Bao tử chui lên lồng ngực cụ bà 81 tuổi

Xã hội 20/01/2023 10:34

Hai tháng không thu nạp được thức ăn, ăn vào ói ra, đau bụng, suy nhược cơ thể nặng nề, cụ bà 81 tuổi may mắn được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận trường hợp cụ bà Nguyễn Thị Hạng (81 tuổi, Thủ Đức, TP HCM) được chẩn đoán mắc phải tình trạng thoát vị hoành. 

Trước đó, vào khoảng giữa tháng 11/2022, bà Hạng được con gái đưa đến khám trong tình trạng người yếu, suy kiệt do không ăn uống được gì, nuốt vào là ói ra kèm cả dịch tiết, có thêm tình trạng đau bụng, đau ngực. Sau thăm khám lâm sàng, TS.BS Đỗ Minh Hùng (Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM) nhận thấy ngoài những biểu hiện trên, người bệnh còn có tình trạng thiếu máu. Bác sĩ chẩn đoán bà Hạng bị thoát vị khe hoành thực quản type 4 và chỉ định mổ nội soi. Tuy nhiên, tâm lý lo lắng vì bà đã lớn tuổi lại gần Tết Nguyên Đán nên gia đình từ chối.

Ngày 23 tháng chạp, bà Hạng xảy ra những biến chứng bệnh lý nghiêm trọng hơn. Người nhà quyết định đưa bà nhập viện để thực hiện phẫu thuật. Sau 5 ngày nuôi ăn để phục hồi sức khỏe, người bệnh sẵn sàng bước vào ca phẫu thuật. Bước đầu tiên, bác sĩ tiến hành mổ nội soi để giải quyết tình trạng xoắn bao tử, giải phóng sự tắc nghẽn chỗ nối của thực quản và dạ dày. Hình ảnh nội soi cũng cho thấy bao tử đã chui lên khỏi khe hoành thực quản. Lỗ thoát vị khá lớn. 

Bước tiếp theo, bác sĩ Hùng và ê-kip phẫu thuật tiến hành mổ nội soi thoát vị khe hoành cho người bệnh. Bệnh nhân được giải phóng túi thoát vị, phục hồi lại khe hoành và cơ hoành. Kế đến, người bệnh được tạo 1 van chống trào ngược để hạn chế trào ngược dịch của bao tử lên thực quản.

"Như một phép màu thần kỳ, sau 4 tiếng mổ, mẹ tôi được đưa về phòng nội trú. Bản thân tôi rất ngạc nhiên vì bà tỉnh táo, nhận ra tất cả mọi người trong gia đình. 2 ngày sau phẫu thuật mẹ tôi rạng rỡ, tươi tỉnh trở lại. Bà đã có thể ăn uống nhẹ và chờ ngày mai được xuất viện về ăn Tết với con cháu", chị Hạnh - người con gái út của bà bày tỏ.

Bác sĩ Hùng chia sẻ thoát vị khe hoành là tình trạng một phần dạ dày chui lên lồng ngực. Bình thường dạ dày nằm dưới cơ hoành, là một cơ mỏng hình vòm ngăn cách giữa các cơ quan trong lồng ngực và ổ bụng. Thực quản là một ống chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày, và ống này đi qua một lỗ trên cơ hoành xuống bụng. Khi có thoát vị khe hoành thì dạ dày chui qua lỗ đó lên ngực.

Những thoát vị nhỏ thường không gây ra triệu chứng. Trường hợp thoát vị to, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như nóng rát sau xương ức, trớ đồ ăn hay dịch lên miệng, đau bụng hoặc đau ngực, khó nuốt, ăn mau no, buồn nôn, khó thở, nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen, ho không giải thích được.

Nguyên nhân gây thoát vị khe hoành không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng có thể kể đến một số yếu tố sau: những thay đổi của cơ hoành do tuổi tác, tổn thương ở vùng này do chấn thương hay phẫu thuật, bẩm sinh, tăng áp lực ổ bụng thường xuyên, kéo dài do ho, nôn, rặn nhiều khi đi tiêu, tập thể dục, nâng vật nặng.

Thoát vị khe hoành được chia thành 4 dạng, bao gồm: dạng I (dạng trượt là dạng vùng nối của dạ dày thực quản chui lên khỏi lỗ khe hoành thực quản), dạng II (dạng cạnh bên, dạ dày chui ra ở một bên của thực quản, vùng nối dạ dày thực quản vẫn nằm dưới), dạng III (là sự kết hợp của dạng I và II), dạng IV (lỗ thoát vị lớn, ngoài dạ dày thì các tạng khác như đại tràng, lách, tụy, ruột non cũng có thể chui lên lồng ngực).

Dạng II, III, IV là những biến thể của dạng II, chiếm 5-15% trường hợp thoát vị khe hoành. Tình trạng này tuy ít gặp nhưng có thể nghiêm trọng nếu dạ dày bị gập góc. Thoát vị cạnh thực quản có thể gây chảy máu dạ dày hoặc khó thở.

Trường hợp bà Hạng rơi vào dạng thứ 4. Bà Hạng có tình trạng xoắn bao tử, gây tắc nghẽn chỗ nối của thực quản và dạ dày, gây hẹp chỗ thoát lưu của phần dạ dày phía dưới. Tình trạng này gây ra biểu hiện nôn ói liên tục, làm thiếu máu nuôi, gây xuất huyết bao tử ở người bệnh. Thậm chí, gây chèn ép, hạn chế hô hấp của bệnh nhân. Những trường hợp này cần phải giải quyết sớm. Đặc biệt, bà Hạng còn xuất hiện một lỗ lớn sát khe hoành thực quản có thể do chấn thương trước đó.

Sau hai ngày thực hiện ca phẫu thuật, bà Hạnh tươi tỉnh, bà đã không còn cảm giác ói nhợn khi uống nước, ăn cháo loãng. Ngày 29 Tết Nguyên Đán (ngày 20/1/2023 dương lịch), bà được xuất viện trong vòng tay của con cháu với nụ cười tươi rạng rỡ.

Ngày xuất viện, người bệnh được bác sĩ Hùng dặn dò thêm những điều cần lưu ý sau khi về nhà. Người bệnh cần ăn nhiều bữa và mỗi bữa ăn ít thức ăn thay vì ăn quá no; tránh dùng một số thức ăn gây trào ngược nặng hơn như đồ béo, đồ chiên, rượu, cà phê, sôcôla, hành, tỏi; tránh nằm ngay sau khi ăn hoặc ăn muộn buổi tối trước khi ngủ; ngừng hút thuốc; nâng cao đầu giường khi ngủ (khoảng 15cm). Cần đi khám ngay khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nói gì trước thông tin cha mẹ của bé Hạo Nam nhận hơn 1 tỷ đồng tiền hỗ trợ?

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - ông Đoàn Tấn Bửu thông tin, chính quyền đã hỗ trợ nhiều khoản cho gia đình nạn nhân, cả theo chế độ lẫn hiện kim.

TIN MỚI NHẤT