Môi trường ngủ rất quan trọng với em bé sau khi chào đời, tạo một môi trường y như khi bé còn trong bụng mẹ sẽ là điều tuyệt vời nhất.
- Cả một loạt ảnh hưởng vô cùng tiêu cực khi trẻ ngủ không đủ giấc mà các mẹ chưa chắc đã biết đến
- Cứ cho con ngủ với điện thoại và sóng wifi, lớn lên nguy cơ teo não vô sinh, bố mẹ hối cũng không kịp
Đối với các bậc cha mẹ, 3 tháng đầu đời của em bé sơ sinh là quãng thời gian vô cùng khó khăn khi mà bé hay thức giấc nhiều lần trong đêm khiến cho cả mẹ và bé đều mệt mỏi, ngủ không đủ giấc, ảnh hưởng tới sức khỏe. Bé đột nhiên bị đẩy từ môi trường tối tăm, ấm áp và thoải mái trong tử cung ra một môi trường hoàn toàn mới, tươi sáng với đầy những khuôn mặt xa lạ, tiếng ồn và nhiệt độ khác nhau. Trên thực tế, một số bà mẹ thậm chí còn đề cập đến giai đoạn 3 tháng sau sinh giống như tam cá nguyệt thứ tư.
Chính vì vậy, để hạn chế những bỡ ngỡ và sự lạ lẫm của bé sơ sinh, giúp bé có thể ăn ngon ngủ say trong những tháng đầu đời thì mẹ hãy làm theo 7 cách tái tạo môi trường giống tử cung mẹ, đảm bảo bé ngủ bé sẽ ngủ ngon mà mẹ lại vẫn nhàn.
Để ánh sáng ngủ mờ dịu – Kiến tạo môi trường tối như trong tử cung
Khi bé còn trong bụng mẹ, các lớp mô trong cơ thể mẹ sẽ che khuất ánh sáng từ môi trường bên ngoài nên tử cung luôn tối. Vì vậy, mẹ hãy nhớ giúp bé ngủ trong phòng với ánh sáng càng dịu nhẹ càng tốt. Một số cách hạn chế ánh sáng như treo rèm, dán kính, nếu cần cho bé ăn bữa đêm thì chỉ nên sử đụng đèn ngủ thay vì bật đèn chính.
Quấn bé bằng tã mềm – Được bảo vệ như còn trong bụng mẹ
Không gian ở trong tử cung mẹ rất hẹp, 9 tháng nằm trong bụng mẹ, bé đã quen với không gian nhỏ, chật hẹp, tình trạng cọ xát, có áp lực. Khi ra ngoài môi trường quá rộng rãi sẽ khiến bé mất đi cảm giác an toàn. Lúc này việc quấn khăn sẽ giúp trấn an, xoa dịu, đem lại cảm giác như còn trong tử cung mẹ, bé sẽ cảm thấy ấm áp, an toàn như đang được bao bọc, bảo vệ giống trong bụng mẹ trước đây. Việc quấn tã cũng giúp bé ngủ ngon hơn vì nó sẽ giảm thiểu phản xạ giật mình, điều này có thể khiến cho bé thức giấc và khó ngủ hơn.
Thao tác quấn bé: Chuẩn bị một chiếc khăn mềm mại, sạch sẽ. Trải khăn theo dạng hình thoi trên mặt phẳng. Gập góc khăn cao nhất của hình thoi vào khoảng 20cm giữa tấm khăn. Đặt trẻ vào giữa khăn sao cho lưng và cổ đè lên nếp gấp. Đặt tay phải của con xuôi theo cơ thể, khuỷu tay hơi cong. Rồi kéo góc trái tấm khăn phủ chéo lên trên. Mẹ nhớ nâng tay trái của bé rồi vòng khăn qua tay, xuống đến lưng và gài lại. Gập phần khăn còn lại lên trên bao bọc toàn bộ cơ thể trẻ và cố định vị trí khăn.
Dùng tiếng ồn trắng – "Phù thủy" ru ngủ cho bé sơ sinh
Tử cung thực sự là một môi trường khá ồn ào chứ không hề yên tĩnh như mẹ vẫn nghĩ. Thai nhi phải lắng nghe nhịp tim của mẹ và thậm chí cả tiếng ầm ào kỳ lạ phát ra từ dạ dày khi mẹ đói. Vì vậy, mẹ có thể bắt chước những âm thanh nhịp nhàng này và lặp đi lặp lại (hay còn gọi là tiếng ồn trắng) để giúp ru bé ngủ ngon hơn. Chúng có thể bao gồm các âm thanh phát ra từ tivi, đài cát sét, máy sấy tóc, tiếng mưa tí tách, sóng vỗ để đưa bé vào giấc ngủ.
Các loại địu – Công cụ hữu ích vừa ru ngủ cho bé vừa tiện cho mẹ
Địu là sản phẩm khá tiện ích bởi tính hiệu quả trong việc giúp bé cuộn tròn trên người mẹ và ngủ ngon lành y như tư thế hồi còn trong tử cung mẹ lại vừa giúp hai tay mẹ rảnh rang để làm việc trong lúc bé ngủ. Địu cũng khá dễ sử dụng, nhưng mẹ cần lưu ý hướng dẫn sử dụng và độ tuổi để áp dụng cho bé, tránh làm ảnh hưởng tới cột sống và cổ của cả mẹ và bé.
Cho bé dùng núm vú giả nếu cần
Phản xạ bú mút được phát triển ngay từ khi trẻ mới chào đời. Hành động mút thứ gì đó thực sự khiến cho bé bình tĩnh trở lại, nó có tác dụng làm giảm huyết áp, nhịp tim và kích thích giải phóng các loại hóa chất giảm đau trong não, làm bé thư giãn và dễ chịu hơn. Trên thực tế, ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ thai nhi đã biết tự mút ngón tay cái để tự làm dịu những cơn khó chịu của chính mình.
Ngủ cùng bé – Tại sao không?
Việc ngủ cùng trẻ sơ sinh luôn là đề tài nóng gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu biết cách ngủ cùng con an toàn thì đây không phải là sự lựa chọn tồi, bởi cả mẹ và bé sẽ cảm nhận sự an toàn và gần gũi hơn, bé ngủ ngon và sâu giấc hơn vì đã có mẹ ở bên. Ngủ cùng con sẽ tạo ra sự tiếp xúc gần gũi, làm tăng cường chất oxytocin, một loại hoóc môn tình yêu làm giảm cảm giác lo lắng, sợ hãi và căng thẳng và tăng khả năng sản xuất sữa mẹ.
Rung khẽ, đưa đẩy để ru bé – Tái tạo chuyển động quen thuộc như trong bụng mẹ
Trước khi ra đời, bé đã quen với sự rung chuyển, lắc qua lắc lại mỗi khi mẹ đi lại hay hoạt động hàng ngày. Vì vậy, mẹ có thể thử tái tạo những chuyển động quen thuộc ấy để giúp bé ngủ tít hơn bằng cách bế bé đi lại, đong đưa nhẹ nhàng, hoặc chân nhún nhảy một chút. Nhiều bé sẽ cảm thấy dễ ngủ hơn với những rung lắc nhịp nhàng và quen thuộc này.