Về quê ăn Tết: Trăm nỗi lo của người con xa quê

Xã hội 10/01/2023 16:10

Trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết, sinh viên hay nhiều công nhân nghèo xa quê lại thêm một lần trăn trở: Về quê sum họp hay ở lại thành phố làm thêm.

Mỗi độ Tết đến xuân về, dường như trong tâm thức của những người con xa quê, xa xứ luôn mong chờ ngày sum họp, đoàn tụ gia đình. Nhưng đâu phải ai cũng đều thỏa nguyện, nhất là với những bạn sinh viên con em gia đình nghèo.

Kẻ ở, người về

Khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2022 dần rơi xuống cũng là lúc nhiều sinh viên nghèo xa quê học tập tại tỉnh Thừa Thiên Huế mong ngóng ngày về quê ăn tết cùng gia đình. Bạn Trần Thị Nga, sinh viên năm 1 khoa Mầm Non trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) thành thật bộc lộ hết nỗi niềm về lý do phải ở lại đón Tết nơi đất khách quê người.

Về quê ăn Tết: Trăm nỗi lo của người con xa quê - Ảnh 1
Sinh viên Nguyễn Thị Nga xin làm phục vụ tại một quán cà phê để kiếm thêm thu nhập trang trải việc học hành

“Quê em ở mãi tận huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), một vùng quê nông thôn miền biển. Mỗi lần về quê ăn Tết và vào lại trường là phải mất gần triệu bạc tiền tàu, xe. Mà nhà em thì khó khăn lắm, mấy năm trước, mỗi lần về Tết, nhìn bố mẹ em chạy vạy lo cho em tiền tàu xe, rồi tiền ăn học… em không cầm lòng được. Nên năm nay em quyết định ở lại trường đón Tết”, Nga cho biết.

Nga cũng cho hay, em không về Tết cũng chỉ vì điều kiện nhà khó khăn quá, chứ tết nhất thấy mọi người sum vầy bên người thân, em cũng tủi thân, nhớ nhà lắm. Trong thời gian nghỉ Tết sẽ tìm một việc làm thích hợp với khả năng để vừa có tiền tiêu Tết vừa để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Nữ sinh viên Nguyễn Thị Thanh Trúc (quê Nghệ An, Trường Đại học Du lịch Huế) cũng chia sẻ: “Với riêng em, Tết Qúy Mão này rất đặc biệt. Trong năm nay nhà em đã trãi qua rất nhiều biến cố. Em đã mong chờ rất lâu để đến tết, được về nhà là về nơi ấm áp nhất, bình yên nhất, để xoa dịu nỗi đau mất mát trong năm qua. Em nghĩ những người con xa quê sẽ trân quý cái tết này hơn. Ai cũng mong muốn được về quây quần bên gia đình sau một năm vất vả”.

Trong khi có những sinh viên hào hứng trở về quê đón Tết cùng gia đình thì cũng có không ít người quyết định ở lại Thừa Thiên Huế để làm việc kiếm tiền dịp tết, hoặc đón tết cùng với các bệnh nhân trong bệnh viện.

Chỉ riêng tại Bệnh viện Trường Đại Học Y dược Huế trong những ngày tết ít nhất mỗi ngày có 20 sinh viên năm thứ 4 (ngành điều dưỡng) và năm thứ 5 (ngành bác sĩ đa khoa) trực tại các khoa, phòng của bệnh viện. Đó là chưa nói rất nhiều sinh viên khác do chương trình học tập nên cũng phải ở lại trực và chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Tung ương Huế.

“Dĩ nhiên không được ăn tết bên gia đình là chuyện buồn, nhưng do đặc thù của sinh viên ngành y nên tụi mình đành theo lịch nhà trường phân công thôi. Đây là lần đầu mình trực tết, nhưng nghe mấy anh chị đi trước nói thì ăn tết ở bệnh viện cũng có những cái hay riêng” – Bảo Thái, một sinh vên quê ở Quảng Nam đang học bác sĩ đa khoa tâm sự.

Về hay ở lại?

Mong mỏi cùng gia đình đón tết, anh chị em sum vầy bên bố mẹ mấy ngày tết là nhu cầu tự nhiên và ước muốn bình dị của bất cứ con người nào. Thế nhưng tùy hoàn cảnh cụ thể của từng người mà ước mơ ấy có thành hiện thực hay không.

Đã 4 năm rồi, vợ chồng chị Hồng cùng gia đình chưa về quê ở Hải Dương đón Tết cùng người thân, đứa con gái 6 tuổi lúc nào cũng nhắc ông bà và muốn được về thăm quê. Ngày thường thì 2 vợ chồng đi làm, bé đi học, chỉ có mấy ngày Tết là cả gia đình mới có thời gian, thế nhưng vấn đề tài chính khiến chị băn khoăn không biết nên về hay ở.

“Về tết thì ai chẳng muốn nhưng trước mắt là đã thấy tốn một mớ nào tiền vé xe, vé tàu, rồi chi phí đi lại, quà cáp, còn chưa kể tiền mừng tuổi bà con họ hàng nữa. Về có mấy ngày có khi cả gia đình tốn mấy chục triệu chứ ít gì”, chị Nguyễn Thị Hồng - công nhân nhà máy gạch Ba Sao (Thừa Thiên Huế) chia sẻ.

Về quê ăn Tết: Trăm nỗi lo của người con xa quê - Ảnh 2
Công nhân nhà máy gạch Nguyễn Thị Hồng quyết định không về quê ăn Tết để tiết kệm chi phí

Chung nỗi lo về chi phí về quê ăn tết nhưng vợ chồng anh Cường - công nhân may tại KCN Phú Bài, Thừa Thiên Huế vẫn quyết định sẽ đưa 2 con về Quãng Ngãi thăm ông bà nội dịp Tết Qúy Mão này. Anh Cường cho rằng, một năm mới được mấy ngày Tết, biết là tốn kém nhưng ở trên này không có họ hàng gì cả, về quê ăn Tết cùng gia đình vẫn hơn.

Những người có quê nội và ngoại gần nhau thì thật may mắn, một lần về quê có thể sang thăm được luôn 2 họ. Nhưng với những gia đình có ông bà nội, ngoại ở hai nơi xa nhau như gia đình chị Lài - KCN Phú Bài, Thừa Thiên Huế việc về quê đón Tết là nỗi trăn trở lớn.

“Cứ đến gần tết 2 vợ chồng lại xảy ra mâu thuẫn, ai cũng muốn về thăm cha mẹ ngày Tết nhưng giờ nội ngoại ở xa nhau quá không có thời gian để đi, có đi thì cũng làm gì đủ tiền để mà về thăm hết được”, chồng chị Lài ngậm ngùi chia sẻ.

Câu chuyện về quê ăn Tết của những người đi xa xứ trên thực tế không hề lý tưởng hay dễ dàng. Không phải ai cũng có đủ tiền để có thể thực hiện được một cái Tết ở quê trọn vẹn. Số tiền tiết kiệm cả năm của chị Lài chỉ đủ tiền đi máy bay. Do vậy, để có thể mang được ít tiền về Tết cho bố mẹ thay vì đi máy bay cho nhanh, đi tàu cho an toàn, họ chọn xe khách với bao nỗi âu lo về quá tải và mất an toàn.

Sức nóng ngày chung kết tranh ngôi vô địch của giải THPT Hà Nội - An ninh Thủ đô lần thứ XXI

Sau hơn một tháng tranh tài, mùa giải bóng đá THPT Hà Nội - An ninh Thủ đô lần thứ XXI đã bước vào trận chung kết hômy 08/01/2023 vừa qua. Hai đội tuyển đến từ Trường THPT Thạch Thất và Trường THPT Phan Huy Chú đã tạo nên không khí thi đấu vô cùng sôi nổi, quyết liệt trên sân vận động Trung tâm TDTT quận Hoàng Mai.

TIN MỚI NHẤT