47 đứa trẻ bị suy thận mạn kéo dài sự sống nhờ chạy thận nhân tạo phải đón Tết trong bệnh viện. Có đứa là lần đầu tiên, nhưng cũng có đứa đã hơn 10 cái Tết chưa được về nhà.
- Tình hình dịch COVID-19: Số ca mắc giảm sâu, cần kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ
- Ngày 16/1: Lên phương án kiểm soát bệnh truyền nhiễm, tuyên truyền phòng bệnh và phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu
"Năm nay không được về quê ăn Tết, con buồn lắm. Năm ngoái con bị suy thận phải nhập viện luôn cũng không về được. Con nhớ nhà, nhớ em con…", Mai Hoàng Nguyên (13 tuổi) đưa đôi mắt đỏ hoe nhìn về phía phòng chạy thận, thở dài.
Mắc phải chứng suy thận mạn, giống như bao đứa trẻ khác, mỗi tuần Nguyên phải ra vào bệnh viện liên tục để chạy thận, duy trì sự sống. Dù mới 13 tuổi nhưng Nguyên là một đứa trẻ hiểu chuyện.
"Con ước mau hết bệnh, con muốn phụ giúp gia đình và ba mẹ con nữa, vì nhà con còn có 2 đứa em. Vì con đi chạy thận mà em con không đủ tiền mua sữa, sáng sớm ba phải dậy đưa con đi chạy thận rồi mới đi làm. Có nhiều ngày ba con không ngủ được nhiều vì phải dậy sớm. Con thương ba mẹ, nhớ em con, con muốn được về nhà ăn Tết…", Nguyên bật khóc.
Ngồi cạnh Nguyên, Nguyễn Đức Hậu (12 tuổi) cho biết năm ngoái, con được ăn Tết cùng với gia đình. Năm nay, con ở lại bệnh viện cùng với mẹ.
"Ban đầu con sợ lắm, giờ con cũng quen rồi. Ba mẹ vì con mà cực, mẹ chăm con rồi đến ba con phải thay đổi. Con cũng ước được khỏe mạnh giống bạn, con muốn đi làm nữa. Hồi con học đến lớp 5 là nghỉ rồi, con buồn nhiều lắm. Con ước hết bệnh để đi học tiếp…", Hậu thỏ thẻ nói.
Ngồi một góc trên giường bệnh, Trần Hoàng Lê Vy (12 tuổi) đưa đôi mắt đỏ hoe nhìn mẹ. Cách đó vài bước chân, chị Lê Thị Trúc Ly (30 tuổi) thở dài mệt mỏi.
Sau khi phát hiện con gái mắc hội chứng thận hư từ năm 2019 và điều trị tại bệnh viện, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gia đình không thể đưa Vy đi tái khám. Đến khi quay lại bệnh viện, đứa trẻ 12 tuổi đã chuyển qua suy thận mạn giai đoạn cuối.
"Mọi năm bé ăn Tết ở quê, mấy ngày cuối năm bé khóc nhớ nhà đòi về hoài mà em không có tiền, phần vì phải chạy thận nữa. Em chỉ mong bé có đầy đủ sức khỏe để bé chạy thận, có thể ở bên em thêm nhiều năm nhất có thể", chị Ly nghẹn lời.
Cầm trên tay chiếc cúp Giải nhất cuộc thi hát do Đơn vị Thận nhân tạo tổ chức, Vy cho biết ước mơ lớn nhất của con sau này là được làm ca sĩ. Học đến lớp 6 phải tạm nghỉ để đi chạy thận, đứa trẻ 12 tuổi mong rằng con sẽ một lần nữa được quay lại trường học. Nhìn thấy những đứa trẻ cùng trang lứa được đến trường, được ba mẹ mua quần áo Tết, Vy chỉ biết bật khóc.
"Con ước được con nhanh hết bệnh để về quê, con nhớ quê. Em con cứ hỏi chừng nào con về rồi em con khóc. Vì con bệnh mà mẹ phải khổ, con thương mẹ nhiều lắm", Vy nói.
Theo BS.CK2 Hoàng Ngọc Quý – Trưởng đơn vị Thận nhân tạo, BV Nhi đồng 2 cho biết đơn vị hiện đảm nhận việc chạy thận nhân tạo cho bệnh nhi từ miền Trung, Tây Nguyên đến các tỉnh Nam Bộ. Để duy trì sự sống, những đứa trẻ kém may mắn này phải gắn liền với máy chạy thận, một tuần 2-3 lần, có đứa nặng phải chạy đến 4 lần/tuần.
"Nhân dịp Tết đến, chúng tôi tạo ra nhiều cuộc thi lưu giữ kỷ niệm, có bữa tiệc tất niên để các bé và gia đình cùng tham gia với nhân viên y tế tạo sự gắn kết với nhau, từ đó chăm sóc tốt hơn cho các bệnh nhi.
Năm mới để mọi người sum họp, nhưng đối với các bé suy thận phải gắn liền với máy chạy thận, không thể về đón Tết cùng gia đình. Chúng tôi chỉ cố gắng tạo ra được những khoảnh thắc, thời điểm để các bé lưu giữ kỷ niệm, tạm quên đi nỗi đau đớn của bệnh tật. Nhìn thấy các bé mặc đồ đẹp, hứng khởi chụp hình khiến những nhân viên y tế cũng hạnh phúc, đó là niềm vui của tất cả mọi người", BS.CK2 Hoàng Ngọc Quý nói.