Nhắc nhở: Quy định về thủ tục khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế năm 2023, lưu ý khi thay đổi cơ sở khám, chữa bệnh

Tin y tế 20/02/2023 14:29

Nắm rõ một số quy định về thủ tục khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế mới nhất năm 2023 sẽ giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí khám, chữa bệnh.

8 quy định khám chữa bệnh bằng BHYT 2023

Thông tin từ Báo Sức khỏe và đời sống theo Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về thủ tục khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế năm 2023 cho người dân như sau:

- Một là người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;

Hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.

- Hai là trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh;

Trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.

- Ba là người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội;

Nhắc nhở: Quy định về thủ tục khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế năm 2023, lưu ý khi thay đổi cơ sở khám, chữa bệnh - Ảnh 1

Thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế năm 2023 người dân cần biết (Ảnh minh họa)

Hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.

- Bốn là người đã hiến bộ phận cơ thể đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình các giấy tờ quy định tại (1) và (3) mục 1.

Trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.

- Năm là trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia bảo hiểm y tế phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.

Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 5 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

- Sáu là trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại (1), (2) và (3) mục này trước khi ra viện.

Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có trách nhiệm:

Cung cấp cho người bệnh khi ra viện các giấy tờ, chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định tại các Điều 28, 29 và 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

- Bảy là người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến;

Hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại (1), (2) và (3) mục này và một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản chụp):

- Giấy công tác;

- Quyết định cử đi học;

- Thẻ học sinh, sinh viên;

- Giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú;

- Giấy chuyển trường.

- Tám là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội không được quy định thêm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài các thủ tục quy định tại mục này.

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội cần sao chụp thẻ bảo hiểm y tế, các giấy tờ liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh để phục vụ cho công tác quản lý thì phải tự sao chụp, không được yêu cầu người bệnh sao chụp hoặc chi trả cho khoản chi phí này.

Nhắc nhở: Quy định về thủ tục khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế năm 2023, lưu ý khi thay đổi cơ sở khám, chữa bệnh - Ảnh 2
Quy định về cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh BHYT. Ảnh: Internet

Cũng theo Báo Lao Động, người dân muốn thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2023 cần nắm được thủ tục, hồ sơ cụ thể.

Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như sau:

Thủ tục chuyển bảo hiểm y tế doanh nghiệp sang hộ gia đình

Người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế…

Người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.

Người dân căn cứ vào quy định nêu trên để biết và thực hiện việc thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu theo đúng quy định vào đầu mỗi quý.

Về hồ sơ thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2023, bao gồm:

1. Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (mẫu TK1-TS, 1 bản/người) hoặc Danh sách đề nghị thay đổi thông tin của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (mẫu D07-TS , 01 bản) đối với hồ sơ do đơn vị nộp.

2. Thẻ bảo hiểm y tế cũ còn giá trị.

Ngoài ra, phải nộp thêm bản sao chứng minh thư nhân dân hoặc Giấy khai sinh .

Về thời hạn giải quyết hồ sơ:

5 ngày làm việc, riêng trường hợp nhận hồ sơ từ ngày 21 của tháng cuối quý và có ngày trả kết quả trước ngày 1 của tháng đầu quý sau, thì thời hạn trả kết quả vào buổi chiều ngày làm việc đầu tiên của tháng đầu quý sau.

Địa điểm nộp hồ sơ:

Người đang làm việc nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc nộp thông qua đơn vị nơi đang làm việc.

Các trường hợp khác: nộp hồ sơ cho cơ quan cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Người dân liên hệ đến cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương để được hỗ trợ cụ thể.

Vaccine COVID-19 Pfizer có hiệu quả ở trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, Hàn Quốc bắt đầu tổ chức tiêm phòng

Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer an toàn và có hiệu quả cao cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi, theo một nghiên cứu mới.

TIN MỚI NHẤT