Chiều 25/12, trên trang facebook cá nhân, PGS.TS Bùi Hiền đã quyết định công bố bài nghiên cứu hoàn chỉnh về đề xuất cải tiến tiếng Việt sớm hơn so với dự định và nó lại tiếp tục tạo ra tranh cãi.
Phần 2 của đề xuất cải tiến: W đọc thành "Ngờ", X đọc là "Khờ"
Trong khi dư luận vẫn chưa hết xôn xao về phần đầu của nghiên cứu cải tiến tiếng Việt trước đây, PGS.TS Bùi Hiền mới đây đã quyết định công bố phần 2 sớm hơn dự định.
Công trình này được xem là thành quả 40 năm qua của tác giả dù nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Ban đầu ông dự tính sẽ trình tác phẩm hoàn chỉnh tại hội thảo khoa học tháng 3/2018. Tuy nhiên chiều 25/12 trên trang facebook cá nhân, PGS.TS Bùi Hiền đã đăng tải những hình ảnh đầu tiên về công trình.
Toàn bộ đề xuất cải tiến tiếng Việt dài 16 trang, gồm hai phần: nguyên âm và phụ âm. Phần thứ nhất được cư dân mạng truyền tay hồi đầu tháng 12 chỉ mới đề cập đến cải tiến hệ thống phụ âm. Lần này, PSG.TS Bùi Hiền hoàn thiện về phần nguyên âm của tiếng Việt, tất cả đều trên nguyên tắc "một âm - một ký tự".
PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông
Thưa PGS.TS Bùi Hiền, tại sao ông lại quyết định công bố phần 2 công trình nghiên cứu cải tiến tiếng Việt dù lần công bố đầu tiên đã bị nhiều người phản đối?
Bởi công trình của tôi chưa xong thì tôi phải làm nốt chứ, tại sao lại bỏ dở. Cá nhân tôi không bị ảnh hưởng gì cả. Công việc này tôi đã theo đuổi cả 40 chục năm, sẽ chẳng vì mấy hòn đá mà tôi bỏ. Hơn nữa tôi thấy mục đích, lợi ích của công việc mà tôi làm. Đây hoàn toàn là chính đáng chứ không phải là làm chơi, làm cho có.
Tôi mong muốn đơn giản hóa chữ viết Quốc ngữ mà cho đến bây giờ, chúng ta là những người lớn vẫn còn phạm nhiều lỗi.
Vậy phần 2 này ông đề xuất cải tiến bảng chữ cái như thế nào?
Sau khi xác định xong hai hệ thống âm vị nguyên âm và phụ âm mới, tôi đã đưa ra toàn bảng chữ cái gồm 33 đơn vị. Theo đó, bảng chữ cái mới vẫn giữ nguyên trật tự a - b - c cũ, những chữ cái in đậm để lưu ý rằng đó là những chữ đã mang giá trị âm vị mới (đọc kiểu cải tiến) thay cho những chữ cái đọc theo bảng chữ quốc ngữ cũ.
Tôi đề xuất một số chữ cái sẽ hoàn toàn thay đổi về cách đọc như c (chờ), d (đờ), f (phờ), j (giờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ). Tại sao một âm "chờ" lại vừa là "Ch", "ch", "Tr", "tr" (theo tiếng Hà Nội). Đặc trưng của tiếng Việt thì 1 âm (chờ) chỉ 1 ký tự thôi, không thể 2, 3 ký tự như trên được. Thành ra bây giờ "tiếq Việt" sẽ thành "tiếw Việt".
Trong tiếng Việt hiện hành thường tồn tại 2, 3 ký tự chỉ 1 âm (k và c cùng là âm "cờ"), 1 âm 2, 3 ký tự (âm "chờ" gồm "ch", "tr"). Như vậy rất khó để sử dụng mà tiếng Việt thì không phải như thế, hoàn toàn "một âm - một ký tự".
Tôi làm theo phương pháp hệ thống nên tôi nhìn toàn bộ hệ ngữ âm, phụ âm, nguyên âm. Lúc đó mới nhận ra được chỗ hợp lý, chỗ bất hợp lý và bắt đầu sắp xếp lại. Và tôi phát hiện ra, tiếng Việt làm như thế này là gọn nhất, nhẹ nhất, tiện ích nhất! Việc cải tiến lần này chính là để hướng tới tiếp tục nâng cao hiệu quả của bộ chứ Latinh trong giai đoạn phát triển và hội nhập vào cuộc cách mạng 4.0.
Nhiều người cho rằng với bảng chữ cái mới sẽ không biết đọc như thế nào, PGS.TS có thể giải thích về điều này được không?
Công trình nghiên cứu cải tiến chữ Quốc ngữ chỉ nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành dựa trên hệ thống ngữ âm chứ không hề tác động vào hệ thống âm. Điều này nghĩa là tiếng nói sẽ chẳng bị thay đổi gì, mọi người vẫn đọc như thường dựa vào quy tắc tôi vừa nêu trên.
