Có cơ hội tìm về với gia đình ruột thịt, nhưng Kim Cương vì giận dỗi nên đã khước từ. Để rồi đến khi đã ngoài 50 tuổi, chị mới được đoàn viên.
- Hà Nội: Cháy lớn thiêu rụi kho vật liệu xây dựng cạnh cây xăng tại Tây Mỗ
- Chiêu thức lừa đảo 'con cấp cứu cần chuyển tiền ngay' đã xuất hiện ở Hà Nội: Bệnh viện hướng dẫn cách nhận biết thật hay giả
"Con quý như kim cương"
Ông Đỗ Phúc Thanh (hiện 86 tuổi) và người vợ đầu tiên là bà Lê Thị Gái, cùng quê ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ông Thanh từng đi thanh niên xung phong, sau đó về công tác ở Lai Châu. Có với nhau 3 người con, một trai, hai gái, nhưng không may “vỡ kế hoạch”, bà Gái mang thai lần 4.
Ngày ấy, nếu sinh con thứ 4, ông Thanh phải đối diện với việc bị kỷ luật, đuổi về địa phương. Ông đã rất đau khổ, dằn vặt, đấu tranh tư tưởng đến mức phải báo ốm mấy ngày, xin nghỉ làm để ở nhà suy nghĩ.
Chuyện sau đó lan ra cả cơ quan, thủ trưởng của ông Thanh lúc bấy giờ là ông Nguyễn Kim Hùng cùng vợ đã đến đặt vấn đề, xin nhận đứa trẻ trong bụng bà Gái làm con nuôi. Ông Hùng và bà Lan đã nhiều tuổi nhưng không có con. Vợ chồng ông Hùng làm đơn lên cấp trên xin xem xét và được chiếu cố.
Khi bà Gái sinh nở, ông Hùng, bà Lan săn sóc, túc trực trong bệnh viện, mua sắm hết đồ cho em bé. Ngày con chào đời là một bé gái, ông Hùng bảo: “Để thể hiện sự yêu quý con của vợ chồng tôi, tôi xin đặt tên cho cháu là Nguyễn Kim Cương”. Kim Cương chào đời năm 1970.
Ông Hùng, bà Lan đưa Kim Cương về nuôi, yêu thương, chăm chút. Khi Kim Cương được khoảng 7-8 tháng tuổi, hai nhà ở cách nhau 10km nhưng đi lại thường xuyên. Cứ vào dịp cuối tuần, vợ chồng ông Hùng lại đưa con sang nhà ông Thanh, bà Gái chơi, ăn cơm xong rồi về. Tuần sau vợ chồng ông Thanh lại sang chơi với con.
Mấy năm sau khi Kim Cương 3-4 tuổi, ông Hùng nhận quyết định chuyển công tác về tỉnh Gia Lai - Kon Tum (nay đã tách thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum - PV). Ông đưa cả vợ và Kim Cương đi cùng, từ đó hai gia đình không còn liên lạc, gặp gỡ được thường xuyên như trước.
Năm 1977, vợ chồng lục đục, ông Thanh và bà Gái trở về quê ở Hưng Yên. Hai người chia tay nhau, bà Gái ở vậy nuôi các con, còn ông Thanh đi bước nữa, sau này sinh thêm được 2 người con.
Năm 1987, qua một người quen, ông Thanh nghe tin bà Lan vướng vào vòng lao lý, còn ông Hùng qua đời không lâu sau đó. Đang thu xếp để vào Gia Lai tìm con gái thì ông Thanh tình cờ gặp một người tên là Tuyết Thắm, nhận là người quen với Kim Cương và cho biết, Kim Cương đã không còn ở trong đó nữa. Con trai lớn của ông Thanh là anh Đỗ Tất Nhiên đã viết thư gửi vào cho Kim Cương. Anh tự nhận là anh ruột, an ủi em gái, dặn em ở tạm nhà người quen để chờ bố mẹ vào đón.
Nhận thư của anh, Kim Cương hồi âm, song trong thư thể hiện bản thân rất giận bố mẹ ruột. Chị cũng nhắc đến việc đi đến một nơi thật xa, khi nào có điều kiện sẽ về thăm bố mẹ. Kim Cương không cho gia đình biết địa chỉ của mình, cũng không gửi thư về cho gia đình nữa.
Bao năm qua, ông Thanh, bà Gái đau đáu nỗi niềm khi nghĩ về người con gái của mình. Năm 1996, theo nguyện vọng của mẹ, anh Nhiên đã vào TP.HCM tìm em trong suốt 2 năm. Buổi sáng anh đi làm ở cửa hàng bán dừa của một người bạn, chiều về đạp xe rong ruổi khắp các con đường. Cứ ở đâu có biển hiệu đề tên Kim Cương, anh lại vào hỏi thăm. Trong lòng anh Nhiên luôn nung nấu ý định tìm em và luôn nghĩ rằng mình sẽ tìm được em. Tuy vậy, nỗ lực tìm kiếm của anh không đem lại kết quả.
