Được xem là thực phẩm rất thơm ngon và bổ dưỡng, tuy nhiên, những loại cá sau tốt nhất không được đụng đũa, đặc biệt là bộ phận bên trong của chúng.
- Tưởng bổ dưỡng, những người kiểu này ăn trứng cá có nguy cơ 'rước họa' vào thân: 2 bộ phận của cá tuyệt đối không nên ăn
- Nên hay không việc đun nóng cá hộp, thịt hộp để phòng ngộ độc Botulinum?
Theo chuyên gia, chế độ ăn uống được khuyên bổ sung cá trong bữa ăn mỗi ngày và khoảng 225gr mỗi tuần. Các loài cá biển và hải sản là những thực phẩm ngon, giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên cũng có không ít loài cá biển và hải sản độc gây ra nhiều vụ ngộ độc chết người.
Có những loại cá có thể gây bệnh hoặc ngộ độc nếu chúng ta ăn quá nhiều hoặc chế biến không đúng. Theo thông tin từ Báo Dân Việt, chúng ta cần biết cách phân biệt để phòng tránh, tuyệt đối không được ăn. Những loài cá sau tuyệt đối cần cẩn trọng:
Loài cá nóc
Cá nóc có chứa tetrodotoxin (C11H17O8N3), chất độc thần kinh, rất độc, gây tử vong cao. Đặc biệt, tetrodotoxin tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại. Loài cá cực ngon này lại chứa chất kịch độc này có thể gây tử vong nếu chế biến sai cách.
Chất độc của loại cá này cũng được biết đến chủ yếu tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh của con đực và nhiều nhất là ở trứng cá của con cái. Tetrodotoxinlà một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.200 lần so với cyanua. Độc tố của một con cá đủ giết chết 30 người.
Thịt cá nóc được biết đến là khá độc nhưng nhiều người vẫn không cưỡng lại được hương vị hấp dẫn trong thịt loài cá này.
Theo các chuyên gia y tế, để đề phòng ngộ độc cá nóc, người dân nên thực hiện một số nguyên tắc sau:
- Tốt nhất là không nên ăn cá nóc dù đã chế biến rất cẩn thận.
- Không phơi cá nóc làm cá khô, không làm chả cá nóc hay bột cá nóc để ăn và để bán.
- Khi đi biển đánh cá, mỗi gia đình nên có một túi cấp cứu gồm than hoạt (bột hoặc nhũ) và thiết bị hô hấp nhân tạo.
Loài cá bống vân mây
Một trong những loại cá chứa chất kịch độc khác là cá bống vân mây. Ở nước ta, cá bống vân mây tập trung nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung. Theo các nhà khoa học, trong cá bống vân mây có độc tố tetrodotoxin, tương tự như độc tố của cá nóc.
Theo Cục An toàn thực phẩm những loài hải sản độc này có thể gây hại cho con người theo hai cách chính: qua đường tiêu hoá do các món ăn chế biến từ cá và hải sản và qua phản ứng tự vệ của con vật khi ta vô tình chạm vào chúng, bị chúng căn, chích hoặc phóng tên độc.
Mật cá trắm
Thịt cá trắm ngon và bổ dưỡng được nhiều bà nội trợ chọn mua chế biến cho bữa ăn gia đình. Thế nhưng, mật cá trắm rất độc bởi có chứa alcool gây xuất huyết, tổn thương nội tạng, đặc biệt là ống thận. Cá có trọng lượng càng lớn, chất độc càng cao.
Chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến tử vong.
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang có hiện tượng người dân sử dụng mật cá trắm để điều trị nhiều loại bệnh như nhức mỏi, giảm thị lực, hen, mề đay... dưới hình thức nuốt sống trực tiếp hoặc pha trộn túi mật với nước, rượu hoặc mật ong. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.
Thời gian gần đây, tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp bị ngộ độc và tử vong do sử dụng mật cá trắm.
Cá kiếm
Cá kiếm là một loài cá biển có chứa hàm lượng thủy ngân cao, nếu lạm dụng việc ăn cá kiếm quá nhiều sẽ tăng nguy cơ nhiễm độc metyl thủy ngân.
Một con cá kiếm có chứa khoảng 976 ppm (phần triệu) thủy ngân. Hàm lượng này có thể gây ngộ độc cho người ăn. Lưu ý phụ nữ mang thai và phụ nữ đang lên kế hoạch mang thai không nên tiêu thụ quá 200g cá kiếm trong một tháng.
Cá ngừ vây xanh
Cá ngừ là loại cá chứa rất nhiều thủy ngân, đặc biệt là cá ngừ vây đen và cá ngừ vây xanh. Ngoài ra, cá ngừ tự nhiên bán tại các cửa hàng khá ít, chúng hiện được nuôi nhiều hơn, do vậy không thể bỏ qua trường hợp cá ngừ thường được sử dụng kháng sinh và hooc môn, tạo nên các chất không tốt cho cơ thể người.
Ngộ độc histamine xảy ra sau khi ăn cá có chứa hàm lượng histamine cao do chế biến và cách bảo quản cá không đúng cách. Những loại cá cá ngừ albacore, cá ngừ vây xanh và cá ngừ vây vàng, cá trích và cá marlin đều có lượng histidine cao. Do bảo quản lạnh không đủ, vi khuẩn chuyển histidine thành histamine, dẫn đến ngộ độc cho người ăn vào. Độc tố histamine có thể hình thành ngay cả khi cá được bảo quản tạm thời ở nhiệt độ quá cao.
Những lưu ý khi ăn cá
Theo thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, cá là nguồn tốt nhất cung cấp omega-3, dưỡng chất có ích cho sức khỏe giúp giảm nguy cơ trầm cảm, đau tim và suy giảm nhận thức. Ngoài các loại cá trên, một số bộ phận của cá không nên ăn như: Ruột cá, mật cá, màng đen ở cá...
Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người nên ăn ít nhất 2 bữa cá, tương đương khoảng 340g cá/tuần.
Đối với các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu... mỗi người nên ăn ít nhất 140g/tuần. Phụ nữ sắp hoặc đang có thai, cho con bú không nên ăn quá 280g. Đàn ông và phụ nữ không mang thai có thể ăn tối đa 560g cá béo/tuần.
Đối với các loại cá thịt trắng như cá tuyết, cá bơn, cá chim, cá rô phi... có thể ăn bao nhiêu tùy nhu cầu của cơ thể. Nhưng không ăn quá 140g/tuần cá nhám và cá cờ. Trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc muốn có thai nên tránh hai loại cá này vì chúng chứa nhiều thủy ngân hơn các loại khác.
Cách xử trí ngộ độc cá nóc (theo quyết định của Bộ Y tế ngày 21/2/2002): Khi có dấu hiệu tê môi, tê tay ở người bị ngộ độc, lập tức gây nôn và cho uống than hoạt với liều 30g/250ml nước sạch cho người lớn, 25g/100 – 200ml nước sạch cho trẻ em từ 1 – 12 tuổi, 1g/50ml nước sạch cho trẻ dưới 1 tuổi. Có thể cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi uống một lọ than hoạt dưới dạng nhũ 30ml.
Sau khi tiến hành các bước trên, nên nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Uống than hoạt sớm trong vòng 1 giờ sau khi ăn cá sẽ có hiệu quả giải độc cao và khi nạn nhân đã hôn mê hoặc rối loạn ý thức, chỉ còn cách thổi ngạt vào miệng mũi.