Bệnh nhân tiêm tan mỡ nọng cằm giá 2,5 triệu đồng một lần, không rõ hoạt chất tiêm, với mong muốn cằm thon gọn hơn.
- Tạm giữ người phụ nữ tiêm filler khiến cô gái trẻ tử vong ở TP.HCM: Hé lộ chốt giá nâng ngực chỉ 10 triệu đồng
- Cô gái trẻ tử vong sau tiêm filler nâng ngực ở TP.HCM: 'Bi kịch' từ những lời quảng cáo mỹ miều
Theo thông tin từ Người Lao Động, chiều 3/6, Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc (TP HCM) cho hay vừa phẫu thuật khẩn cứu nữ giáo viên N.T.N (34 tuổi, ở Đồng Nai) bị biến chứng nặng nề sau 8 lần tiêm chất tan mỡ không rõ loại. Chị N. đến cầu cứu trong tình trạng "có 3 chiếc cằm" dưới cổ với khối áp xe khổng lồ.
Trước đó, chị N. nghe mời chào tiêm tan mỡ nọng cằm cho đẹp với giá 2,5 triệu/lần và đã tiêm 8 lần. Ở lần tiêm cuối cùng, chị có triệu chứng nóng rát, vùng cằm nổi cục lợn cợn. Người tiêm giải thích là mỡ đang gom lại sau đó sẽ tan ra.
Tuy nhiên, tình trạng ngày càng nặng hơn, vùng cằm sưng đỏ tím, hình thành những khối u lớn, đau nhức dữ dội. Chị được nhiều nơi xác định bị áp xe nhưng điều trị không có kết quả và "ôm" nỗi khốn khổ đau đớn này suốt hơn 3 tháng qua.
Liên quan tới trường hợp trên, dẫn tin từ VnExpress, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW, cho biết khối áp xe lớn đã lan tỏa rộng khắp vùng cổ, ăn sâu len lỏi vào các mô cơ. Bệnh nhân được mổ khẩn cấp để nạo rửa sạch khối áp xe, dùng kháng sinh mạnh để loại bỏ chất nhiễm trùng. Đồng thời, bác sĩ kết hợp đặt máy VAC để loại bỏ 80-90% dịch mủ.
Theo bác sĩ Dung, thời gian qua bệnh viện xử lý nhiều trường hợp biến chứng, hoại tử do tiêm tan mỡ tại các cơ sở không uy tín. Điểm chung là bệnh nhân đều tin vào những lời quảng cáo có cánh của các cơ sở về hiệu quả của "thần dược" tiêm tan mỡ như "thon gọn sau một liệu trình", "dáng chuẩn sau một lần tiêm", "tan mỡ không cần phẫu thuật"...
Gần đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân 25 tuổi biến chứng tiêm tan mỡ tại Campuchia. Bác sĩ phải mổ để nạo hút toàn bộ dịch mủ đang tích tụ trong cổ và cằm. Ổ dịch nằm gần động mạch cảnh và tĩnh mạch cảnh nên ê kíp hết sức tỉ mỉ trong quá trình giải phẫu vì rất dễ xảy ra rủi ro.
Đến nay, Việt Nam chưa cấp phép tiêm giảm béo cho bất kỳ thuốc nào. Bác sĩ Tú Dung khuyến cáo không tiêm các chất bị Bộ Y tế cấm. Đặc biệt, không tiêm các hoạt chất trôi nổi, không an toàn vì có thể gây áp xe, hoại tử. Không thực hiện dịch vụ bởi những người không phải bác sĩ, chưa có chứng chỉ hành nghề. Cơ sở thực hiện phải đảm bảo yếu tố vô trùng, vô khuẩn, được cấp phép hoạt động.