Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục là việc cá nhân được bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo bồi dưỡng, được lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo; được tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ…
- Điều đàn ông thực sự cần ở phụ nữ, biết bạn sẽ nắm giữ trái tim họ
- Những "điểm nhấn" giáo dục và đào tạo năm 2024
Ở nước ta hiện nay, việc tiếp tục tăng cường hoạt động bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát huy tiềm năng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Luật Bình đẳng giới 2006 đã quy định rõ các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới. Cụ thể, tại Điều 6, Luật Bình đẳng giới có quy định: Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới; biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới; chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật; thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.
Bên cạnh các nguyên tắc áp dụng chung cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì Luật Bình đẳng giới năm 2006 còn đưa ra ba nguyên tắc cụ thể áp dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Điều 14 như sau:
1. Nguyên tắc nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng
Nguyên tắc này xuất phát từ quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Điều 39 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Theo đó, nam, nữ được đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng khi có đáp ứng quy định về độ tuổi mà không có sự phân biệt về giới tính.
Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong các văn bản pháp luật khác như Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Trẻ em năm 2016.
Hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Công dân không phân biệt giới tính đều bình đẳng về cơ hội học tập. Trên cơ sở nhu cầu, đặc điểm và khả năng khác nhau của người học, người học có thể tham gia vào các cấp học, trình độ đào tạo khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi mà không có sự phân biệt về giới tính.
2. Nguyên tắc nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo
Nguyên tắc này xuất phát từ quyền lựa chọn ngành, nghề, việc làm được quy định tại khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Nền tảng của việc lựa chọn ngành, nghề, việc làm là được đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là đối với các ngành, nghề đặc thù có quy định điều kiện về chứng chỉ hành nghề.
Các cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển sinh trên cơ sở các điều kiện về năng lực của thí sinh thể hiện qua điểm thi, không phân biệt giới tính của thí sinh ứng tuyển. Qua đó, nam, nữ đều có cơ hội ngang nhau trong việc lựa chọn học tập những ngành nghề, lĩnh lực phù hợp với sở thích, khả năng, năng khiếu của bản thân.
3. Nguyên tắc nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
Với tư cách là chủ thể hưởng thụ những giá trị mà giáo dục, đào tạo mang lại, nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Nguyên tắc này được cụ thể hóa trong quy định của các văn bản pháp luật như Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Bộ luật Lao động năm 2019.
Đối với hoạt động giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, Luật Giáo dục năm 2019 không có quy định phân biệt về giới tính đối với các đối tượng được hưởng chính sách giáo dục. Đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động có quyền học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử (Điều 5).
Đồng thời, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định nghiêm cấm hành vi “phân biệt đối xử về giới tính” đối với người lao động, trong đó có việc phân biệt đối xử về giới tính trong việc lựa chọn người lao động cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng quy định về chính sách đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong việc tiếp cận, hưởng thụ các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng tại khoản 4 Điều 14: “Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ”.