Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP HCM, cho biết duy trì giám sát 24/24 người nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải TP HCM) để phát hiện sớm các trường hợp sốt hoặc có dấu hiệu nghi ngờ, từ đó có phương án xử trí kịp thời.
- Không bị chó cắn nhưng dương tính với bệnh dại, người đàn ông 37 tuổi tử vong trong sự bàng hoàng của gia đình
- Xót xa trẻ sinh non, nặng vỏn vẹn 1,2kg bị mẹ bỏ mặc ở bệnh viện, đối mặt nhiều bệnh lý nguy hiểm
Theo thông tin từ VnExpress, ngày 28/9, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP HCM, cho biết duy trì giám sát 24/24 người nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải TP HCM) để phát hiện sớm các trường hợp sốt hoặc có dấu hiệu nghi ngờ, từ đó có phương án xử trí kịp thời. Trong đó, ngành y tế tăng cường giám sát người nhập cảnh từ các vùng đang bùng phát dịch. Đây là động thái thường xuyên của ngành y tế TP HCM mỗi khi các nước thường xuyên giao thương với Việt Nam xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm.
Tuần qua, đợt bùng phát virus Nipah tại bang Kerala, miền nam Ấn Độ khiến 6 người nhiễm bệnh, trong đó hai ca tử vong, một trường hợp thở máy là bé trai 9 tuổi. Hơn 700 người bao gồm cả nhân viên y tế đã được xét nghiệm. Chính quyền địa phương đóng cửa một số trường học, văn phòng và mạng lưới giao thông công cộng... nhằm ngăn chặn sự lây truyền của virus này.
Đây là đợt bùng phát virus Nipah lần thứ tư tại Kerala trong vòng 5 năm, đợt gần đây nhất là vào năm 2021. Theo CDC Mỹ, những đợt bùng phát như vậy thường ảnh hưởng đến một khu vực địa lý tương đối nhỏ nhưng có tỷ lệ tử vong cao (40-75% tùy thuộc vào chủng) và sự lây lan ngày càng tăng giữa người với người có thể dẫn đến sự biến đổi của virus.
Dẫn tin từ Tuổi Trẻ, virus Nipah là một loại virus lây truyền từ động vật sang người, từ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc lây truyền trực tiếp giữa người với người. Ở người nhiễm, nó có thể gây ra các hậu quả từ nhiễm trùng không có triệu chứng đến bệnh hô hấp cấp tính và viêm não gây tử vong.
Hiện bệnh do virus Nipah gây ra chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu.
Các triệu chứng khi nhiễm virus Nipah thường xuất hiện 4-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm viêm não và có khả năng tử vong (40-75% trường hợp). Di chứng lâu dài ở những người sống sót sau khi nhiễm virus Nipah đã được ghi nhận, bao gồm co giật dai dẳng và thay đổi tính cách.
Để phòng ngừa lây truyền virus Nipah, HCDC khuyến cáo người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, tránh tiếp xúc với dơi hoặc lợn bị bệnh, tránh những nơi dơi thường trú ngụ.
Tránh ăn hoặc uống các sản phẩm có thể bị ô nhiễm bởi dơi (nhựa cây chà là sống, trái cây sống hoặc trái cây tìm thấy trên mặt đất) và tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của bất kỳ người nào được biết là bị nhiễm Nipah.