Dọn dẹp bàn thờ đón Tết vào dịp cuối năm cực kỳ quan trọng, không được làm qua loa, sơ sài, vì như vậy sẽ khiến tiêu tán tài lộc.
- Giá trị văn hóa tâm linh của tục cúng gà ngày Tết
- Thời tiết Tết Ất Tỵ 2025: Mưa rải rác, đêm rét, ngày ấm phù hợp du Xuân
Theo văn hóa tâm linh phương Đông, bàn thờ là nơi hiện diện của các vị thần linh, của ông bà tổ tiên, giúp mang lại may mắn cho gia chủ. Bởi vậy luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất và cũng thường xuyên để ý. Đặc biệt là vào dịp cuối năm, hầu như gia đình nào cũng lau dọn bàn thờ sạch sẽ, bày mâm ngũ quả đẹp đẽ để mời các vị thần linh, ông bà tổ tiên về cùng đón Tết, phù hộ độ trì cho con cháu một năm mới an khang thịnh vượng.
Về thời điểm lau dọn bàn thờ, nhiều người tin theo quan niệm rằng phải tiến hành ngay sau khi tiễn ông Công, ông Táo về trời, bởi đây là thời gian “thần linh đi vắng”, nếu có làm xê dịch đồ thờ thì cũng không bị quở trách.
Tuy nhiên theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phong thủy Kiến trúc (Đại học Xây dựng), bàn thờ tổ tiên là nơi trang nghiêm, thanh tịnh nên cần có sự quan tâm, lau dọn thường xuyên chứ không nhất thiết phải đợi đến dịp gần Tết Nguyên đán. Điều quan trọng là khi thực hiện việc này phải làm một cách thành tâm, nghiêm túc, thể hiện lòng thành kính với người trên chứ không được vương vấn chuyện khác.
Theo đó, trước khi bắt đầu dọn dẹp, gia chủ cần tắm rửa sạch sẽ rồi thắp hương để “xin phép” thần linh và gia tiên. Khi tỉa bớt chân hương, gia chủ sẽ rút từng chút một cho tới khi còn một số lẻ trong bát hương (thường là 3, 5, 7, 9). Số còn lại sẽ được mang đi hóa thành tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây.
Cần lưu ý, tuyệt đối không được vứt chân hương hoặc các đồ thờ cúng khác vào thùng rác hoặc nơi ô uế. Thực tế, nhiều gia đình thường giữ lại chân hương năm này qua năm khác, tầng tầng lớp lớp với ý nghĩa tổ tiên dễ về hơn hoặc gia chủ có lộc hơn. Tuy nhiên theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Linh, đó chỉ là sự mê tín do mỗi người tự nghĩ ra. Chúng ta nên thường xuyên tỉa chân nhang để bát hương và bàn thờ không bị dính bụi bẩn, gây mất thẩm mỹ, tránh hỏa hoạn.
Cũng vào thời điểm cuối năm, nhiều gia đình có nhu cầu bốc lại bát hương. Tuy nhiên theo chuyên gia phong thủy, việc này chỉ thực hiện trong một số trường hợp như khi về nhà mới; nhà đang muốn gộp hay tách bát hương hoặc nhà chẳng may gặp vận hạn. Khi bốc lại bát hương, cần đổ hết tro cốt cũ, rửa sạch bát hương rồi mới bốc lại.
“Trước đây, phần lớn chúng ta vẫn nghĩ, người bốc bát hương phải là người cao minh, là thầy hoặc pháp sư. Nhưng trên thực tế, ai cũng có thể làm được điều này, sẽ tốt nhất nếu đó là người trụ cột trong gia đình (ông, cha, con trưởng). Người thực hiện bắt buộc phải là người thành tâm, chân tay, quần áo sạch sẽ” - ông Linh cho hay.
Vị chuyên gia cho biết thêm, khi vệ sinh bát hương cần dùng rượu gừng, khăn gạc lau sạch từ miệng bát hương trở xuống. Sau khi đã vệ sinh, sang, sửa bát hương xong đặt yên vị trên bàn thờ, gia chủ không được xê dịch bát hương nữa. Lưu ý, khi cho thêm tro mới cần cách miệng bát hương 1 – 2cm. Khi hoàn thành các công đoạn, cần thắp hương báo mời thần linh và gia tiên trở về.
Theo các chuyên gia nghiên cứu tâm linh, nên sử dụng nước để lau dọn bàn thờ là rượu (giã gừng rồi đổ rượu vào, ngâm khăn vào rượu ít nhất 30 phút trước khi lau dọn) hoặc nước ấm, không được dùng nước lạnh.
Nếu nhà có ban thờ Phật, tượng Phật, ảnh Phật thì không dùng rượu để lau, mà nên dùng khăn thấm nước sạch và phải lau bàn thờ Phật trước, sau đó mới lau dọn bà thờ gia tiên. Dùng khăn sạch đã ngâm rượu gừng lau toàn bộ các đồ thờ. Sau đó dùng khăn khô lau lại. Lau lần lượt từng món, không để đồ thờ cúng lăn lóc, mà phải xếp ngay ngắn, trang nghiêm. Cuối cùng, đặt lại đồ thờ cúng đúng vị trí, thay nước, thay chum gạo muối (nếu có), khấn xin thỉnh các vị thần linh và ông bà tổ tiên về lại, báo cáo con đã xong việc.