Trứng vịt lộn rất tốt cho sức khỏe nhưng một số đối tượng dưới đây được khuyến cáo là không nên ăn trứng vịt lộn vì rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Tác dụng của trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn hay còn gọi là hột vịt lộn là món ăn được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi đã phát triển thành hình. Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam... và được coi là món ăn bổ dưỡng.
Trứng vịt lộn thường được bán rong, hoặc tại các góc phố, các hàng ăn nhỏ. Món ăn này cũng được ưa chuộng ở một số nước châu Á khác như: Trung Quốc, Philippines và Campuchia, tuy cách chế biến có khác nhau.
Tại Philippines, trứng vịt lộn (gọi là Balut theo ngôn ngữ địa phương) cũng được thưởng thức rộng rãi ở tại mọi tầng lớp nhân dân, có điều trứng thường chỉ được ấp đến 17 ngày và không dùng rau răm, trong khi trứng vịt lộn tại Việt Nam thường già hơn một chút, từ 19 đến 21 ngày tuổi và luôn có rau răm ăn kèm. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các món trứng vịt lộn chiên, trứng gà lộn và trứng cút lộn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một quả trứng vịt lộn cung cấp 182 kcal năng lượng; 13,6 gram protein; 12,4 gram lipid; 82 mg canxi; 212 gram photpho và 600 mg cholesterol. Ngoài ra còn có rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, B, C, sắt…
Những không nên ăn trứng vịt lộn
Mặc dù rất bổ dưỡng nhưng có một số người tuyệt đối không nên ăn trứng vịt lộn:
Bệnh nhân gan
Khi mắc bệnh, chức năng sàng lọc chất độc hại của gan giảm sút, lượng đạm từ trứng vịt lộn sẽ khiến gan phải hoạt động quá sức dẫn đến suy gan rất nhanh. Ngoài ra, hột vịt lộn còn khiến bệnh nhân gan dễ đầy hơi, khó tiêu, trướng bụng nhanh.
Bệnh nhân gout
Trứng vịt lộn chứa rất nhiều protein, vì thế nếu người bị bệnh gout ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ làm tăng lượng protein trong máu, điều này thật sự không tốt cho người có bệnh gout.
Người bệnh thận
Người yếu thận sẽ yếu cả quá trình trao đổi chất của cơ thể, lượng nước tiểu cũng giảm khiến thận không loại bỏ hết các độc tố ra khỏi cơ thể. Việc ăn trứng lộn có thể làm lượng urê trong cơ thể tăng cao khiến thận bị tổn thương, thậm chí nhiễm độc đường tiết niệu.
Người bị sốt
Protein trong trứng lộn đi vào cơ thể sẽ bị phân huỷ và sinh ra nhiệt lượng cao hơn 30% so với bình thường, chính vì thế những người đang sốt ăn trứng sẽ khiến nhiệt độ cơ thể càng tăng cao, dễ gây co giật và biến chứng lên não.
Người cao huyết áp
Với những người bị bệnh cao huyết áp thì tuyệt đối nên tránh xa trứng vịt lộn. Bởi khi ăn trứng vịt lộn có nghĩa là bạn đang nạp vào cơ thể một lượng lớn chất đạm và cholesterol. Trong khi đó những chất này là một trong những tác nhân chính gây nên tình trạng cao huyết áp.
Người mẫn cảm với protein
Thành phần protein trong trứng lộn và trứng nói chung có tính kháng nguyên nhạy cảm với bề mặt lớp niêm trong dạ dày gây đau bụng, tiêu chảy, phát ban và các triệu chứng dị ứng khác. Chính vì thế các chuyên gia dinh dưỡng khuyên những người mẫn cảm với protein không nên ăn nhiều trứng.
Người vừa sinh con
Đề kháng yếu sau sinh khiến sản phụ khó tiêu hoá, trong khi đó các thành phần protein và chất béo trong trứng hay trứng lộn gây khó tiêu, đầy bụng. Lời khuyên của các bác sĩ dành cho sản phụ là chỉ nên ăn trứng sau khi sinh từ 1,2 ngày sinh và không nên ăn quá 2 trứng mỗi ngày.
Ăn trứng vịt lộn sao cho đúng?
- Nên ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng để dạ dày có thời gian tiêu hóa hết chất dinh dưỡng có trong loại thực phẩm này. Không nên ăn vào buổi chiều hoặc tối dễ gây đầy bụng, khó chịu, không tiêu hóa được.
- Ăn bao nhiêu cho đủ?
Trẻ em dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, dễ dẫn đến tình trạng không tiêu hóa được, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trẻ trên 5 tuổi nên ăn 1/2 quả trứng 1 lần, tuần ăn từ 1 - 2 lần.
Bà bầu nên ăn mỗi tuần 2 quả và khi ăn hạn chế hoặc không ăn rau răm.
Những người có bệnh cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch, gút... cũng nên kiêng hoặc không ăn nhiều trứng vịt lộn.
Người gầy yếu muốn tăng cân nên ăn nhiều trứng vịt lộn, khi ăn nhớ kèm theo đĩa lạc hoặc một chút dầu ăn để giúp hấp thu dưỡng chất có trong trứng vịt lộn tốt hơn.