Hạt nhựa cứng bít lòng phế quản khiến bé trai 6 tuổi Long An ho sặc liên tục, xẹp nửa lá phổi.
- Mẹo trị đau mắt đỏ nhanh khỏi cho con trong mùa dịch
- Con bị đau mắt không khỏi, mẹ bất ngờ được khuyên: Lè lưỡi liếm lúc sáng sớm chưa đánh răng
Bé trai chơi ném cát với bạn, đột nhiên có cảm giác hít sặc, ho liên tục và khó thở. Gia đình đưa bé từ Cần Đước, Long An đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) hôm 1/12. Bác sĩ xác định bé có hội chứng xâm nhập và tắc nghẽn tại phổi phải. Hình ảnh chụp X-quang ngực không thấy rõ có dị vật lạ.
Tiến sĩ Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết khi xem phim chụp X-quang ông chú ý đến vùng bẫy không khí trong phim. Kết hợp phim CT, bác sĩ xác định có vật thể lạ trong phế quản, dạng hình trụ. Dị vật bít lòng hoàn toàn nhánh phế quản S9 khiến không khí không thể đi qua, gây tắc và xẹp toàn bộ nửa phổi phải.
Các bác sĩ quyết định soi phế quản, gắp được dị vật là một mẩu nhựa cứng khô. "Do dị vật nằm sâu và trơn trợt, lại kẹt bít lòng phế quản đã phù nề, viêm trợt do bị chèn ép nên nội soi gắp dị vật gặp nhiều khó khăn", bác sĩ Nhiên chia sẻ.
Sau khi gắp dị vật thành công, phim chụp X-quang ngực cho thấy dấu hiệu thông khí phổi tốt, tình trạng xẹp phổi bên phải được giải quyết triệt để. Hiện bé đã hồi phục khỏe mạnh.
Bác sĩ Nhiên khuyến cáo, trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào mồm hoặc ném qua lại khi chơi cùng nhau. Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh hoặc sau một trận cười, khóc... Nên thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như hạt đậu phộng, ngô, vỏ tôm, cua...