Bộ chữ Tiếng Việt không dấu "Chữ Việt Nam song song 4.0" sau khi được cấp bản quyền đã gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng bộ chữ thiếu tính thực tế, thừa thãi và thậm chí rắc rối vì có quá nhiều quy tắc.
- Quen 4 tháng rồi cưới, chồng khoe ảnh vợ thứ 2 bên đống chén ngổn ngang, ai dè gây tranh cãi
- Bảng thông báo không cho vợ chồng ngủ chung vì ngại lây virus Covid-19 gây tranh cãi, chính quyền lên tiếng nhưng vẫn không làm cư dân mạng hài lòng
Ngày 25/3, Công trình chữ Quốc ngữ cải tiến của anh Kiều Trường Tâm và đồng tác giả - thầy Trần Tư Bình chính thức nhận được bản quyền số 1850/2020/QTG từ Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Kiểu chữ này được đặt tên là "Chữ Việt Nam song song 4.0".
Công trình "Chữ Việt Nam song song 4.0" là sự kết hợp giữa "Chữ Việt Nhanh" của tác giả Trần Tư Bình và "Ký Hiệu Dấu" của tác giả Kiều Trường Lâm khi dùng 18 chữ cái thay cho các dấu phụ, dấu thanh cho phép người dùng đọc được chữ Việt không dấu lưu loát một cách trọn vẹn nhất. Riêng chữ "Việt Nam" được viết tắt thành "VN" vì còn cần xin ý kiến Quốc hội về tên.
Công trình "Chữ Việt Nam song song 4.0" được cấp bản quyền đã thể hiện sự sáng tạo và công sức tìm tòi của hai tác giả. Tuy nhiên, tính thực tế của kiểu chứ mới hoàn toàn không được đánh giá cao vì quá nhiều quy tắc và chưa tính đến thói quen, tâm lý sử dụng ngôn ngữ hiện nay. Vậy nên sau khi công bố trên mạng xã hội, bộ CVNSS 4.0 đã ngay lập tức nhận về nhiều chỉ trích kịch liệt vì tính phi thực tế của công trình.
Tuy nhiên, sau khi được cấp phép bản quyền, hai tác giả cũng mong muốn công trình "Chữ Việt Nam song song 4.0" sẽ sớm được ứng dụng trong đời sống thực tiễn. Đồng thời nhóm tác giả cũng mong muốn có thêm nhiều chuyên gia thẩm định để có thể đánh giá chính xác về giá trị của công trình.
Chỉ mất 3 buổi để thành thạo đối với trình độ học sinh lớp 12
Sau khi công bố toàn bộ nghiên cứu trên các phương tiện truyền thông, nhóm tác giả vấp phải không ít ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều người cho rằng công trình này là phi thực tế, ảnh hưởng đến cách luyến láy âm của chữ Quốc ngữ thường có. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng chỉ trích loại chữ này thừa thãi và rắc rối vì có quá nhiều quy ước.
Trước các luồng ý kiến trái chiều, tác giả Trần Tư Bình cho biết hai tác giả đã chuẩn bị sẵn tinh thần "ăn chửi" trước khi công bố lên MXH: "Hơn 10 năm qua tôi đăng bài giới thiệu vào các diễn đàn cũng bị dân mạng ném đá tục tĩu nên cũng quen rồi. Bản thân bạn Trường Lâm cũng biết việc này và cũng đã chuẩn bị tinh thần khi cả hai bắt đầu làm việc và công bố".
Tác giả cho biết phần lớn ý kiến của dân mạng nêu ra khi chưa thực sự hiểu về bản chất của kiểu chữ mới: "Chữ Viết Nhanh có tất cả 34 quy ước rút gọn tối ưu từ chữ Quốc ngữ. Sau khi nắm vững 34 quy tắc này, ta chỉ cần học thuộc 18 chữ cái thay cho các dấu phụ (dấu: nón, móc, trăng) và các dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) là có thể viết được CVNSS 4.0. Như vậy tổng cộng 52 quy ước trong CVNSS 4.0. Vì có đến 52 quy ước nên ai đọc lướt chắc chắn sẽ thấy dài và khó hiểu".
Tác giả Trần Tư Bình cho biết thêm: "Trung bình, học 3 buổi là thành thạo đối với trình độ học sinh lớp 12. Đó là một buổi học lý thuyết Chữ Viết Nhanh, 1 buổi học CVNSS 4.0 và buổi thứ 3 thực hành gõ sẽ thành thạo. Các ý kiến trái chiều chỉ vì họ chưa quen, không ảnh hưởng đến việc sáng tạo chữ viết của tôi và Trường Lâm. Bây giờ, hai chúng tôi nhìn kiểu chữ mới này thi đọc nhanh như khi đọc chữ Quốc ngữ vậy".
