Sắp tới, học sinh có thể mượn sách giáo khoa từ thư viện trường?

Xã hội 09/08/2022 13:28

Học sinh khó khăn có thể được mượn sách giáo khoa để sử dụng, giảm bớt khó khăn trên con đường đến trường của các em.

Trong cuộc họp thường kỳ mới đây nhất của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sắp tới sẽ tính phương án dùng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn.

Đây là đề xuất của Bộ GD&ĐT từ cuối tháng 6/2022, nhằm hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành chỉ thị đề nghị các địa phương tuyên truyền tới giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa, không viết, vẽ vào sách để sử dụng lâu bền.

Bộ cũng yêu cầu các trường bố trí kinh phí hợp lý mua sách cho thư viện để học sinh mượn; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách cũ cho các khóa sau sử dụng.

Trước những lùm xùm về giá sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định. Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được thông qua chiều 16/6 nêu sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật giá.

 Sắp tới, học sinh có thể mượn sách giáo khoa từ thư viện trường? - Ảnh 1

Sắp tới, học sinh có thể mượn sách giáo khoa từ thư viện trường.

Từ năm học 2020-2021, cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, bắt đầu từ học sinh lớp 1. Năm 2021, chương trình triển khai với lớp 2 và 6, sau đó là ba lớp 3, 7, 10 (năm 2022), 4, 8 và 11 (2023), cuối cùng là 5, 9, 12 (2024).

Đi kèm với chương trình, sách giáo khoa mới cũng được thiết kế và đưa vào sử dụng. Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai "một chương trình, nhiều sách giáo khoa". Các bộ sách giáo khoa theo chương trình mới được ghi nhận là giá cao hơn các bộ sách hiện hành, gây khó khăn cho các học sinh nghèo. 

Do đó, nếu có thể dùng ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa cho thư viện các nhà trường, từ đó cho học sinh nghèo mượn sẽ giảm bớt khó khăn trên con đường đến trường của các em.

Điều chỉnh mới nhất chương trình lớp 10, 11, 12: Học sinh học 8 môn bắt buộc, 4 môn tự chọn

Môn học Lịch sử từ môn học lựa chọn được bổ sung vào nhóm môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

TIN MỚI NHẤT