Có bắt buộc phải làm tài khoản định danh điện tử hay không?

Xã hội 10/01/2023 11:22

Khoản 6 Điều 2 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định "Tài khoản định danh điện tử” là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử.

Ngoài ra theo quy định tại Điều 11 Nghị định 59/2022, đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử bao gồm công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; đối với công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Có thể thấy, hiện nay quy định không bắt buộc công dân phải đăng ký tài khoản định danh điện tử nhưng khuyến khích công dân nên đăng ký sử dụng.

Dù không bắt buộc công dân phải đăng ký tài khoản định danh điện tử nhưng công dân nên thực hiện việc này để có thể nhận được những quyền lợi tốt nhất. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 59/2022/NĐ-CP thì đối với chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Bên cạnh đó, công dân có thể tra cứu một số thông tin cá nhân hay sử dụng tài khoản định danh điện tử thay cho Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 59/2022/NĐ-CP thì việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ Căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ Căn cước công dân.

Tài khoản định danh điện tử có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Ngoài ra, tài khoản định định danh điện tử còn thay cho Thẻ bảo hiểm y tế. Theo đó, công dân có thể sử dụng khi khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm, không cần trình thẻ bảo hiểm y tế truyền thống.

Bên cạnh đó, tài khoản định định danh điện tử còn thay cho Thông tin đăng ký xe, giấy phép lái xe. Cụ thể, người dân và cơ quan chức năng có thể sử dụng khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.

Thời hạn giải quyết cấp tài khoản định danh điện tử

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 59/2022 thì kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Nghị định này, cơ quan Công an có trách nhiệm giải quyết cấp tài khoản định danh điện tử trong thời hạn như sau:

- Đối với trường hợp công dân Việt Nam đã có thẻ Căn cước công dân gắn chip: Không quá 1 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1, không quá 3 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Đối với trường hợp công dân Việt Nam chưa có thẻ Căn cước công dân gắn chip: Không quá 7 ngày làm việc.

- Đối với người nước ngoài: Không quá 1 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1; không quá 3 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đã có thông tin về ảnh chân dung, vân tay trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh;

Không quá 7 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 nhưng chưa có thông tin về ảnh chân dung, vân tay trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.

Cận cảnh hiện trường bên trong vụ bé trai 10 tuổi lọt trụ bê tông: Quá trình đưa thi thể bé Hạo Nam lên mặt đất diễn ra thế nào?

Từ đêm ngày 9/1, hiện trường nơi bé trai 10 tuổi lọt sâu xuống hố bê tông có mưa khiến công tác cứu hộ phải gián đoạn.

TIN MỚI NHẤT