Không như đàn ông, chị em thường xem tình yêu hôn nhân là lẽ sống, là cả cuộc đời của mình. Chính vì lẽ đó nên sau hôn nhân, các bà vợ thường dễ rơi vào hiện tượng “vỡ mộng” về bạn đời. Họ buồn tủi, đau khổ và nảy sinh nhiều ý nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, khi biết chấp nhận “hôn nhân không như là mơ” thì bỗng nhiên mọi thứ như được hóa giải. Các bà vợ bỗng dưng trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh và giỏi giang hơn.
- 5 điều tuyệt đối đừng bao giờ làm trong hôn nhân
- Những khe hở trong hôn nhân tạo cơ hội cho "kẻ thứ 3"
Cách hóa giải khổ đau của một người vợ
Thoa 29 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội. Lấy chồng cách đây 5 năm, hiện có một bé trai kháu khỉnh đáng yêu. Cuộc sống hôn nhân của Thoa hiện tại khá êm đềm, yên ổn. Thế nhưng cách đây 2 năm, Thoa đã từng phải gọi điện đến Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (TƯ Đoàn TNCSHCM) tâm sự về nỗi đau khổ, thất vọng về hôn nhân của mình. Đó là giai đoạn Thoa nhận thấy tình yêu nơi chồng không còn, thay vào đó là sự hờ hững “có chồng cũng như không”.
Tâm sự với chuyên gia, Thoa nói: Ngày xưa yêu nhau, anh ấy rất chiều tôi. Nhưng lấy nhau chưa được bao lâu, bỗng dưng anh ấy như trở thành một con người khác. Anh ấy không còn thích thú mỗi lần trò chuyện cùng tôi. Chuyện chăn gối thì càng ngày càng thưa dần, có khi cả tháng vợ chồng mới gặp nhau một lần. Những biểu hiện đó của chồng khiến tôi vô cùng đau khổ. Khổ sở nhất là nghi anh ấy có bồ. Nhiều lần còn bí mật thuê xe ôm bám đuôi chồng để xem anh ấy “tằng tịu với cô nào mà chẳng thèm đoái hoài gì đến vợ”. Vì sự nghi kỵ, ghen tuông nên vợ chồng tôi thường xuyên cãi vã. Đến khi tĩnh tâm nhìn lại, thấy chồng không có biểu hiện gì của việc cặp bồ. Ra ngoài, chồng tôi không bao giờ chải chuốt, không điện thoại nhắn tin gì cả. Cuối tuần ở nhà với vợ con. Chỉ khác là thay vì trước đây anh ấy khao khát mình bao nhiêu thì sau hôn nhân, anh ấy hờ hững bấy nhiêu”.
Sau khi tin rằng chồng không ngoại tình, Thoa đã yên tâm trở lại. Cô cũng nhận ra một sự thật rằng, sở dĩ chồng mình thay đổi thái độ không phải vì anh thay lòng đổi dạ, đem lòng yêu người phụ nữ khác, cũng không phải vì chồng chán vợ, muốn bỏ vợ mà chỉ vì hôn nhân đơn giản không phải là tình yêu. Hiểu được như vậy nên Thoa đã chấp nhận sự thay đổi đó, coi như là một quy luật chuyển từ tình yêu đắm say của riêng hai người sang đời sống hôn nhân gia đình vốn mang đầy đủ những bộ mặt của đời sống. Điều lạ là từ khi biết chấp nhận thì những khổ đau của cô cũng chấm dứt. Nhờ đó mà Thoa làm tốt hơn bổn phận trách nhiệm của mình trong gia đình, vui sống với niềm vui và phận sự của mình.
Trên thực tế, không ít chị em sau một thời gian thất vọng về tình cảm từ chồng, họ đã lấy lại sự bình yên trong tâm hồn nhờ… biết chấp nhận. Khi biết chấp nhận hôn nhân không như mơ, nhiều chị em đã trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh và giỏi giang hơn. Bởi khi biết chấp nhận cũng là lúc mà người phụ nữ trở nên ít đòi hỏi hơn ở chồng, trong đó có cả việc đòi hỏi về tình cảm.
