Tình trạng sương mù và mưa phùn về đêm về sáng ở các tỉnh miền Bắc được dự báo sẽ duy trì liên tục trong khoảng 10 ngày.
- Phẫu thuật thành công cho bé gái 7 tuổi bị hoại tử toàn bộ ruột
- Bình Dương: Đi chơi khu thác Gia Long, 2 người không may tử vong do đuối nước
Miền Bắc và Bắc Trung Bộ nồm ẩm kéo dài
Những ngày đầu tháng 2/2023, các tỉnh miền Bắc đang trải qua đợt mưa lạnh cùng với đó là thời tiết nồm ẩm, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt, trong ngày 3/2, không khí lạnh bổ sung bắt đầu ảnh hưởng đến thời tiết nước ta. Mưa phùn kèm sương mù dày đặc, độ ẩm không khí ở mức cao... càng làm tình trạng nồm ẩm tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ trở nên rõ ràng hơn.
Vậy tình trạng thời tiết này tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ kéo dài đến bao giờ?
Trung tâm khí tượng thuỷ văn cho biết, từ đầu tháng 2/2023 trở đi không khí khô sẽ được thay thế bằng khối không khí ẩm, giai đoạn sau ngày 2/2/2023 các tỉnh Bắc Bộ sẽ chuyển sang trạng thái mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, trời rét về đêm và sáng.
Từ đêm 04 đến ngày 05/02 có mưa, mưa rào. Trời lạnh, vùng núi trời rét. Tình trạng sương mù và mưa phùn buổi đêm về sáng ở các tỉnh miền Bắc được dự báo sẽ duy trì liên tục trong khoảng 10 ngày.
Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng duy trì hình thái thời tiết tương tự: Từ đêm 05-11/02, đêm và sáng có mưa nhỏ và sương mù rải rác; riêng từ ngày 10-11/02 có mưa, mưa nhỏ rải rác.
Trong những ngày này, độ ẩm không khí hàng ngày luôn duy trì ở mức cao trong khoảng thời gian về đêm và sáng với 85%-99% (mức rất ẩm). Đến trưa và chiều, độ ẩm không khí sẽ khoảng 70%-85% (mức ẩm vừa).
Với tình trạng ẩm độ cao này thì nhà cửa sẽ ẩm ướt thường xuyên, đặc biệt tầm nhìn sẽ bị hạn chế do sương mù. Trong ngày 2-3/2, trên nhiều cung đường thuộc đường mòn Hồ Chí Minh, đã xảy ra tình trạng sương mù dày đặc, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khi lưu thông qua đây.
Người dân nếu di chuyển tại các đường đèo, đồi núi cần lưu ý di chuyển chậm để đảm bảo an toàn do tầm nhìn giới hạn và đường trơn trượt.
Mưa nhỏ, mưa phùn và sương mùa là một trạng thái thời tiết theo mùa ở miền Bắc, thường xuất hiện giai đoạn mùa Xuân, độ ẩm không khí tăng cao, ẩm ướt khó chịu. Gây ra nhiều trở ngại cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, dị ứng, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già.
Tháng 2 vẫn còn rét
Theo thống kê từ cơ quan khí tượng, trong tháng 01/2023, nhiệt độ trung bình tại các tỉnh phía Tây Bắc Bộ, Trung Bộ thấp hơn từ 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN); riêng khu vực phía Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nhiệt độ trung bình dao động từ xấp xỉ đến cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.
Đặc biệt, trong ngày 14/01 ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nhiều nơi đã quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối trong ngày trên 300C và vượt giá trị lịch sử (GTLS) trong cùng thời kỳ tháng 01.
Theo quy luật khí hậu, tháng 2 hàng năm vẫn là tháng chính của mùa đông, do đó không khí lạnh vẫn còn tác động mạnh đến nước ta. Dự báo nền nhiệt độ trung bình trên cả nước, cũng như các tỉnh Miền Bắc trong tháng 2/2023 có khả năng ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, tuy nhiên có thể phân ra làm 2 thời kỳ, nừa đầu tháng nền nhiệt có xu hướng cao hơn TBNN khoảng 0,5-1,0 độ, tuy nhiên nửa cuối tháng nền nhiệt độ ở mức thấp hơn TBNN khoảng 0,5-1,0 độ. Do vậy khả năng cao không khí lạnh (KKL) sẽ hoạt động mạnh hơn vào thời kỳ nửa cuối tháng.
Trong nửa đầu tháng 02/2023, KKL hoạt động có cường độ yếu và lệch ra phía Đông, do đó tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Nghệ An trong thời kỳ này có khả năng xuất hiện mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù tập trung vào thời điểm đêm và sáng.
Trong khoảng nửa cuối tháng 02/2023 KKL có cường độ mạnh hơn và có khả năng rét đậm, rét hại còn xuất hiện ở các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ. Ngoài ra tại khu vực phía Nam, rãnh áp thấp xích đạo vẫn tiếp tục có khả năng hoạt động và gây mưa trái mùa tại các tỉnh phía Nam.