Việc đưa thi thể bé trai 10 tuổi - bé Thái Lý Hạo Nam rơi xuống ống cọc bê tông lên mặt đất vẫn đang diễn ra cho tới ngày 9/1/2023.
- Sạt mỏ đất ở Phú Thọ, một thợ lái máy xúc bị vùi ở độ sâu hơn 10m, dẫn đến tử vong
- Thông tin MỚI vụ chém nhau kinh hoàng tại quán bar ở Bình Dương: Đã bắt được một số đối tượng có liên quan đến vụ việc
Theo thông tin từ Vietnamnet, vào chiều ngày 9/1, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, lực lượng cứu hộ vẫn làm việc khẩn trương ở hiện trường nơi bé trai Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) rơi xuống ống trụ bê tông tại công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình.
Trong ngày, tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ đã đưa đến hiện trường các thiết bị, máy móc như: gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6 – 1m, ống vách đường kính 1m và 2m. Đặc biệt, lực lượng cứu hộ cũng đưa búa rung 180kW từ cảng Cái Mép, Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) về Đồng Tháp để phục vụ công tác cứu hộ bé trai 10 tuổi. Dự kiến trong tối nay (9/1) búa rung 180kW sẽ đến công trường.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng bố trí lực lượng cứu hộ thành 4 ca, mỗi ca 6 giờ để làm việc tại hiện trường. “Việc chia ca ra làm việc như trên nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho lực lượng cứu hộ”, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Về phương án đưa thi thể bé trai 10 tuổi rơi xuống ống cọc bê tông lên mặt đất, lực lượng cứu hộ đã đóng xong khung vây ván thép vòng ngoài để giữ ổn định cho thiết bị thi công. Lực lượng cứu hộ cũng lắp xong 2/5 tầng khung chống; đào đất được 1 phía vách đến cao độ sâu khoảng 13-14m so với mặt đất. Đến nay, công tác cứu hộ bé Hạo Nam đã bước sang ngày thứ 10 nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi.
Tỉnh Đồng Tháp cho biết, sở dĩ công tác cứu hộ bé Hạo Nam gặp khó khăn, phải thay đổi nhiều phương án do đất sét dính chặt ở tầng đáy, ống trụ bê tông được đóng sâu xuống lòng đất với chiều sâu 35m. Ngoài ra, hiện trường bé trai gặp nạn nằm sâu trong đồng ruộng, hạ tầng giao thông nhỏ, hẹp nên việc di chuyển các phương tiện, thiết bị, máy móc cứu nạn gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình cầu Rọc Sen gồm 7 thành viên do ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Đồng Tháp làm tổ trưởng, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận làm tổ phó, đã thành lập từ ngày 7/1. Tổ điều hành có nhiệm vụ báo cáo về UBND tỉnh Đồng Tháp và tự giải tán sau khi hoạt động cứu hộ, cứu nạn kết thúc.