Chị em nên học cách “yêu gia đình” của đàn ông
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, hiện tượng chị em thường “vỡ mộng” sau hôn nhân là khá phổ biến. Trong khi đó điều này ít diễn ra ở nam giới. Sở dĩ chị em dễ bị “vỡ mộng” là bởi tâm lý xem tình yêu, gia đình, chồng con là cả cuộc đời của mình. Vì quá hy vọng nên khi thực tế không được như mong muốn, họ trở nên thất vọng.
Trong khi phụ nữ xem tình yêu là lẽ sống thì ngược lại đàn ông chỉ xem tình yêu là một phần trong cuộc đời của họ, bên cạnh sự nghiệp, bạn bè. Vì lý do này nên đàn ông thường ít đòi hỏi hay thất vọng về tình yêu của vợ là vì vậy.
Theo các chuyên gia tâm lý, đàn ông vốn đơn giản, vô tâm trong vấn đề tình cảm. Trong khi đó phụ nữ lại hay nghĩ phức tạp và bi kịch hóa vấn đề. Từ một lời cộc cằn bộc phát theo tập khí xấu từ trong gia đình của chồng, phụ nữ lại thổi phồng lên và cho rằng nói như vậy là khinh thường vợ, là thay lòng đổi dạ. Đặc biệt, trong chuyện tình dục, đàn ông vốn như một chiến binh, chỉ thích đi chinh phục. Vì đặc điểm này nên trong chuyện tình dục, họ dễ “cả thèm chóng chán”. Đàn ông thường bị hấp dẫn bởi những thứ họ chưa đạt được. Với những thứ đã đạt được, như vợ của anh ta chẳng hạn, thì anh ta sẽ đối xử như đối xử với bản thân. Thế nhưng sự thay đổi “thái độ” ứng xử này đã khiến cho các bà vợ dường như không chịu nổi. Các bà vợ thường cho rằng, đó là biểu hiện của sự “thay lòng đổi dạ” nơi người má kề tay ấp của mình.
Nhà tâm lý Nguyễn An Chất cũng cho rằng, giai đoạn 5 năm đầu hôn nhân được xem là giai đoạn chông chênh nhất. Giai đoạn mà giới tâm lý thường gọi đó là giai đoạn khủng hoảng, giai đoạn vỡ mộng trong hôn nhân. Vỡ mộng về tính cách, vỡ mộng về cách ứng xử và vỡ mộng cả về… tình cảm của người bạn đời. Sở dĩ gọi đây là giai đoạn "Vỡ mộng" của một cuộc hôn nhân là bởi các cặp vợ chồng dễ rơi vào cảm giác hụt hẫng khi mới về chung sống cùng nhau. Hụt hẫng vì bị "rơi" từ giấc mơ của những người đang yêu xuống thực tế của một cuộc sống chung với bao nhiêu chi tiết đời thường. Hụt hẫng còn vì họ chưa được chuẩn bị tâm thế cho cuộc sống chung.
Theo các chuyên gia, vì đây là giai đoạn vỡ mộng nên khi gặp những điều bất như ý, các cặp vợ chồng nên cố gắng dẹp bỏ cái tôi cá nhân của mình để vì hạnh phúc chung của gia đình. “Đặc biệt đối với các bà vợ, chị em cũng nên học cách của đàn ông, cứ phải bơ đi mà sống, mà vui với niềm vui của mình. Đàn ông họ cũng có niềm vui của họ nên chị em cũng nên có niềm vui của mình. Đó là niềm vui về công việc, học tập và bạn bè. Có như vậy phụ nữ mới có thể sống vui vẻ, sống có ích được. Nhờ sống vui vẻ, sống có ích mà các ông chồng sẽ cảm thấy trân trọng và nể phục hơn. Đó chính là cách nuôi dưỡng tình yêu và xây đắp hạnh phúc hôn nhân một cách bền vững”, nhà tâm lý Nguyễn An Chất nói.