Vậy ăn thuần chay là gì? Liệu rằng chế độ ăn thuần chay có thực sự đem lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư không?
- Không chỉ thịt chín tái, rau sống, ốc luộc có nguy cơ nhiễm sán vì lí do được bác sĩ cảnh báo
- Đậu bắp không chỉ 'khắc tinh' với ung thư mà còn chữa bệnh xương khớp hiệu quả: Cách ngâm nước đậu bắp đơn giản không nên bỏ qua
"Bác sĩ ơi, ba tôi bị ung thư vậy có nên ăn theo chế độ ăn thuần chay không?", "Mẹ tôi bây giờ sợ ăn thịt cá, có nên cho mẹ tôi chuyển qua ăn thuần chay không?", "Tôi nghe nói ăn thuần chay sẽ tốt cho người bị ung thư"… Đó là một số trong vô vàn những câu hỏi mà người nhà bệnh nhân đề cập mỗi khi đi khám Dinh dưỡng.
Vậy ăn thuần chay là gì? Liệu rằng chế độ ăn thuần chay có thực sự đem lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư không?
Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Lạc Tâm, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, về các vấn đề liên quan giữa chế độ ăn thuần chay và bệnh ung thư mà có thể bạn quan tâm.
Chế độ ăn thuần chay là gì?
Chế độ ăn thuần chay được định nghĩa là không chứa bất kỳ sản phẩm động vật nào (hoặc bất kỳ thành phần nào có nguồn gốc từ động vật) như thịt, cá, sữa, trứng và mật ong.
Chế độ ăn thuần chay có tốt cho người bệnh ung thư không?
Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (World Cancer Research Fund), chế độ ăn thuần chay an toàn trong quá trình điều trị ung thư. Có một số bằng chứng cho thấy ăn thực phẩm có chứa đậu nành và chất xơ có thể làm giảm nguy cơ tái phát ung thư vú. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy chế độ ăn thuần chay nghiêm ngặt mang lại bất kỳ lợi ích nào.
Một phân tích trên 86 nghiên cứu cắt ngang và 10 nghiên cứu đoàn hệ cho thấy: Người ăn chay và thuần chay có hiệu quả giảm chỉ số khối cơ thể, cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, glucose máu so với người ăn thịt. Phân tích cho thấy có sự giảm đáng kể nguy cơ mắc và/hoặc tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ và tỷ lệ mới mắc của ung thư ở người ăn chay và thuần chay. Tuy nhiên, điều này không gặp ở tất cả bệnh lý tim mạch và mạch máu não, cũng như tất cả tỉ lệ tử vong đối với bệnh ung thư. Không có mối liên quan đáng kể nào được chứng minh khi các loại ung thư cụ thể được phân tích.
Tác giả Vanessa DeClercq đã có một bài đánh giá tổng quan về những bằng chứng hiện có trong 5 năm gần đây về chế độ ăn thuần thực vật với nguy cơ ung thư từ các thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu quan sát. Các nghiên cứu kiểm soát trường hợp cho thấy giảm nguy cơ ung thư đại tràng và ung thư vú bằng chế độ ăn thuần thực vật nhưng vẫn còn chưa nhất quán trong các nghiên cứu thuần tập đối với từng ung thư cụ thể.
Chế độ ăn thuần chay có phòng chống ung thư không?
Những nghiên cứu dịch tễ cho thấy chế độ ăn thuần chay sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh như ung thư và tim mạch, nhưng không thấy giảm tỷ lệ tử vong so với chế độ ăn có thịt động vật. Các nghiên cứu cũng nhấn mạnh cần xem xét yếu tố lâm sàng như giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị cũng như thời điểm đánh giá chế độ ăn và những thay đổi trong khẩu phần của bệnh nhân. Từ đó đưa ra những bằng chứng mạnh mẽ hơn về chủ đề này.
Ngoài ra, có rất ít nghiên cứu khoa học xem xét liệu chế độ ăn thuần chay có thể trì hoãn hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư hay không. Bằng chứng khoa học không cho thấy chế độ ăn thuần chay có tác động tích cực đối với bệnh ung thư hoặc điều trị hóa trị. Bên cạnh đó, không có bằng chứng nào cho thấy chế độ ăn thuần chay cải thiện sức khỏe tổng thể ở bệnh nhân trong quá trình điều trị ung thư tốt hơn chế độ ăn bao gồm các sản phẩm từ động vật. Tuy nhiên, chế độ ăn thuần chay có chứa nhiều loại thực phẩm khác nhau có thể là một sự thay thế tốt cho chế độ ăn dựa trên động vật.
Trong chế độ ăn thuần chay, việc ăn đủ năng lượng, protein, một số vitamin và khoáng chất có thể khó hơn so với chế độ ăn có chứa các sản phẩm từ động vật. Khi so với việc tiêu thụ nhóm thực phẩm từ động vật thì những người quyết định ăn chế độ ăn thuần chay trong 1 tháng có thể khó đạt được một số chất dinh dưỡng như acid béo omega 3, sắt, kẽm, canxi, vitamin D, i-ốt, vitamin B12. Việc thiếu protein, một số vitamin và khoáng chất có thể cản trở quá trình phục hồi sau hóa trị.
Người bệnh ung thư cần tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để đánh giá liệu một số thuốc bổ sung có cần thiết hay không, liệu chúng có phù hợp và được phép đối với loại hóa trị liệu đang được sử dụng hay không. Bạn không nên dùng bất kỳ thuốc bổ sung nào nếu chưa trao đổi trước với chuyên gia y tế - một số chất bổ sung có thể ảnh hưởng xấu đến hóa trị liệu. Một điều cần lưu ý nữa là chế độ ăn thuần chay không đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ em, phụ nữ mang thai và người già.
Như vậy, bệnh nhân ung thư cần ăn đủ năng lượng và lượng đạm để có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Khi quyết định theo chế độ ăn thuần chay, cần cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề về thiếu hụt năng lượng, đường, đạm, béo, vitamin và chất khoáng. Một chế độ ăn cân đối, đa dạng không những giúp bệnh nhân đủ dinh dưỡng, nâng cao miễn dịch mà còn hỗ trợ đáp ứng điều trị bệnh hiệu quả hơn.