Nhìn nhận nguy cơ dịch bệnh rất cao, Thường trực Thành uỷ Hà Nội yêu cầu các cấp chính quyền cơ sở và người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Các chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội chưa nên nới lỏng giãn cách sớm.
- Phát hiện nhiều giấy thông hành giả mạo, giấy đi đường có thời hạn đến 'hết dịch' ở Hà Nội và TP.HCM
- Sáng ngày 18/8: Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc mới, trong đó có người phụ nữ dương tính sau khi chăm sóc con nhỏ mắc COVID-19 tại khu cách ly
Theo thông tin của Tiền Phong, Hà Nội sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố đến 6h ngày 23/8. Việc xem xét nới lỏng các biện pháp phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có xét nghiệm diện rộng.
Theo văn bản kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguy cơ lây lan dịch bệnh ở Thủ đô vẫn ở mức cao và khó lường. Việc xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng vẫn ghi nhận thêm nhiều ca mắc Covid-19 mới. Điều đó cho thấy có thể còn nhiều trường hợp F0 khác trong cộng đồng chưa được bóc tách hết. Trong các khu phong tỏa vẫn xuất hiện nhiều F0 do truy vết không kịp hoặc thực hiện "chặt ngoài, lỏng trong".
Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo tiếp tục bố trí, nâng cao hiệu quả thực chất của các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại các ngõ, phố, thôn, xóm. Phát huy tốt vai trò các tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ phản ứng nhanh từ quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, kiểm soát chặt cả bên ngoài và bên trong.
Các nơi phong tỏa phải kiểm soát nghiêm hơn, chặt hơn, bố trí lực lượng, phương tiện cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho từng gia đình, từng người dân để nhân dân yên tâm ở tại chỗ, không ra ngoài, phòng ngừa lây lan dịch trong khu phong tỏa.
Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả việc xét nghiệm diện rộng, trong đó lưu ý việc xác định các khu vực nguy cơ cao bảo đảm chính xác, ưu tiên xét nghiệm các "vùng đỏ", đối tượng nguy cơ cao như: lực lượng tuyến đầu, người lao động tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa, vận tải, dịch vụ, công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, giáo viên, học sinh, cán bộ, nhân viên các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm cai nghiện,...
Trao đổi với Thanh Niên, ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, việc lấy 800.000 mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 sẽ được báo cáo để lãnh đạo thành phố xem xét như một trong các điều kiện về việc có tiếp tục giãn cách hay dừng giãn cách: "Hiện số mẫu có kết quả mới rất ít, nếu sau khi lấy 800.000 mẫu cho kết quả âm tính nhiều thì sẽ là tín hiệu khả quan trong việc khoanh vùng F0 ngoài cộng đồng. Nhưng nếu kết quả còn nhiều mẫu dương tính ngoài cộng đồng thì nguy cơ vẫn rất cao”.
Theo quyết định trước đó, TP.Hà Nội sẽ giãn cách đợt 2 tới 6 giờ sáng 23/8. Hiện còn gần 1 tuần mới tới mốc này, tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc tháo giãn cách trước kỳ nghỉ lễ 2/9 có thể sẽ khiến nguy cơ bùng dịch tăng cao. Đồng quan điểm này, ông Tuấn cho hay, thành phố đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, đặc biệt là 1 tháng giãn cách như "lò xo nén", nếu mở cửa ngay lập tức sẽ bung ra khối lượng đi lại rất lớn. Ông Tuấn nói thêm:
“Việc có tiếp tục giãn cách hay không sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng chắc chắn không thể hoàn toàn mở hết trở lại, có thể sẽ không thực hiện Chỉ thị 16 mà sẽ chuyển sang Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19. Việc này sẽ được lãnh đạo thành phố cân nhắc và quyết định trong thời gian tới".