Đôi chân khập khiễng, bất kể nắng mưa, ông vẫn cặm cụi vá đường để an toàn cho mọi người qua lại, đó là người đàn ông gần tuổi 60 được bà con gọi với tên thân thuộc là “ông Ba vá đường”.
- Sau 8 tháng khai trương quán cơm 0 đồng, Đại úy CSGT thấy mình "được nhiều hơn mất"
- Lớp "yoga 0 đồng" dành cho bệnh nhân ung thư trong hành lang Bệnh viện Từ Dũ
Ông là Nguyễn Hồng Dân (ngụ tại P. Trà Nóc, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ), mọi người vẫn hay gọi với cái tên thân thuộc là "ông Ba Dân" hay "ông Ba vá đường".
Gia cảnh khó khăn, lại bị liệt chân trái từ nhỏ, ông Ba Dân vừa vá đường từ thiện vừa mưu sinh vất vả bằng nghề bán vé số, còn vợ ông bán tạp hóa đủ sống qua ngày.
Đi vá đường vì chứng kiến nhiều tai nạn do ổ gà gây ra
Trên chiếc xe cà tàng có in một tấm bảng thật to dán dòng chữ decal: "Vá đường đi – Xin chạy chậm", ông Ba Dân trông khắc khổ hì hục, cặm cụi "vá lành" từng con đường.
Với một bên chân không lành lặn ấy vẫn cần mẫn 10 năm qua, xem việc vá đường là "cái nghề", "cái nghiệp" của mình. Thậm chí, lấy tiền bán vé số và mượn tiền bán tạp hóa của bà xã để "vá đường", khác nào "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Ông Ba Dân móm mém cười khi nói mình bị nhiều người nói là "kỳ quặc".
Thấu hiểu điều đó, bà Ngô Thị Phường, bà xã của ông Ba Dân rất vui vì chồng làm việc tốt chứ không phiền hà gì cả, làm phước được thì nên mừng. Bà không chỉ ủng hộ tinh thần, mà khi thiếu tiền, bà cũng lấy tiền bán tạp hóa cho chồng "mượn" để đi làm đường.
Nhưng đại dịch COVID-19 đã cướp đi mạng sống của bà Ba, từ đó ông chẳng màng đến công việc, tiền bạc, chỉ chuyên tâm dốc sức làm từ thiện giúp xã hội.
Có lẽ, hành động của ông Ba Dân khiến nhiều người cảm thấy kỳ hoặc, nhưng đây lại là công việc quen thuộc đã theo đuổi ngần ấy năm. Quê ông Ba Dân quê ở nông trường sông Hậu. Trong tay không có đất đai, ruộng vườn nhiều, nên ngần ấy năm ông vẫn phiêu bạt khắp nơi tìm kế mưu sinh. Với khiếm khuyết trên cơ thể, ông Ba Dân chọn nghề bán vé số để có đồng ra, đồng vào.
Ông Dân chia sẻ, hồi ông còn bán vé số, mỗi ngày đi trên đường chứng kiến biết bao cảnh tai nạn giao thông, thậm chí có người tử vong do những ổ gà. Trở về căn trọ nhỏ chật chội, người đàn ông này cứ trăn trở mãi rằng bản thân có thể làm gì và nên làm gì để không còn cảnh tượng, tai nạn đau lòng mà mỗi ngày có thể bắt gặp. Thế rồi, ông đã quyết tâm tình nguyện vá lại những đoạn đường hư hỏng mà ông đã đi qua để đem lại an toàn cho bà con.
Chừng nào đường còn ổ gà thì còn vá đường
Mặc dù tuổi đã gần 60, đôi chân khuyết tật, sức khỏe yếu ớt bởi căn bệnh tim, cùng thời tiết mưa nắng thất thường giữa đường phố, nhưng cứ hễ đi ngang qua đoạn đường nào hư hỏng, xuất hiện chỗ cần vá là ông Ba Dân lại xuống xe cặm cụi vá.
Có những buổi trưa nắng gay gắt, ông Dân vẫn "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", ngồi hì hục vá từng đoạn đường hư hỏng. Ông nói, buổi trưa tuy cực nhọc hơn nhưng mật độ giao thông giảm nên thuận lợi, ít gây phiền hà cho bà con, hơn nữa buổi chiều thời tiết hay mưa nên ông phải tranh thủ trời nắng làm cho nhanh khô.
Hơn 10 năm qua, không biết bao nhiêu tuyến đường, ổ gà đã được ông vá, và ông Ba sẽ còn nối tiếp hành trình thiện nguyện của mình. Tổng trị giá dụng cụ, máy móc... dùng để vá đường hiện tại được ông Ba "định giá" là khoảng 50 triệu đồng.
Ông bộc bạch: "Con cái tôi bây giờ cuộc sống tạm ổn, bà xã tôi không còn, tôi cũng không có nhu cầu gì nhiều. Mình lấy 50 triệu cất cái nhà ở, chỉ có con cháu mình nó mừng, nhưng mình lấy 50 triệu làm chuyện có ích, cả xã hội được nhờ. Tôi cũng không biết mình nghĩ vậy có đúng không nữa, nhưng tôi nghĩ vậy và làm vậy".
Khi được hỏi dự định sẽ làm công việc này đến khi nào, ông Ba Dân lạc quan: "Khi nào là làm hết nổi mới nghỉ thôi, vì cái chuyện thiện nguyện này nó rất tốt cho xã hội. Thật ra, tuổi cũng hơi lớn rồi. Thôi kệ mình còn bao nhiêu sức khỏe thì mình làm bao nhiêu, yếu thì mình làm ít một chút chứ chưa có biết chừng nào là nghỉ hết."
Chia sẻ với tôi, mong muốn lớn nhất của ông là chỉ cần mong sức khỏe được vững vàng để làm cho cộng đồng thì được bao nhiêu nên bấy nhiêu. Ông cũng không có nghĩ ngợi về chuyện cuộc sống gia đình hay là dưỡng già gì hết vì mình thấy biết bao nhiêu là đủ để dưỡng già.
Với những đóng góp thầm lặng cho cộng đồng, ngày 30/11/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã gửi Thư khen ngợi ông Ba Dân và chúc ông sức khỏe. Cũng trong năm 2018, ông được vinh danh ở hạng mục "Sống đẹp" trong giải thưởng Kovar dành cho những việc ý nghĩa, lan tỏa tính nhân văn trong cộng đồng.