Theo thống kê tại Việt Nam, mỗi năm có hàng trăm trẻ em đuối nước thương tâm. Đáng chú ý, các vụ việc thường xảy ra vào mùa Hè và đa số đều đã được cảnh báo.
- Vụ hai anh em ruột đuối nước dưới kênh trước nhà ở TP.HCM: Bà ngoại khóc nghẹn, hé lộ lời nói cuối cùng của cháu trai trước khi gặp nạn
- Đám tang 2 anh em ruột đuối nước dưới kênh ở TP.HCM: Gia đình cả đêm không ngủ, mẹ liên tục ngất xỉu, cha chết lặng bên hai chiếc quan tài nhỏ đặt trước nhà
Liên tiếp xảy ra đuối nước thương tâm
Mới đây, tại Nam Định và Thanh Hóa vừa xảy ra hai vụ đuối nước, nạn nhân đều là các cháu hóc sinh, đã để lại biết bao nỗi đau và mối lo không chỉ của riêng gia đình mà là của toàn xã hội.
Gần đây nhất, hôm 17/5, tại khu vực bãi biển Hải Thanh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, xảy ra vụ đuối nước thương tâm, hai bé trai (SN 2009 và 2012) là anh em ruột.
Thông tin cho hay, trước khi xảy ra tai nạn, hai cháu đá bóng cùng nhau ở bãi biển, sau đó quả bóng bay ra phía nước ngập, một trong hai cháu chạy ra lấy quả bóng. Thấy anh em của mình bị trượt chân, cháu thứ hai cũng với ra cứu nhưng không may cùng bị đuối nước.
Cùng ngày, khoảng 14h00 ngày 17/5, một nhóm khoảng 15 học sinh ra bãi biển thuộc địa bàn xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định chơi.
Trong nhóm có khoảng 3 em xuống biển tắm, một lúc sau bị sóng cuốn trôi, người dân gần đó đã cứu được 2 em còn 1 em bị nước cuốn đi không tìm thấy.
Theo ông Tư (người dân sống cạnh bãi biển), ngày hôm đó nước biển lên rất cao, gió rất mạnh, rất đông các cháu học sinh ra tắm biển.
“Có những cháu tắm ra xa tôi đã ra đuổi vào gần bờ, một lúc sau thì có một nhóm cháu lấy được tấm xốp rồi mang ra mom biển, chỗ đấy có vòng xoáy. Sau đó, thấy 3 cháu gặp nguy hiểm, người dân đã bơi ra kéo được 2 cháu vào bờ, còn một cháu thì không thấy đâu nữa.
Khi đưa được 2 cháu vào bờ, các cháu liền bỏ chạy, chúng tôi giữ lại hỏi thì được biết các cháu ở xã Hải Hưng ra ngoài này chơi”, ông Tư cho hay.
Trên đây chỉ là hai vụ điển hình gần đây cho thấy, khi trẻ đang ở độ tuổi hiếu kỳ, các phụ huynh cũng cần phải quan tâm cho các con học kỹ năng, phòng chống đuối nước.
"Cha mẹ không nên chủ quan, có những gia đình ở thành phố cứ nghĩ rằng con mình ít khi tiếp xúc với sông nước nên bỏ qua môn bơi lội...hoặc cũng không mấy quan tâm các tư liệu tuyên truyền về phòng chống đuối nước", một chuyên gia chia sẻ.
Trẻ cần phải được giám sát
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Công văn số 1562/BGDĐT-GDTC về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh dịp Hè 2022, yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh; chủ động phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc tổ chức quản lý, giám sát, hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tăng cường rà soát, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo kịp thời; tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước cho các em trong dịp Hè. Tổ chức tốt việc bàn giao trẻ em, học sinh về gia đình, địa phương trước khi nghỉ Hè…
Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực phòng chống đuối nước và dạy bơi, cứu đuối an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em, học sinh; Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống đuối nước tại các nhà trường, cơ sở giáo dục, các đơn vị thuộc phạm vi quản lý và có biện pháp xử lý đối với các đơn vị, cá nhân không thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống đuối nước trẻ em, học sinh.
Ngoài ra, về phía gia đình, cha mẹ, người giám sát trẻ cần hướng dẫn và xác định những yếu tố nguy cơ đuối nước cho trẻ như những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho trẻ (giếng, ao hồ, sông suối...); xây dựng các rào chắn bằng tre, gỗ, đậy nắp an toàn ngăn trẻ tiếp cận các nguồn nước mở… Để bảo vệ trẻ khỏi tai nạn đuối nước, trẻ cần được giám sát bởi cha mẹ, người lớn.