Nếu có tư lợi cá nhân, người nâng điểm thi cho hàng loạt thí sinh ở Hà Giang có thể phạm tội nhận hối lộ.
Liên quan đến việc ông Vũ Trọng Lương -Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang được xác định thực hiện can thiệp, nâng điểm thi của hàng loạt thí sinh ở Hà Giang khiến điểm thi cao bất thường, đây là việc có động cơ không trong sáng. Vụ việc này cũng có dấu hiệu hình sự nên cơ quan công an sẽ tiếp tục đấu tranh, làm rõ.
Những năm trước đây, sự căng thẳng quá mức của kỳ thi ĐH hàng năm đã làm nảy sinh hàng loạt tiêu cực trong các kỳ thi quốc gia. Do vậy, để giảm bớt tình trạng này, Nhà nước ta đã cải cách giáo dục gộp hai kỳ thi THPT và ĐH làm một.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Do kỳ thi hai mục tiêu nên đề thi sẽ “khó” vì một phần xét tốt nghiệp THPT và một phần xét tuyển Đại học. Lợi dụng cơ chế thi tuyển này, nếu không có một sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng thì việc tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương rất dễ xảy ra.
Vụ việc xảy ra ở Hà Giang là hồi chuông cảnh báo về tình trạng tiêu cực trong kỳ thi THPT và xét tuyển Đại học, nó làm mất đi niềm tin của nhân dân cả nước vào nền giáo dục nước nhà. Nhưng quan trọng hơn cả là quyền lợi chính đáng của các thí sinh không những ở Hà Giang và trên địa bàn cả nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nếu trường hợp tất cả các trường hợp nâng điểm ở Hà Giang không được phát hiện thì sẽ có rất nhiều thí sinh này sẽ tốt nghiệp THPT và được xét tuyển vào các trường Đại học, thậm chí một số trường công lập mà nhiều thí sinh phải có năng lực thật sự và đạt điểm cao mới vào được.
Xét hành vi của ông Vũ Trọng Lương thấy đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi cho 114 thí sinh. Như vậy bước đầu hành vi của ông Vũ Trọng Lượng đã có dấu hiệu phạm Tội giả mạo trong công tác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 359 BLHS 2015.
Hành vi của ông Vũ Trọng Lương -Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã xâm phạm đến khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh đó là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín.
Vì vậy, giả mạo trong công tác là tội phạm tham nhũng là đối tượng bị xử lý nghiêm. Đối tượng tác động của tội giả mạo trong công tác là giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Người phạm tội đã tác động vào làm cho các tài liệu, giấy tờ, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn bị sai lệch, không đúng với thực tế. Động cơ mục đích của tội phạm này không vì động cơ tư lợi cá nhân như: bệnh thành tích, nể nang, …
Theo thông tin ban đầu của Tổ công tác rà soát kết quả thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang khẳng định động cơ nâng điểm thi của thí sinh là không trong sáng.
Như vậy, nếu trong quá trình điều tra có căn cứ xác định ông Vũ Trọng Lương đã có động cơ tư lợi, nhận tiền hoặc lợi ích vật chất để thực hiện việc sửa điểm thi thì sẽ có dấu hiệu phạm Tội nhận hối lộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 354 BLHS 2015.
Trong trường hợp này, nếu gia đình, phụ huynh đã có hành vi đưa tiền hoặc lợi ích vật chất cho ông Vũ Trọng Lương để nhằm mục đích sửa chữa làm sai lệch điểm thi thì sẽ có dấu hiệu Tội đưa hối lộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 364 BLHS 2015.
Tuy nhiên, người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
“
Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng358 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
“