Mẹ chưa có sữa vẫn nên cho trẻ ngậm mút vú, bú hết hoàn toàn một bên vú mới chuyển bên còn lại.
- Bí quyết nuôi con ăn dặm đủ chất của mẹ 4 con Minh Hà với quy tắc "đèn giao thông"
- 4 thực phẩm "siêu hại" khi cho trẻ ăn sáng nhưng nhiều mẹ vẫn thản nhiên cho con ăn khiến bé rước bệnh
Hiện tượng lên sữa sau sinh có thể làm các bà mẹ bị sốt nhẹ trong vài ngày đầu. Quá trình lên sữa non đôi khi diễn ra chậm hơn ở một số người, dễ dẫn đến tâm lý chán nản, suy nghĩ tiêu cực rằng mình không có sữa cho con bú. Thực tế phần lớn chỉ là do việc lên sữa bị chậm.
Nên cho bé ngậm mút vú mẹ, dù thời gian đầu có thể chưa có sữa nhưng sau đó do kích thích từ động tác bú của bé, sữa mẹ sẽ về. Các bà mẹ tạm thời chưa có sữa trong những ngày đầu cần kiên trì cho bé bú vú mẹ để kích thích tạo sữa.
Một số bà mẹ trong quá trình cho bé bú, thấy sữa ở bên vú còn lại chảy ra, vì thấy tiếc nên đổi cho bé từ bú vú bên này sang vú bên kia. Có bà mẹ có thói quen cho con bú đều hai bên vú ở mỗi cữ bú. Tất cả những cách này đều sai. Sữa mẹ từ lúc mới bắt đầu bú đến khi bú sắp hết một bên vú có thành phần rất khác nhau.
Lúc mới bắt đầu bú, thành phần chủ yếu là nước, càng về sau đạm và chất béo càng nhiều. Nếu các bà mẹ chỉ cho bé bú trong giai đoạn đầu mà không cho bú hết hoàn toàn một bên vú, cũng giống như việc chỉ cho bé ăn cơm trắng mà không có thịt cá, thức ăn... Bé sẽ bị thiếu chất và tăng cân không hợp lý. Nên cho bé bú hết hoàn toàn một bên vú, nếu bé vẫn chưa đủ thì cho bú thêm vú còn lại.
Đau vú trong thời kỳ hậu sản thường do căng sữa, các bà mẹ không làm trống bầu vú hoàn toàn sau mỗi cứ bú. Tình trạng căng sữa nếu không chữa trị hợp lý sẽ dẫn đến viêm vú, áp xe vú và các biến chứng nặng hơn. Sau mỗi cữ bú, nếu nhận thấy vú còn sữa, nên vắt ra để vú trống hoàn toàn, bảo quản trong ngăn đông của tủ lạnh để dùng cho bé sau này. Việc vắt sữa làm trống bầu vú không chỉ làm giảm đau vú mà còn kích thích việc tạo sữa để mẹ có nguồn sữa dồi dào hơn.
Lưu ý chăm sóc hàng ngày cho bé sơ sinh
Những ngày đầu sau sinh, mẹ nên tập trung quan sát bé để dễ nhận ra các bất thường một cách sớm nhất. Cần quan sát màu sắc da bé, nếu thấy bé bị tím hoặc vàng da, có tiếng thở bất thường, lồng ngực bị rút lõm cần báo ngay bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
Quan sát các cữ bú, nếu bé bú đủ thường sẽ không quấy khóc, ngủ ngoan từ 2 đến 3 tiếng và tăng cân đều đặn hợp lý. Bé cần phải tăng khoảng một kg mỗi tháng trong 3 tháng đầu tiên.
Quan sát việc tiểu tiện, đại tiện của bé. Trẻ bình thường sẽ đi tiêu phân su trong 24 giờ đầu tiên kể từ sau khi sinh. Nếu quá thời gian này mà bé chưa đi tiêu phân su thì cần báo bác sĩ để được đánh giá và thăm khám tình trạng tắc ruột.
Trẻ sơ sinh dễ bị mất nhiệt vào môi trường dẫn đến hạ thân nhiệt, vì thế cần giữ cho trẻ đủ ấm. Nên chọn cỡ quần áo phù hợp với kích thước của bé, chất liệu dày vừa phải, chú ý dùng nón, bao tay và bao chân cho trẻ. Khi tã ướt, cần thay để tránh làm trẻ bị lạnh. Không nên ủ bé quá mức bằng cách mặc quá nhiều đồ, quấn xung quanh bé 2-3 lớp khăn vì sẽ làm thân nhiệt bé tăng cao, gây khó chịu, bé có thể bị hăm tã, rôm sẩy, nổi mẩn đỏ trên da...
Chăm sóc mắt đúng cách, không nên nhỏ bất cứ thứ gì vào mắt bé nếu không có chỉ định của bác sĩ. Nếu nhỏ dung dịch không hợp lý vào mắt sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, ảnh hưởng đến thị giác sau này. Trẻ bị đỏ mắt, chảy nhiều ghèn cần liên hệ bác sĩ để tư vấn điều trị đúng cách.
Sau khi tắm bé hàng ngày, cần giữ vùng rốn khô ráo, thoáng khí để giúp rốn mau khô và rụng. Không nên băng tã lót lên trên vùng rốn vì có thể gây đè ép, tạo vết hằn trên da bụng bé, làm rốn lâu khô.