Năm 2011, bà Gái qua đời khi chưa kịp gặp lại đứa con thất lạc. Còn ông Thanh nay tuổi đã cao, nghĩ đến con mà lòng thắt lại: “Nghĩ đến con, tôi rất buồn, lúc nào cũng khao khát được gặp người con xa xứ trước khi nhắm mắt. Nếu vậy, tôi có ra đi cũng không còn gì hối tiếc nữa”. Gia đình ông Thanh đã gửi thư về chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” với hy vọng tìm được chị Kim Cương.
Cuộc đời nhiều biến cố và ngày đoàn tụ
Lại trở về với câu chuyện của chị Kim Cương. Khi mẹ nuôi vướng vòng lao lý, ba nuôi của chị cũng bị liên lụy, cho về nghỉ hưu sớm. Lương hưu không đủ cho 2 cha con sinh sống nên ông Hùng làm chiếc tủ thuốc lá, ngồi bán ở góc đường.
“Đầu năm lớp 8, tôi nghỉ học vì bị bạn bè trêu chọc, kỳ thị. Ba biết chuyện đã đến gặp cô giáo để tôi được đi học tiếp. Sống thêm được khoảng 3 năm thì ba bảo sẽ đưa tôi về quê nội ở Quảng Nam. Ba đã bán con heo để lấy tiền đi xe, nhưng khi chuẩn bị về thì ba ốm, nằm viện 1 tháng rồi qua đời”, chị Kim Cương khóc nghẹn khi nghĩ đến người cha quá cố.
Sau ngày ba mất, một người đồng đội có quen biết của ông Hùng và ông Thanh đã nói cho chị Kim Cương biết sự thật về thân thế của mình. Người này nói thêm, nếu chị đồng ý, ông sẽ gọi ba mẹ ruột vào đón chị về.
“Ba Hùng giống như bầu trời của tôi. Ngày ba còn sống, ba lo hết cho tôi chu đáo từ sách vở, quần áo,... Bạn bè không ai được như tôi. Thế nên khi ba mất, tôi rất sốc, buồn và khóc suốt. Biết sự thật tôi càng đau khổ, không tin vào câu chuyện của chính mình. Tôi về lục tủ hồ sơ của ba, thấy quyển lý lịch có ghi: “Con nuôi là Nguyễn Kim Cương”, chị Kim Cương nhớ lại.
Không lâu sau, chị Kim Cương vào TP.HCM. Ban đầu chị được cho đến một gia đình bán thịt heo có nhiều thế hệ chung sống. Được 3 hôm thì chị tung cửa bỏ chạy vì bị một người mà chị gọi bằng cậu có ý định sàm sỡ. Chị lại đi một nơi khác làm việc nhà trong 7 năm, đi phụ bán ở không biết bao nhiêu hàng quán, rồi đi làm công nhân may. Bao năm lưu lạc, chị Kim Cương đã đánh mất lá thư của anh Nhiên. Đến khi chị muốn tìm về với ba mẹ thì không biết ở đâu mà tìm.
Năm 1999, chị Kim Cương kết hôn với người đàn ông tên Lê Văn Thiên, người Nha Trang vào TP.HCM làm thợ hồ. Năm 2002, chị Kim Cương sinh cô con gái duy nhất đặt tên là Khánh Trang. Vì cuộc sống vất vả nên anh chị không sinh thêm. Khi con đến tuổi đi học, anh chị đưa con về Nha Trang sinh sống, anh Thiên đi làm thợ xây, còn chị Kim Cương bán bánh canh chả cá.
Năm 2006, chị Kim Cương mới tìm lại được mẹ nuôi. Hai mẹ con đều thương xót cho nhau rất nhiều. Cũng ngày gặp lại đó, chị lần đầu nghe mẹ Lan kể sự thật chuyện cho - nhận con nuôi giữa hai gia đình.
“Mỗi lần có chuyện gì đó ngoài xã hội tác động đến mình, tôi rất muốn có anh em bên cạnh, để người ta không ăn hiếp mình. Tôi có xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” nhưng bao năm nay vẫn chần chừ việc gửi thư nhờ tìm kiếm. Bởi tôi thấy đa số người ta thành đạt khi tìm về cội nguồn, còn tôi chẳng có gì cả. Nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng mong có anh chị em”, chị Kim Cương rơi nước mắt.
Nguyện vọng của chị cuối cùng đã thành sự thật. Năm 2022, chị đã được đoàn tụ cùng ba ruột và các anh chị em trong gia đình. Ngày gặp nhau, chị Kim Cương và anh Nhiên tiếc nuối khi biết, thời điểm anh Nhiên vào TP.HCM tìm em gái, đã có lúc anh chị chỉ ở cách nhau có 300m mà chưa đủ duyên để tìm thấy nhau.
Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly