Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68 có chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó có quy định về các trường hợp có con nhỏ được hỗ trợ.
- Điều tra chùm ca bệnh Covid-19 tại Bắc Ninh, giao nhận hàng tại Hà Nội
- Bác sĩ Trần Văn Phúc hướng dẫn tư thế nằm sấp, cải thiện giảm oxy máu cho bệnh nhân COVID-19
Chỉ 3 trường hợp người lao động có con nhỏ được hỗ trợ thêm
Theo điểm 7 mục II của Nghị quyết 68 do Chính phủ ban hành, chỉ khi người lao động có con nhỏ dưới 06 tuổi và thuộc một trong các trường hợp sau thì mới được hỗ trợ thêm do có con nhỏ:
Thứ nhất, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương
+ Do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19
+ Thời gian nghỉ từ 01/5 - 31/12/2021
+ Đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc
Trong trường hợp này, người lao động được hỗ trợ 3,7 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 01 tháng trở lên; 1,855 triệu đồng/người nếu nghỉ từ 15 ngày liên tục đến dưới 01 tháng.
Nếu có con nhỏ, được hỗ trợ thêm 01 triệu đồng cho mỗi con dưới 06 tuổi.
Thứ hai, người lao động bị ngừng việc
+ Thuộc đối phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa từ 14 ngày trở lên từ 01/5 - 31/12/2021
+ Đang tham gia BHXH bắt buộc
Trường hợp này được hỗ trợ 01 triệu đồng, nếu có con nhỏ được hỗ trợ thêm 01 triệu đồng cho mỗi con dưới 06 tuổi.
Nhiều gia đình công nhân bị mất việc ở TP.HCM, Bình Dương phải chở con nhỏ về quê.
Thứ ba, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động
+ Bị chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh từ 01/5 - 31/12/2021
+ Đang tham gia BHXH bắt buộc
+ Không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp này được hỗ trợ 3,710 triệu đồng, nếu có con nhỏ được hỗ trợ thêm 01 triệu đồng cho mỗi con dưới 06 tuổi.
Lưu ý: Con có thể là con đẻ, con nuôi hoặc trẻ em mà người lao động nhận chăm sóc thay thế. Nếu cả bố và mẹ đều thuộc các trường hợp trên thì chỉ hỗ trợ thêm 01 triệu đồng/mỗi con cho 01 người là mẹ hoặc bố.
Để được nhận khoản tiền hỗ trợ thêm này, người lao động cần nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu của Giấy khai sinh, Giấy chứng sinh, Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền.
Ở trường hợp (1) và (2), người lao động nộp cho người sử dụng lao động; ở trường hợp (3), người lao động chủ động nộp cho Trung tâm dịch vụ việc làm nơi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc nộp online trên Cổng dịch vụ công quốc gia.