Bánh xèo miền Bắc giòn ngon thơm phức với phần nhân tôm thịt đậm đà, ăn kèm với rau sống tươi ngon và nước mắm pha chế đậm đà nữa thì chuẩn khỏi bàn nhé!
- Cách làm phá lấu heo giòn dai, thơm ngon chuẩn hương vị ngoài tiệm!
- 2 cách làm mận Hà Nội lắc chua chua cay cay, giòn ngon tại nhà!
Nội dung bài viết
- Bánh xèo - món bánh truyền thống trải dài 3 miền
- Cách làm bánh xèo miền Bắc giòn ngon tại nhà
Khắp ba miền trên đất nước hình chữ S xinh đẹp, bánh xèo đã quá quen thuộc trong đời sống ẩm thực của người dân. Ở mỗi vùng miền, món bánh xèo lại được “biến tấu” từ hình dáng đến hương vị khác nhau, mang đến sự phong phú về hương vị, thấm đượm nét văn hóa riêng của mỗi vùng miền. Trong đó, nổi bật phải kể đến món bánh xèo miền Bắc, với màu vàng giòn ngon mắt cùng hương thơm nức mũi, khiến ai cũng “mê mệt”. Giờ thì hãy cùng chúng tôi khám phá ngay công thức làm món bánh xèo miền Bắc, giòn ngon, đậm vị này nhé.
Bánh xèo - món bánh truyền thống trải dài 3 miền
Bánh xèo là một loại bánh thuần Việt Nam, nổi bật với bột bên ngoài, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, được rán màu vàng, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt. Khi ăn thường được chấm cùng các loại nước chấm đặc trưng của mỗi vùng và thường ăn kèm với các loại rau như: rau diếp, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non,...
Cái tên “bánh xèo” bắt nguồn từ âm thanh khi lớp bột gạo “hạ cánh” trên chiếc chảo nóng và chiên đến giòn rụm. Ở mỗi vùng miền, bánh có kích cỡ và thành phần nguyên liệu khác nhau.
Nếu như bánh xèo miền Nam to như chiếc mẹt với vị béo ngậy của nước cốt dừa đặc trưng và bánh xèo miền Trung với kích thước nhỏ gọn như cái đĩa nhỏ cùng hương thơm béo đặc trưng của dầu phộng hay còn gọi dầu lạc, thì bánh xèo miền Bắc lại có kích thước nhỏ mức trung bình với hương vị khác biệt - cái màu vàng của bánh, vị giòn và hương thơm của nhân thịt, tôm đi kèm đầy hấp dẫn.
Về nguồn gốc của món bánh thơm ngon dân dã này, người nói “Bánh xèo miền Trung xuất phát từ Bình Định”, còn “Bánh xèo miền tây bắt nguồn từ người Khmer” hay “Đồng bằng Sông Cửu Long”,… nhưng câu trả lời chính xác thì vẫn chưa được kiểm chứng.
Tuy nhiên, dù với xuất xứ từ vùng miền nào, thì có một sự thật là chúng ta không thể phủ nhận được hương vị rất riêng, rất tinh tế của món ăn dân dã, gắn liền với các vùng miền Việt Nam suốt bao đời nay. Thậm chí, món bánh này còn dễ dàng “đốn tim” các du khách nước ngoài và được ưu ái với sự miêu tả “như sở hữu cả dàn giao hưởng trong miệng” khi thưởng thức vậy.
Đọc đến đây hẳn các chị em cũng nóng lòng muốn thử ngay một chiếc bánh xèo nóng giòn thơm ngon rồi, hôm nay, hãy cùng bắt tay vào làm món bánh xèo miền Bắc “nức danh” nhé.
Cách làm bánh xèo miền Bắc giòn ngon tại nhà
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Bột bánh xèo 500 gr
- Bột chiên giòn 100 gr
- Tôm 500 gr
- Thịt vai 500 gr
- Nước cốt dừa 100 ml
- Chanh 1 quả
- Rau sống ăn kèm (xà lách/cải xanh/rau thơm) 200 gr
- Tỏi 2 tép
- Ớt 2 trái
- Hành tím 4 củ
- Bia 500 ml
- Bột nghệ 1/2 muỗng cà phê
- Nước mắm 2 muỗng canh
- Hành lá 1 ít
- Gia vị thông dụng (đường/muối/tiêu/hạt nêm) 1 ít
Các bước tiến hành làm bánh xèo miền Bắc chuẩn ngon
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Trước tiên, tôm mua về bạn đem rửa sạch, bóc vỏ, bỏ chỉ đen rồi ướp với 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng cà phê đường.
- Còn với phần thịt vai heo, bạn cũng đem rửa sạch với nước rồi cắt thành những miếng nhỏ mỏng, sau đó đem ướp cùng 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê tiêu.
- Tiếp đến là ớt, tỏi và hành tím, bạn đem lột vỏ (nếu có), sau đó rửa sạch rồi tiến hành băm nhỏ ra là được.
- Cuối cùng là giá, hành lá và các loại rau sống, bạn đem nhặt bỏ phần hư, rửa sạch và để ra rổ cho ráo nước, riêng hành lá thì bạn cắt nhỏ ra nhé.
Bước 2: Pha bột
- Đầu tiên, bạn chuẩn bị một chiếc tô lớn sạch, sau đó cho 500gr bột bánh xèo cùng 100g bột chiên giòn vào.
- Kế đó, lần lượt cho thêm 1/2 muỗng cà phê bột nghệ, phần hành lá cắt nhỏ, 500ml nước lọc, 500ml bia, 100ml nước cốt dừa vào tô bột trên.
- Cuối cùng bạn chỉ việc khuấy đều cho các nguyên liệu hòa tan và để cho bột nghỉ trong vòng 1 giờ là đạt nhé.