Tác giả cho biết so với chữ Quốc ngữ, kiểu chữ mới này có một số tính năng ưu việt hơn: "Chữ VN Song Song 4.0 cũng có thể tích hợp vào các bộ gõ để bung ra chữ quốc ngữ và có thể tiết kiệm thời gian gõ khoảng 25-30%. Trong một văn bản trên giấy A4, số lượng chữ cái ở chữ Quốc ngữ gần như tương đương với số lượng của CVNSS. Bên cạnh đó, CVNSS 4.0 ra đời sẽ khắc phục được nhược điểm gây hiểu lầm trong CQN viết không dấu khi sử dụng trên điện thoại, zalo, chat..."
Nhóm tác giả cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều chuyên gia thẩm định để có thể đánh giá đúng hơn về giá trị của công trình. Hiện tại đã có ông Bùi Đăng Bình hiện đang làm ở Viện Ngôn Ngữ học đồng ý gặp mặt để trao đổi nhưng vì dịch cúm nên chưa thực hiện được.
Thời gian tới, ông Trần Tư Bình sẽ dành thời gian để nghiên cứu kỹ và vắn tắt lại cách sử dụng CVNSS 4.0. Bắt đầu từ tháng 6/2020, tác giả cũng tổ chức cuộc thi có thưởng trên website của chính mình. Còn tác giả Kiều Trường Lâm sẽ dạy online cho khoảng 10 người ở Hà Nội để rút kinh nghiệm. Tương lai, Trường Lâm muốn tổ chức giới thiệu kiểu chữ mới trong một vài buổi học ngoại khóa ở các trường ĐH, Cao đẳng.
Tác giả Trần Tư Bình cũng chia sẻ thêm về tính ưu việt của công trình "CVNSS 4.0".
So với chữ Quốc ngữ (CQN) thì Chữ Việt Nam song song 4.0 (CVNSS4.0) có những đặc biệt và tính năng ưu việt sau đây:
- CVNSS4.0 là kiểu viết hay gõ chữ Việt không có dấu phụ và dấu thanh nào nhưng rất gọn và nhanh. Trong một văn bản trên trang giấy A4, số lượng chữ cái ở CQN gần như tương đương với số lượng của CVNSS.
- Nếu viết tin nhắn CQN không dấu trên điện thoại, messenger, zalo, chat... nhiều lúc đọc không dấu sẽ gây hiểu nhầm. CVNSS 4.0 ra đời sẽ khắc phục được nhược điểm gây hiểu lầm trong CQN viết không dấu.
- CVNSS 4.0 có thể gõ chữ Việt mà không cần phần mềm nào và có thể gõ bất cứ môi trường nào. Có thể tiết kiệm 25-30% so với kiểu gõ Telex hay các kiểu gõ khác bung ra CQN. Vì vậy CVNSS 4.0 vừa có thể là công cụ cho phép người sử dụng viết chữ không dấu cho phép đọc được, mà còn có thể cài đặt trong bộ gõ để bung ra CQN.
- CVNSS 4.0 là chữ viết không dấu chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh và trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho CQN. Nó cho phép người sử dụng đọc được lưu loát trọn vẹn vì trong CVNSS 4.0 có sự biến đổi linh hoạt giữa các vần chữ Việt Nam và có sự luân chuyển giữa các ký diệu dấu, tạo ra chữ viết có độ chính xác cao giúp người sử dụng nhận biết được mặt chữ và đọc được.
- CVNSS là một cách viết chữ song song với CQN, không ảnh hưởng đến CQN.
Không có ý định cải tiến chữ Quốc ngữ
Theo tác giả, sở dĩ tên gọi của kiểu chữ mới là "Chữ Việt Nam song song 4.0" là vì đây không phải chữ viết thay thế chữ Quốc ngữ mà chỉ là một kiểu chữ viết tay hoặc nhắn trên màn hình, máy tính. Kiểu chữ sẽ cho phép người dùng đánh không dấu rất nhanh mà không phải lo về sự hiểu nhầm ý nghĩa, khiến việc đánh máy trở nên nhanh và dễ dàng mà không cần thông qua phần mềm nào.
Tác giả Trần Tư Bình khẳng định không hề có mục đích cải tiến chữ Quốc ngữ: "Gọi là Chữ Việt Nam song song vì chúng tôi không có tham vọng dùng nó thay thế chữ Quốc ngữ như một số thông tin thời gian gần đây. Bộ chữ của chúng tôi chỉ là một loại chữ viết tắt không dấu, dùng song song với chữ Quốc ngữ. Đó là cách viết tay hay viết trên điện thoại và không cần dùng bất cứ phần mềm nào".
Cách viết Chữ Việt Nam song song 4.0 theo bản hướng dẫn mới nhất của tác giả Trần Tư Bình