Bằng tất cả nỗ lực của các cơ quan chức năng và lực lượng cứu hộ sau 21 ngày, sự ngóng trông của gia đình, làng xóm, Hạo Nam đã trở về yên nghỉ vẹn nguyên trong lòng cha mẹ.
- Lý giải việc thi thể bé Hạo Nam đưa lên vẫn nguyên vẹn sau hơn 20 ngày dưới mặt đất
- Lý giải việc chưa thể đưa được thi thể bé Hạo Nam lên mặt đất vào tối ngày 19/1
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, vào khoảng 3 giờ ngày 20/1, bé Hạo Nam được đưa về nhà, "chào" cha mẹ, em gái và người thân rồi nhanh chóng được đưa đi chôn cất. Tạm thời, chiếc bàn hương khói cho Hạo Nam cũng chính là chiếc bàn học hằng ngày của em.
Người mẹ Nguyễn Thị Mỹ Linh đã gắng gượng nuốt bao nhiêu nước mắt thì đến hôm nay bà nấc nghẹn thành từng tiếng dài rưng rức. Khi thấy quan tài chứa thi thể con, thân thể gầy còm của người mẹ một lần nữa ngã quỵ.
Còn người cha Thái Văn Tấn Tài đứng trong cửa buồng nhìn con qua tấm vải màn cửa mỏng manh. Hết đứng rồi ngồi, cuối cùng ông ngồi tựa vào cái tủ kiếng trong nhà, ngồi cách xa một mét, lặng lẽ nhìn con.
Một trong những lần cuối cùng vào hiện trường chờ đưa thi thể con lên, ông Tài từng bày tỏ mong muốn "dù như thế nào, tôi cũng phải nhìn thấy được con (Hạo Nam - con trai ông)".
Còn bà Mỹ Linh trước đó cũng chia sẻ: "Giá nào cũng phải đợi con về nhà, con về thì nhà mới có Tết".
Ông Đoàn Tấn Bửu cho biết, thi thể Hạo Nam được đưa lên nguyên vẹn trong tình trạng đất bao xung quanh trong một ống kín. Vì bé ở trong môi trường yếm khí nên quá trình phân hủy thi thể chậm hơn so với thông thường. Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan điều tra và cơ quan pháp y, nhận định sơ bộ thì nguyên nhân tử vong là bé bị đa chấn thương do va chạm vào thành vách cứng và bị rơi vào môi trường nước.
Sau khi Hạo Nam được đưa về nhà, ông Đoàn Tấn Bửu (Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp), Huỳnh Minh Tuấn (Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp), ông Cao Thanh Xuân (Bí thư Huyện ủy Thanh Bình) và ông Nguyễn Cư Trinh (Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp) đã đến chia buồn cùng gia đình và thắp nhang cho Hạo Nam.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, lực lượng cứu hộ tại hiện trường sau nhiều ngày ròng rã cũng thấm mệt, sau khi đưa được Hạo Nam lên ai nấy cũng thở phào nhẹ nhõm. Hai chiến sĩ của Đội cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ tỉnh Đồng Tháp là những người trực tiếp đeo bình oxy tiếp cận trong lồng ống vách thép D2100 để dùng các biện pháp nghiệp vụ đưa cháu bé từ lòng trụ bê tông ra bên ngoài.
Tại hiện trường, tất cả mọi người vỡ òa cảm xúc khi biết được giây phút đã đưa được Hạo Nam ra ngoài. Lực lượng cứu hộ vừa thu dọn hiện trường vừa ăn vội cái bánh, uống chai nước rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Ngoài ra, theo thông tin từ Zing, ông Đào Tấn Bửu cho biết sẽ xem xét đến trách nhiệm cơ quan chuyên môn liên quan đến sự cố công trình, tiến hành giải quyết cho phù hợp với quy định của luật pháp.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định khi để xảy ra tai nạn của bé Hạo Nam, trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công. Trong thời gian nhóm bé Hạo Nam vào công trình, đơn vị thi công có tiến hành che chắn, căng rào, gắn cảnh báo, đồng thời cử người quan sát. Tuy nhiên, theo ông Bửu, "đây là trường hợp hy hữu, bé Nam đi vào thời điểm có khe kẽ trong công trình, không ai phát hiện được".
Trong trường hợp công trình cầu Rọc Sen thi công trở lại, tỉnh Đồng Tháp cam kết sẽ đảm bảo khâu an toàn trong suốt quá trình.