống ô xy hóa giàu lưu huỳnh thường được tìm thấy trong các loại rau họ cải.
Bông cải trắng là nguồn cung cấp các chất chống ô xy hóa khác, gồm a xít protocatechuic, a xít coumaric và a xít vanillic
Trong khi đó, bông cải xanh chứa nhiều lutein và zeaxanthin rất quan trọng đối với sức khỏe của mắt.
Vậy loại nào tốt cho sức khoẻ hơn?
Tuy có vài khác biệt nhỏ giữa bông cải xanh và bông cải trắng, cả hai đều là nguồn bổ sung dinh dưỡng và chất xơ cần thiết cho cơ thể, lại còn rất ngon miệng để xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ.
Trong thực đơn hằng ngày, bạn hãy bổ sung cả hai loại bông cải, cùng với các loại rau xanh tốt cho sức khoẻ khác như cà chua, rau bina (cải bó xôi), măng tây và bí ngòi.
Không chỉ cung cấp vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe, rau củ còn làm phong phú và đa dạng thực đơn cũng như chế độ ăn uống của bạn.