Bé trai nhập viện trong tình trạng khẩn cấp, lơ mơ, choáng nặng, vết thương rỉ máu.
- Khả năng lây virus Marburg tại Việt Nam, ngành y tế yêu cầu người dân chủ động phòng, chống
- Hà Nam: Cô gái 21 tuổi ngộ độc thuốc diệt chuột, hôn mê sâu, co giật mạnh
Thông tin từ VTV News cho hay, mẹ bệnh nhi cho biết: Bệnh nhi đang chơi đùa cùng bạn tại lớp học, trong lúc không để ý bị bạn dùng chìa khóa chọc vào đầu. Sau đó, bệnh nhi thấy đau đầu và phát hiện có vết thương chảy máu. Nhà trường nhanh chóng sơ cứu và đưa đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Sau khi chụp phim CT sọ não có hình ảnh vỡ xương sọ, máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng trong não, trong não thùy trán trái (kích thước: 4x5cm). Sau khi hội chẩn, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán: Vết thương sọ não với hướng xử trí mổ cấp cứu.
ThS.BS Dư Văn Nam - bác sĩ trực tiếp phẫu thuật chia sẻ: Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi được tiến hành hồi sức, mổ cấp cứu. Ê-kíp phẫu thuật đã tiến hành cưa xương sọ lấy máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng, trong não và đặt dẫn lưu. Đây là một ca phức tạp, nặng, cần theo dõi sát toàn trạng.
Theo ThS.BS Nam thông tin trên Tri thức và cuộc sống cho biết, chấn thương, vết thương sọ não ở trẻ em có thể gây ra những di chứng nặng nề, thậm chí có thể tử vong. Do đó, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần cẩn thận và lưu ý, phòng ngừa trẻ bị té ngã và chấn thương.
Sau 1 ngày được điều trị, chăm sóc tận tình, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, tỉnh hoàn toàn. Sau 11 ngày, bệnh nhi được xuất viện.
Trước đó không lâu, theo Tuổi Trẻ, một bé trai vô tình bị kéo đâm thủng hộp sọ khi chơi đùa trong lớp.
Cụ thể, ngày 19-1, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho hay vừa tiếp nhận cấp cứu trường hợp bé P.T.H. (12 tuổi, Hà Nội) bị kéo đâm thủng hộp sọ.
Bác sĩ Trần Minh Tân - khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, cây kéo cắm chặt vào vùng thái dương phải. Kết quả chụp phim cho thấy cây kéo đâm qua xương sọ vào trong hộp sọ.
"Các trường hợp bị dị vật đâm thủng hộp sọ có nguy cơ bị chảy máu não. Trường hợp này, vị trí của cây kéo nằm ở vùng thái dương, nơi có động mạch màng não giữa đi qua, rất có thể gây đứt động mạch, gây máu tụ ngoài màng cứng. Nếu không xử lý sớm, bệnh nhân có nguy cơ áp xe não, viêm màng não về sau", bác sĩ Tân thông tin.
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã dùng kháng sinh, tiêm thuốc phòng uốn ván, làm xét nghiệm chuyển phẫu thuật. Trong ca mổ, bác sĩ mở rộng vết thương, mở xương sọ, lấy cây kéo khỏi hộp sọ của bệnh nhi, làm sạch dị vật tóc, xương vụn, lấy máu tụ, cầm máu.
"Đây cũng là bài học cho gia đình và nhà trường trong việc quản lý con em khi sử dụng các vật dụng sắc nhọn, kể cả kéo thủ công. Với các trường hợp dị vật nói chung, dị vật hộp sọ nói riêng, khi sơ cứu không được rút ngay dị vật vì có thể gây chảy máu không kiểm soát được. Cần chuyển bệnh nhân đến ngay tuyến chuyên khoa để được xử lý nhanh chóng, triệt để và an toàn" - bác sĩ khuyến cáo.