Bước 3: Pha nước mắm đậm đà
- Để có được chén nước mắm đậm thơm, chuẩn vị bắc, bạn hãy pha chế theo tỷ lệ sau nhé:
- Cho vào chén phần tỏi ớt đã băm nhuyễn cùng 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh nước cốt chanh, 2 muỗng canh nước lọc rồi dùng muỗng trộn đều cho nước mắm hòa tan là đã hoàn tất rồi đấy, rất đơn giản phải không nào!
- Lúc này, bạn cũng có thể nêm nếm lại cho phù hợp với khẩu vị gia đình nhé.
Bước 4: Xào các nguyên liệu
- Đến công đoạn này, trước hết, bạn bắc chảo lên bếp và cho 2 muỗng canh dầu ăn vào chảo.
- Khi thấy dầu nóng lên, bạn phi thơm phần hành tím băm nhỏ lên rồi cho phần tôm đã ướp vào xào chín.
- Sau khi tôm chín, bạn cho ra tô riêng rồi tiếp tục xào thịt tương tự như vậy là được nhé.
Bước 5: Đổ bánh xèo miền Bắc
- Ở bước cuối cùng này, bạn bắc một cái chảo chống dính lên bếp trước. Sau đó quét 1 lớp dầu mỏng lên chảo,chờ đến khi chảo nóng lên thì bạn đổ 1 lớp bột thật mỏng vào, láng đều cho bột lan khắp mặt chảo.
- Tiếp đến, bạn cho thêm tôm, thịt đã xào chín và giá vừa đủ vào. Để lửa vừa và đợi cho vỏ bánh bắt đầu chín vàng thì gập đôi bánh lại thành hình bán nguyệt.
- Cuối cùng, bạn cho thêm ít dầu ăn vào chảo rồi chiên kĩ 2 mặt bánh, đến khi bánh vàng giòn đều 2 mặt là hoàn tất rồi đấy. Cứ lặp lại các bước như vậy cho đến khi hết nguyên liệu.
Thành phẩm
Bánh xèo miền Bắc mới ra lò với màu vàng ươm bắt mắt và hương thơm nức mũi, cắn một miếng là cảm nhận ngay được độ giòn rụm như muốn tan ra trong miệng, kết hợp với phần nhân tôm thịt đậm đà, ăn kèm với nước chấm đậm đà và rau tươi xanh mát thì chuẩn vị khỏi bàn nhé. Tất cả đem đến một “bản giao hưởng hương vị” ngay trong miệng, khiến người thưởng thức không thể dứt ra được!
Mẹo giúp bánh giòn lâu
Điểm nổi bật của bánh xèo so với những loại bánh khác đó chính là độ giòn tan khi nhai, khiến các thực khách thích mê. Để giữ được độ giòn của bánh, bạn hãy chú ý các mẹo sau nhé:
- Lượng nước hòa vào bột cần chính xác, nếu bột pha quá nhiều nước bánh thành phẩm sẽ bị mềm nhão, không giòn.
- Đổ bột bánh xèo càng mỏng và chiên bánh xèo càng lâu thì bánh sẽ càng giòn, tuy nhiên bạn cần trở mặt liên tục để bánh không bị cháy.
- Sau khi chiên bánh xong, bạn nên để bánh lên giấy thấm dầu hoặc gác lên vỉ, để ở nơi thoáng và tuyệt đối không đậy kín bánh lại, kẻo làm bánh hấp hơi thì sẽ nhanh ỉu nhé.
Mẹo chọn nguyên liệu tươi ngon
Mẹo chọn tôm tươi ngon
- Bạn nên chọn tôm có phần thân hơi cong, thịt săn chắc, vỏ tôm nguyên vẹn và đầu tôm dính chặt vào thân, đây là dấu hiệu của loại tôm tươi ngon, khỏe mạnh nhé.
- Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý phần chân tôm, nếu thấy phần chân tôm có màu trong suốt, dính chặt với thân tôm, thì đây là tôm còn tươi. Ngược lại, nếu phần chân đã chuyển màu, lỏng lẻo thì bạn nên tránh mua nhé.
- Đặc biệt, bạn không nên mua tôm có phần đuôi xòe ra, lỏng lẻo, mất vây đuôi và không xếp gọn vào nhau, đây có thể là tôm bắt lên đã lâu và ngâm qua chất bảo quản, không tốt cho người tiêu dùng.
Mẹo chọn mua thịt heo tươi ngon, chất lượng
- Để chọn mua được thịt heo tươi ngon, bạn nên chọn mua những miếng thịt màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, màng ngoài khô và các thớ thịt đều nhau.
- Đồng thời, bạn nên chọn những miếng thịt heo mà khi dùng tay chạm vào thấy thịt có độ đàn hồi tốt, rắn chắc và khi ngửi có mùi thơm tự nhiên của thịt.
- Không nên mua thịt có màu đỏ thâm hoặc xanh nhạt và bị chảy nước vì đây là dấu hiệu cho thấy thịt đã bị ôi.
- Ngoài ra, bạn cũng tránh mua thịt heo có mùi hôi khó chịu, nhũn nhão và không có độ đàn hồi vì đó có thể là thịt sắp hư, khi chế biến món ăn sẽ rất có hại cho sức khỏe.
Trên đây là công thức đơn giản cho món bánh xèo miền Bắc giòn ngon, chuẩn vị ngay tại nhà. Với thời tiết những ngày mưa bất chợt của Sài Gòn như hiện nay, được thưởng thức một chiếc bánh xèo nóng hổi, giòn ngon thì còn gì bằng nữa!!! Chúc các chị em trổ tài chiêu đãi gia đình thành công với món ăn “ngon mắt ngon miệng” này nhé!