15 lần nắng nóng lịch sử trong nửa tháng, mùa mưa ở Nam Bộ sẽ rất khốc liệt

Xã hội 20/04/2024 15:58

Các tỉnh thành Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng diện rộng, lượng nước bốc hơi nhiều khiến độ ẩm trong không khí đang tăng lên, dự báo mùa mưa ở Nam Bộ sắp tới sẽ rất khốc liệt không kém gì nắng nóng.

 

Theo báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, số liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 4, Nam Bộ có đến 5 lần nắng nóng vượt lịch sử.

Đáng kể nhất là vào ngày 9/4, nhiệt độ cao nhất tại Biên Hòa (Đồng Nai) lên tới 40 độ C, cao hơn giá trị lịch sử đến 1 độ C. Hay ngày 11.4, nhiệt độ lịch sử mới tại Phước Long (Bình Phước) là 39,4 độ C, cao hơn lịch sử cách đó 37 năm đến 0,9 độ C.

Nắng nóng càng tăng thì nỗi mong mưa của hàng chục triệu người dân Nam Bộ và thậm chí cả Tây nguyên càng lớn dần.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tại Nam Bộ và Tây nguyên, nắng nóng và khô hạn có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5. Tại khu vực Bắc và Trung bộ, nắng nóng có xu hướng gia tăng trong thời kỳ từ tháng 5 - 7.

Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 5, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1 - 2 độ C, có nơi cao hơn; tháng 6 - 7 cao hơn từ 0,5 - 1,5 độ C.

15 lần nắng nóng lịch sử trong nửa tháng, mùa mưa ở Nam Bộ sẽ rất khốc liệt - Ảnh 1
Nắng nóng kéo dài tại khu vực Nam Bộ. Ảnh Sức khỏe và Đời sống.

Tính từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4, tình hình nắng hạn ở các tỉnh Tây Nguyên diễn ra hết sức khốc liệt, hàng trăm hồ đập, các suối lớn, nhỏ mực nước đang xuống thấp, có nhiều khu vực suối cạn trơ đáy. Dẫn đến hàng trăm héc-ta hoa màu, cây trồng thiếu nước và hàng ngàn hộ dân đối mặt với thiệt hại về kinh tế trên diện rộng.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, phân tích, sau nhiều ngày nắng nóng gay gắt liên tiếp, lượng nước bốc hơi nhiều khiến độ ẩm trong không khí đang tăng lên. Ảnh mây vệ tinh cho thấy bắt đầu có những đám mây kéo tới từ phía tây nam và gió cũng bắt đầu chuyển hướng, nhưng còn nhẹ và chưa đều.

Từ nay đến 21/4, sẽ có mưa dông ở một số nơi với lượng nhỏ, diện hẹp. Những nơi có khả năng mưa cao như Phú Quốc, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, TPHCM. Một số nơi ở Tây nguyên có thể mưa cục bộ. Vì lượng mưa nhỏ và diện hẹp nên chưa thể giải nhiệt được mà còn làm cho không khí càng oi bức khó chịu hơn.

Từ ngày 21/4 trở đi, áp thấp nóng Ấn - Miến ở phía tây hoạt động mạnh và tăng cường sang phía đông, ảnh hưởng nhiều đến nước ta, khiến cho nắng nóng gia tăng cường độ trên cả nước.

Đến cuối tháng 4, gió mùa tây nam bắt đầu xuất hiện, đồng nghĩa với việc chúng ta đang đến gần với mùa mưa hơn. Tuy nhiên, gió tây nam chỉ mới bắt đầu ở tầng thấp và mang tính tạm thời, chưa đều. Giai đoạn này, những cơn mưa chuyển mùa cũng bắt đầu xuất hiện rải rác một vài nơi.

Đến ngày 2/5, trên vùng biển phía tây Thái Bình Dương (phía đông của Philippines) có một vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, thậm chí là bão. Nếu đúng như dự báo, nó có thể là dấu mốc cho mùa mưa bão năm nay trên vùng biển phía tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Đình Quyết - Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết, năm nay nắng nóng tại TPHCM và các tỉnh, thành Nam Bộ có một số điểm diễn ra bất thường.

"Độ dài của đợt nắng nóng gần như dài nhất từ tháng 2 đến nay, còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Điển hình như Biên Hòa (Đồng Nai) đạt nhiệt độ cao nhất 40 độ C, đây là giá trị cao nhất từ trước đến nay" - ông Quyết cho hay.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, áp cao lạnh lục địa suy yếu, vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển, mở rộng về phía Đông, Đông Nam. Khoảng ngày 26-27.4, nhiễu động trên cao có xu hướng hình thành tác động tới thời tiết của TPHCM.

Trên cao, áp cao cận nhiệt đới vắt qua Nam Bộ trong khoảng thời gian từ ngày 19-21.4, sau đó nâng dần trục lên phía Bắc, khoảng ngày 26-27.4 áp cao cận nhiệt đới hạ dần trục về phía Nam vắt qua Nam Trung Bộ. Trên vùng biển phía Đông Nam Bộ, gió Đông đến Đông Nam hoạt động với cường độ trung bình đến yếu.

Trong 24-48h tới, nắng nóng vẫn xảy ra diện rộng, tuy nhiên cường độ nắng nóng có khả năng thu hẹp. Nhiệt độ cao nhất 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Riêng khoảng ngày 26-27.4, về chiều, cục bộ có mưa dông, đề phòng lốc, sét trong cơn dông.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết năm 2023, hiện tượng ENSO (sự biến đổi có tính chu kỳ không đều của gió và nhiệt độ bề mặt biển trên Đông Thái Bình Dương) duy trì trạng thái trung tính từ nay đến khoảng tháng 6/2023. Sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng tăng dần và nghiêng về pha nóng El Nino.

Dự báo từ tháng 4 đến 6, nhiệt độ cả nước xấp xỉ cho tới nóng hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 độ C. Mỗi đợt nắng nóng thường 3-5 ngày, năm nay có thể dài hơn, khoảng 5-7 ngày, riêng Trung Bộ hơn 7 ngày.

Cao điểm hè sẽ là hai tháng 6-7 ở miền Bắc và từ cuối tháng 6 đến 8 ở miền Trung với khả năng xuất hiện nắng nóng gay gắt (từ 37 đến 39 độ C) và đặc biệt gay gắt (từ 39 độ C trở lên).

Dự báo, Nam Bộ sẽ dứt nắng nóng từ tháng 6, miền Bắc kéo dài đến đầu tháng 8, miền Trung đến cuối tháng 8.

TP.HCM: Nắng nóng kéo dài, đỉnh điểm 40 độ C, Sở GD-ĐT yêu cầu trường học điều chỉnh thời khóa biểu

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có những lưu ý và yêu cầu hiệu trưởng các trường học chủ động điều chỉnh thời khóa biểu và các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

TIN MỚI NHẤT