"Mình ước gì chỉ là một giấc mơ và mai thức dậy lại là một ngày mới. Ở tuổi 30, mình mắc căn bệnh ung thư quái ác. Và mình đang mang bầu ở những tuần cuối", chị Lan viết.
- Lời kể cay đắng của cô gái xinh đẹp mắc bệnh ung thư: ‘Hóa ra anh ấy chỉ yêu lúc mình đẹp nhất, lúc xấu xí thì bỏ rơi'
- Hé lộ nội dung thư tuyệt mệnh của nữ sinh viên treo cổ ở Bình Dương: ‘Xin đưa con đi hỏa táng để tro cốt ở cạnh ba mẹ’
Ba ngày trước khi sinh, chị Lưu Ngọc Lan (29 tuổi) - một cô giáo tiếng Anh ở Hà Nội, biết tin mình bị ung thư máu. Khi đó, thai đã ở tuần thứ 37, tình trạng thiếu máu trở nặng. Tiểu cầu giảm sâu, khiến chị đi tiểu ra máu và xuất huyết nhiều nơi.
Ban đầu, khi được đưa lên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, chị chỉ nghĩ bị hạ tiểu cầu do biến chứng thai sản. Ngày hôm sau, chị được chuyển lên tầng 7 - khoa ung thư, thì nỗi sợ xâm chiếm toàn cơ thể tự lúc nào.
Như bất cứ bệnh nhân ngày đầu đón nhận thông tin "mình bị ung thư", chị muốn bỏ chạy, muốn chết thật nhanh, bằng cách... uống thuốc ngủ.
Oán than, trách móc số phận... Rồi đến một lúc, chị bình tâm và học cách chấp nhận. Chị nghĩ đến con nhiều hơn, dù bản thân có phải chết trên bàn mổ. Điều chị lo lắng nhất, là gia đình sẽ phải chịu nỗi buồn nỗi đau quá lớn.
"Mình ước gì chỉ là một giấc mơ và mai thức dậy lại là một ngày mới. Ở tuổi 30, mình mắc căn bệnh ung thư quái ác. Và mình đang mang bầu ở những tuần cuối", chị viết.
Bình tĩnh và suy nghĩ về 30 năm cuộc đời, chị nói, có những sai lầm, những vấp ngã nhưng chị đã luôn cố gắng hết sức trong mọi việc, cố trở thành một người tốt và đem lại giá trị nhiều hơn cho cuộc đời.
Chị thương bố mẹ, chồng, con và những người đã dành nhiều tình yêu cho chị, dù chưa thể báo đáp hết. "Mình hi vọng mọi người hãy trân trọng cuộc sống hơn vì khi đứng ở thời khắc sinh tử này, mình mới hiểu được sống là quý giá đến thế nào".
Chị sẽ phải sinh mổ, nhưng khả năng cầm máu rất thấp. Bác sĩ tiên lượng sản phụ cần truyền nhiều máu và chế phẩm máu, cả trước, trong và sau ca mổ. Trong khi đó, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 hơn 2 tháng qua, lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương không còn nhiều.
Ngày 19/3, cô giáo Lan lên mạng xã hội, kêu gọi người thân, bạn bè và học sinh đến hiến máu. Chị xin lỗi nếu lỡ làm phiền mọi người trong mùa bệnh dịch, nhưng 1, 2 ngày nữa khi phải mổ cấp cứu để lấy con ra, chị sợ sẽ ở trong tình trạng thiếu máu và có thể dẫn đến tử vong.
"Nhóm máu nào cũng được và tình trạng rất nguy cấp, ảnh hưởng đến tính mạng. Mình xin mọi người hãy giúp đỡ mình", chị Lan khẩn thiết.
Nhờ sự chia sẻ của cộng đồng mạng, trong chiều 19/3, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận hơn 200 đơn vị máu của những người đến hiến.
Tiên lượng ca mổ hết sức khó khăn do sản phụ có nguy cơ khó cầm máu do giảm tiểu cầu và các yếu tố đông máu, các bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã hội chẩn với Bệnh viện Phụ sản Trung ương và quyết định mổ lấy thai ngay tại Viện.
Đó là một ca mổ nguy hiểm.
8 tiếng trước cuộc phẫu thuật.
Chị đã từng nghĩ mình sẽ chết và muốn lắng nghe trước thời khắc ấy. Chính những lời chia sẻ, tình yêu và sự quan tâm của mọi người, đã làm thay đổi suy nghĩ của chị.
Chị muốn được sống. Chưa bao giờ, khát vọng sống lại lớn lao đến như vậy.
"Mình muốn sống để có thể sống khác hơn, để quan tâm và yêu thương nhiều hơn, vì sau biến cố này mình thấy cuộc sống và tình người sao mà đẹp như vậy. Điều đó mình chưa từng nhận ra sâu sắc như hôm nay. Những lời động viên của mọi người, sự giúp đỡ, quan tâm, ánh mắt và những giọt nước mắt mọi người dành cho mình, giúp mình cảm thấy có thật nhiều ý chí để được sống, để chống chọi với bệnh tật và sống 1 cuộc đời ý nghĩa hơn", chị viết.
Những giờ phút căng thẳng sau đó. Thật may mắn, ca mổ lấy thai của chị đã diễn ra thành công, vào sáng ngày Quốc tế hạnh phúc - 20/3. Em bé được đặt tên là Nguyễn Ngọc Lan Chi - một loài cây cỏ may mắn. Ở nhà, bố mẹ thích gọi em là Kem.
Khi cửa phòng phẫu thuật bật mở, được đón cô con gái bé nhỏ xinh xắn và nghe tin vợ mình đã an toàn sau ca mổ đầy hiểm nguy, người chồng đã không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc.
Người đàn ông mạnh mẽ, kiên cường, luôn làm chỗ dựa cho gia đình, thật chẳng dễ để nước mắt rơi xuống. Nhưng anh đã khóc, vì lo lắng cho sự an nguy của vợ và con, vì bất lực chờ đợi, vì hạnh phúc không kìm nén nổi khi đón thiên thần bé nhỏ chào đời, và người bạn đời thân yêu đang hồi phục sau cuộc đua với tử thần.
Anh viết, "Còn em nữa, và tôi lại ngồi hàng giờ lo lắng. Một tiếng dài như mười tiếng vậy. Và cuối cùng bác sĩ đã ra và nói em ổn. Tỉnh táo và có thể nói chuyện 1 chút cùng bác sĩ. Lúc đó tôi biết ở hiện tại. Đây là giây phút hạnh phúc nhất, hạnh phúc tột đỉnh".
Đó chắc hẳn là phút giây hạnh phúc không thể nào quên trong ngày Quốc tế Hạnh phúc của gia đình anh Dũng, chị Lan và bé Kem. Niềm vui này còn được nhân lên, với hơn 200 người đã đến hiến máu, cứu sống mẹ con chị Lan.
Tương lai phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với niềm tin, sự kiên cường và tình yêu mãnh liệt, gia đình nhỏ chắc chắn sẽ vượt qua tất cả.
"Gửi chồng thân yêu, cuộc đời em may mắn vô cùng khi gặp, yêu và cưới được một người tuyệt vời như anh. Anh yêu em hơn cả bản thân mình. Dành mọi thời gian và sự hi sinh cho em. Thay đổi vì em để em được vui và hạnh phúc. Em cảm ơn ông trời vì đã cho em được gặp anh. Em chi tiếc là lúc nào cũng trêu chọc anh mà ít khi làm những điều hay, nói những điều yêu thương với anh.
Những ngày gần đây em thấy anh khóc, anh buồn anh suy nhược và vẫn phải xử lí bao nhiêu việc vì em. Em đau lòng và thương anh nhiều. Em hứa sẽ cố hết sức để vượt qua tất cả để cùng anh vun đắp hạnh phúc cùng bé Kem và chăm sóc anh nhiều hơn".
Một gia đình nhỏ - một hạnh phúc to.