Chẳng hạn như: "Kuộk sốw" gồm kí tự k (cờ), w (ngờ), các bạn ghép lại thì vẫn đọc là cuộc sống thôi.
"Tôi tin vào tính khả thi của nó, mọi người có ứng dụng hay không thì tùy"
Thưa ông, vì sao lần này ông chọn công bố qua facebook cá nhân mà không phải trong Hội thảo?
Hồi tháng 9 tôi giới thiệu phần đầu công trình là mang tính chất nội bộ ở kỷ yếu hội thảo khoa học tại Quy Nhơn. Nhiều người thấy hay nên đã đưa tin và chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Nhưng đó chỉ mới là... một trang, một phần trong tổng thể bài nghiên cứu. Bởi vậy bạn đọc không thể hiểu được, không thể chấp nhận nên đã quay vào "ném đá" tôi thậm tệ.
Tuy nhiên bây giờ, tôi hoàn toàn công khai! Tự tay tôi đã đăng tải lên trang facebook cá nhân để bạn bè tôi là những nhà nghiên cứu cùng đóng góp ý kiến. Tôi mời họ cùng xem, cùng thảo luận để tôi sửa. Hiện nay chưa có ý kiến đóng góp sâu, người ta chỉ đọc và rất hoan nghênh ý tưởng. Còn với các nhà khoa học, chỉ khi công trình được đăng trên tạp chí thì lúc bấy giờ họ mới có cơ sở để phát biểu. Trải qua nhiều lần họp, phản bác, Hội đồng khoa học nếu đồng ý mới tiến hành đưa bài nghiên cứu kiến nghị Chính phủ, Nhà nước.
Vậy nếu công trình không được chấp nhận, ông cảm thấy như thế nào?
Hoàn toàn không sao, tôi bình thường! Công trình này tôi làm với quan điểm nó có lợi với tôi. Còn nếu người khác thấy không có lợi thì họ không bắt buộc phải sử dụng, tôi có ép buộc ai đâu. Có phải cái gì hay người ta cũng chấp nhận đâu.
Đây là bài nghiên cứu của tôi nên tôi trân quý nó. Tôi vẫn luôn tin việc làm này có ích cho xã hội, tôi tin vào tính khả thi của nó còn mọi người ứng dụng hay không thì tùy. Tất cả đều là tâm huyết!
Nếu như thời gian đầu mạng xã hội xuất hiện những phần mềm chuyển đổi chữ tiếng Việt để chê bai chữ cái mới của ông, liệu PGS.TS có e ngại lần này cũng sẽ có tình trạng tương tự?
Chắc nay mai sẽ lại có thôi! Thậm chí tôi biết đây là một hoạt động kinh doanh khi hàng triệu người sử dụng phần mềm đó. Tất nhiên sự việc này có 2 mặt. Thứ nhất, họ đã vi phạm bản quyền và tôi không tán thành điều này. Nếu người ta muốn lấy sản phẩm trí tuệ của người khác để kinh doanh thì phải xin phép, phải trả công. Về mặt pháp lý là hoàn toàn không đúng.
Tuy nhiên, tôi không quan tâm, tôi không đòi hỏi hay kiện cáo gì. Đây cũng là dịp để "quảng bá" bảng chữ cái. Người dùng mạng xã hội học rất nhanh, rất dễ nhớ. Rõ ràng là nó tốt thì người ta mới dùng nhiều như thế.
Sau khi đã hoàn thành công trình cải tiến tiếng Việt, PGS.TS dự định sẽ làm gì tiếp theo? Liệu có còn bài nghiên cứu nào nữa không?
Trước hết tôi phải khẳng định đây chỉ mới kết thúc một giai đoạn, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu về tiếng Việt. Công việc không phải đến đây là chấm dứt mà nó chỉ là tạm dừng một giai đoạn, tôi còn phải chỉnh sửa và hoàn thiện. Quá trình phía trước còn dài lắm!
Nghĩa là ông sẽ còn công bố những bản sửa đổi tiếp theo nếu có?
Tất nhiên! Bao giờ tôi thay đổi nữa, tôi sẽ lại công bố tiếp. Đây chỉ là "cái cuối cùng" đến giờ phút này nhưng nếu được toàn dân chấp nhận, tôi sẽ tiến hành sửa đổi. Tôi sẽ xem xét các ý kiến đóng góp nhưng không phải ý kiến nào tôi cũng sửa theo. Tôi có quan điểm riêng chứ đâu thể "nhắm mắt làm theo".
Tôi rất hạnh phúc nhận được email của một em học sinh tiểu học viết bằng chữ của tôi. Em ấy chỉ mất 8 phút để dùng thành thạo bảng chữ cái mới. Nên tôi tin, mọi người sẽ ủng hộ nếu họ thực sự hiểu về vấn đề.
Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Hiền về buổi trò chuyện ngày hôm nay!