Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho biết chị chưa bao giờ bày tỏ quan điểm bênh vực “dì ghẻ” như nhiều người vẫn nghĩ. Chuyên gia giáo dục cũng khẳng định mình chưa bao giờ nói người “dì ghẻ” này vô tội.
- Chuyên gia giáo dục toàn cầu 'bênh vực' dì ghẻ, người thân của bé gái 8 tuổi phẫn nộ: 'Tư duy lệch lạc!'
- Lên tiếng vụ dì ghẻ bạo hành 'con chồng', chuyên gia giáo dục toàn cầu bị chỉ trích nặng nề, 'đanh thép' trần tình, nhờ pháp luật can thiệp
Vừa qua, MXH không khỏi tranh cãi trước việc chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên khi có cô có những lý giải về vụ bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ bạo hành.
Cụ thể, chuyên gia giáo dục viết: “Trong cơn cuồng nộ của xã hội đòi tử hình dì ghẻ tôi chợt thấy thương lẫn trách cha mẹ của cô ấy. Ở tuổi này làm gì đã biết dạy con mà lại phải nuôi dạy đứa trẻ không phải con ruột của mình. Chính vì áp lực ấy cô lúc nào cũng như lên cơn điên với em bé. Khi hành xử trong cơn điên người ta không thể kiểm soát được hành vi”
“Cô dì ghẻ không hề nghĩ mình đang làm sai mà chỉ nghĩ mình làm đúng. Cô cũng giống như nhiều cha mẹ ruột khác từng cho rằng phải đánh trẻ thì mới dạy được. Trong lúc đánh cô như một con thú. Đây là trạng thái mất kiểm soát của nhiều người lớn khi đánh con mình” - chị Quyên bày tỏ quan điểm.
Sau khi bài viết được đăng tải, chị Quyên nhận phải ý kiến trái chiều lớn vì bị cho là "bênh vực" Quỳnh Trang. Trả lời với Doanh nghiệp và Tiếp thị, chuyên gia giáo dục Diễm Quyên đã chính thức lên tiếng và có những phần trần về việc này.
Chuyên gia Diễm Quyên nói: “Lúc đầu, tôi đọc thông tin biết Quỳnh Trang sinh năm 1995, tôi đã hơi bất ngờ vì cô ta còn trẻ quá. Người được chăm sóc, chiều chuộng, ăn chơi cô ta khó có đủ bản năng của một người mẹ. Bởi, Trang sẽ sống chỉ cho bản thân của cô ta.
Tôi là một người làm giáo dục. Vì vậy, tôi đã bình luận vấn đề xã hội này trên quan điểm, nhìn nhận trách nhiệm của giáo dục. Theo tôi, người ta sử dụng bạo lực khi thất bại, không có kĩ năng, giải pháp để giải quyết vấn đề.
Vì Quỳnh Trang không biết cách dạy dỗ nên cô ta mới đánh con. Tôi nhìn thấy biểu hiện cuộc sống của Trang có thể thấy cô ấy được cưng chiều từ nhỏ. Những người như vậy, họ muốn làm gì sẽ làm ngay, và chỉ làm theo bản năng. Họ không trì hoãn hành động của mình để tư duy, suy nghĩ, cân nhắc hay phản biện. Đây là một trường hợp bị thiếu giáo dục.
Nếu tôi bênh vực Trang, tôi đã nói cô ta không có tội. Còn đằng này, tôi đang lý giải hành vi phạm tội của Quỳnh Trang dưới góc độ giáo dục. Cô ta không tìm được giải pháp. Nhiều người nói rằng đó là do bản chất, tôi nghĩ ai cũng có bản chất xấu trong người. Tuy nhiên, nếu có biện pháp, kỹ năng để kiểm soát hành vi, mọi chuyện sẽ khác".
Chuyên gia giáo dục Diễm Quyên cũng cho biết thời gian qua chị đã phải chịu rất nhiều lời chỉ trích, mỗi giờ trôi qua, chị đã phải nhận hàng trăm tin nhắn chửi bới: “Tôi viết bài viết này khi đang mắc Covid-19. Có thể, ý tứ của bài còn loanh quanh, hơi lộn xộn, tuy nhiên tôi đã không sửa. Thông thường, bài viết trên trang của tôi chỉ có người thân, bạn bè vào tương tác. Chính tôi cũng bất ngờ khi bài viết lần này lại gây tranh cãi, bị bóp méo nhiều đến như vậy. Họ cắt đoạn đầu của bài viết và tung lên mạng xã hội, bóp méo rằng tôi đang bênh vực Quỳnh Trang.
Cứ mỗi giờ trôi qua, tôi nhận được hàng trăm tin nhắn chửi bới thô tục, thóa mạ, đòi giết con tôi, làm hại gia đình. Mọi người nhân danh tình thương tại sao lại đòi đi giết người khác? Nếu tinh thần tôi không vững vàng, tôi nghĩ tôi đã đổ gục từ giây phút đó.
Tôi nghĩ, việc người ta bức xúc vì một vấn đề xã hội đáng lên án là tốt, người ta thờ ơ với thời cuộc mới đáng sợ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải ý kiến một cách có thông tin, có kiểm chứng.
Cuối cùng, chuyên gia giáo dục Diễm Quyên gửi lời khuyên đến bậc cha mẹ thông qua vụ bạo hành bé 8 tuổi: “Đánh đập, bạo hành trẻ không bao giờ mang đến kết quả tốt đẹp. Bởi, đứa trẻ đó sẽ bị tổn thương tinh thần, thể xác khiến khoảng cách giữa các em và bố mẹ sẽ xa ra. Sự chỉ trích cũng không làm cho trẻ tốt hơn được. Nó chỉ là tác động khiến trẻ sợ hãi tức thì, sau đó trẻ sẽ phản ứng lại. Việc tập trung vào việc chạy điểm hoàn toàn không có ích cho tương lai của trẻ. Nếu bắt một đứa trẻ học mười mấy tiếng một ngày là vô cùng phản khoa học. Trẻ tuổi học nên được vừa học, vừa chơi. Để con tiếp thu tốt, bố mẹ nên khuyến khích hành vi tốt của con” - chuyên gia giáo dục chia sẻ.
Ảnh: Tổng hợp, Internet