Liên quan đến vụ bé Thái Lý Hạo Nam rơi xuống cọc bê tông sâu 35m vào cuối ngày 17/1, lực lượng cứu hộ tiếp tục nỗ lực đưa 2 đoạn còn lại của cọc bê tông lên mặt đất.
- Nghi ngờ vợ ngoại tình, chồng dùng dao chém hàng xóm nhập viện
- Thương tâm 2 mẹ con tử vong dưới giếng nước ở Nghệ An
Theo thông tin từ báo Tin Tức cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp (đơn vị được UBND tỉnh giao trách nhiệm cung cấp thông tin vụ bé Hạo Nam), lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bê tông lên mặt đất vào hôm qua (ngày 16/1). Đến 10 giờ ngày 17/1, lực lượng cứu hộ đã đào đất đến độ sâu 27m so với đầu cọc bê tông. Quá trình đào, lực lượng cứu hộ có sử dụng dung dịch bentonite để giữ ổn định cho thành vách, chống sạt lở, đồng thời tiến hành gia công hệ khung đỡ, hàn nối 2 đoạn ống vách D2100, mỗi đoạn ống dài 12m, đường kính 2,1m.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cho hay, lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục cố gắng dùng gàu cạp để cạp và đưa đất lên. Đến 16 giờ ngày 17/1, Tổ Điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình cầu Rọc Sen thực hiện hạ ống vách D2100 dài 24m (gồm 2 đoạn ống hàn nối lại với nhau) xuống để bao quanh cọc bê tông có nạn nhân nhằm đề phòng bị sạt lở đất và bảo đảm an toàn cho công tác cứu hộ.
Tiểu đoàn 4 thuộc Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) là một trong những lực lượng đang tham gia làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn bé Hạo Nam. Chiều 17/1, thông tin từ lãnh đạo Tiểu đoàn 4 cho biết, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của đơn vị đã chuẩn bị xong quân số, phương tiện, trang bị để sẵn sàng thực hiện công đoạn cuối cùng đưa thi thể bé Hạo Nam lên mặt đất.
Cụ thể, lực lượng cứu hộ của đơn vị đang triển khai hệ thống ống nước để chuẩn bị bơm nước từ hố lên và chuẩn bị lực lượng, phương tiện tham gia rút và đưa đoạn bê tông thứ hai, thứ ba lên trên mặt đất.
Tại hiện trường, ngoài các thiết bị phục vụ công tác cứu hộ chuyên dụng của Quân đội, còn có có các phương tiện khác gồm: 2 chiếc xe cẩu 50 tấn, trong đó 1 chiếc để chuyển trang thiết bị và 1 chiếc dùng để đóng trụ; 1 chiếc xe cẩu 80 tấn dùng để gắn gàu cạp đất; 2 máy kobe dùng gắn búa rung đóng cừ laser và dùng đào đất, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, còn có các phương tiện, thiết bị hỗ trợ khác như máy phát điện, máy hàn, thiết bị bơm nước áp lực cao…
Trước đó như Báo Giao thông thông tin, khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình) để nhặt sắt vụn.
Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống ống cọc bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m). Phát hiện sự việc, các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành.
Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án để cứu bé trai. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm người tham gia cứu hộ. Sau nhiều ngày cứu nạn, tối 4/1, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xác định bé Hạo Nam đã tử vong.
Các chuyên gia lý giải, sở dĩ việc kéo ống cọc bê tông lên gặp khó khăn bởi ống cọc này có chiều dài 35m được nối bởi 3 ống cọc ngắn với 2 mối nối bằng hàn. Các mối nối này có thể chịu lực đóng xuống tốt, nhưng chưa hẳn chịu lực kéo lên tốt. Nếu việc kéo lên không cẩn trọng có thể làm đứt gãy mối nối khiến việc cứu nạn còn khó khăn hơn rất nhiều lần.
Địa chất đất sét cứng tại vị trí xây cầu Rọc Sen khiến lực lượng chức năng phải huy động nhiều thiết bị chuyên dụng như cẩu 80 tấn, búa rung 180kV...từ nơi khác đến mất nhiều thời gian.