Theo con số thống kê mới đây, số lượng người tiêm vắc xin ngừa dại và đi khám chữa bệnh do bị chó cắn khi đi chúc Tết tăng cao.
- Kết luận chính thức vụ bé trai nghi hóc hạt bí tử vong ngày Tết Nguyên đán 2023
- Nhập viện nguy kịch do ngộ độc rượu sau tiệc khai xuân
Tiền Phong đưa tin, ngày 31/1, BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, kỳ nghỉ Tết vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận và tiêm phòng bệnh dại cho 1.365 trường hợp trên địa bàn TP.HCM, đa phần là bị chó cắn. Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, hầu hết bệnh nhân bị chó tấn công khi đi chúc Tết bà con lối xóm và họ hàng.
Điển hình như trường hợp ngày mùng 2 Tết, anh N.V.H (32 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) cùng gia đình sang thăm nhà và chúc Tết người họ hàng. Thấy cửa nhà đang mở, anh cất cao giọng chúc mừng năm mới gia chủ thì bị con chó đang nuôi con nằm trong góc nhà lao ra cắn vào chân phải.
Vết cắn do chó gây ra không gây nguy hiểm nhưng chảy máu và khiến anh H. đau nhức nhưng do chủ nhà không nhớ được thời gian tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó nên để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh dại, sau khi sơ cứu, khử trùng vết thương, anh H. đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Theo thông tin từ báo Đại Đoàn Kết, bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian gần đây, cơ sở y tế này đã ghi nhận liên tiếp 2 trường hợp bệnh nhi tử vong do bị chó dại cắn. Đặc biệt đáng lưu tâm là ở cả 2 trường hợp này, phần rất lớn nguyên nhân dẫn tới cái chết thương tâm của trẻ lại chính là sự chủ quan, coi thường bệnh của gia đình nạn nhân.
Cụ thể, Bé T.M.L. (16 tháng tuổi, ở Phú Thọ) được đưa vào viện trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, tím tái toàn thân, ý thức lơ mơ; được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết, chưa loại trừ được viêm cơ tim cấp và viêm não - màng não.
Mặc dù mọi biện pháp nhằm cứu chữa bệnh nhi đều đã được các bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện thực hiện, nhưng đến ngày điều trị thứ 2, tình trạng bệnh của trẻ ngày càng nặng, viêm phổi nặng lên, toan hóa máu không cải thiện kèm theo chảy máu tiêu hóa.
Trường hợp chị T. (35 tuổi, Cao Bằng) đã tử vong sau 2 ngày lên cơn dại. Theo gia đình chị T., chị có mua một con chó về làm thịt, không may bị chó cắn vào cẳng chân phải. Vết cắn nông, chảy ít máu. Nghe lời mách bảo, chị T. nhờ chồng đưa tới nhà ông lang thử chó dại. Thầy lang nói chị T. không bị dại.
Do tin lời thầy lang và lo sợ nếu tiêm phòng vaccine dại sẽ không có sữa cho con bú nên chị T. đã từ chối và nhảy khỏi xe máy của chồng khi đang trên đường đi tiêm phòng.
Hơn 10 ngày trước khi mất, chị T. bị đau chân, chóng mặt, buồn nôn và lên cơn co giật. Khi đưa chị T. lên bệnh viện địa phương, các bác sĩ cho biết dấu hiện của chị T. là dấu hiệu lên cơn dại. Sau khi xuất hiện triệu chứng co giật do bị nhiễm virus dại 2 ngày, chị T. đã tử vong. Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều lần, tuy nhiên, một số người vẫn chủ quan dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm Vắc xin dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình “tàn phá”.
Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30-90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, “đoạn đường” di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.
Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại chủ yếu là chưa tiêm vắc xin và thường gặp ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.
Bác sĩ Hoàng Đình Khánh - Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn người dân cần chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm dự phòng trước đối với bệnh dại. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm, không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.